“Tăng thuế thế này thì chết”
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển khẳng định, đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông Tại, đánh thuế VAT sẽ làm triệt tiêu sản xuất, bởi doanh nghiệp sẽ đẩy thuế này vào giá thành sản xuất, từ đó giá sản phẩm tăng lên, khiến sức tiêu thụ có thể bị co lại.
Ông Tại lý giải: Giả sử lúc VAT 10%, doanh nghiệp bán được 10 sản phẩm (mỗi sản phẩm giá 10 đồng), Nhà nước thu được 10 đồng/10 sản phẩm. Khi bị đánh thuế VAT 12%, DN chỉ bán 5 sản phẩm. Lúc đó, DN bán được ít đi, vì giá cao lên, trong khi nhà nước chỉ thu được 6 đồng, như vậy sẽ thất thu, còn người tiêu dùng phải mua sản phẩm với giá cao hơn.
Theo ông Tại, khi thuế tăng cao, Nhà nước sẽ tăng thu được một ít, nhưng sản xuất sẽ kém đi. Việc tăng thu này, không lại được với vấn đề lãng phí đầu tư công, thất thoát rất đáng lo ngại khác. “Chính phủ đồng hành, hỗ trợ DN, cụ thể là bằng chính sách tốt, nhưng cứ tăng thuế thế gây khó cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, có nên không? Chưa kể, hiện vấn đề thất thoát thuế, trong đó có cả trốn thuế là vấn đề rất lớn, chứ đi tăng thu những ông làm ăn đàng hoàng là rất dở”, ông Tại nói.
Đồng tình với góc nhìn trên, ông Nguyễn Khắc Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, một “ông lớn” trong lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế VAT lên 12%, đương nhiên sẽ đẩy khó khăn thêm cả DN lẫn người
tiêu dùng.
Theo ông Thảo, khi VAT tăng lên, người tiêu dùng phải chịu. “Giá lợn hơi bây giờ đang 30-31 nghìn đồng/kg, người nuôi đã lỗ nặng, giá thực phẩm đang thấp, bây giờ tiếp tục tăng giá thức ăn chăn nuôi lên nữa thì rất dở. Tăng thuế thế này thì chết”- ông Thảo nói.
Giám đốc đối ngoại một trong những DN sản xuất đồ tiêu dùng nhanh lớn của Việt Nam khẳng định, mức tăng 2% nhìn thì có vẻ ít nhưng đối với bất cứ DN nào đây sẽ là số thu rất lớn nếu tính các vòng xoáy áp thuế VAT mà người dùng và DN phải đóng.
Theo tính toán của đại diện DN này, với mức nộp thuế VAT năm 2016 lên tới hơn 4.600 tỷ đồng, nếu áp dụng VAT 12% từ năm 2019, chi phí tăng thêm DN dự kiến phải nộp sẽ tăng thêm 800 tỷ đồng nữa lên thành hơn 5.300 tỷ đồng. Khi đó DN sẽ rơi vào thế khó do phải lựa chọn tăng giá bán do các yếu tố đầu vào (nguyên liệu, bao bì, chi phí vận chuyển…) gia tăng hoặc chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để giữ nguyên giá bán.
Bà Nguyễn Thị Hồng, phó giám đốc kinh doanh chuỗi khách sạn ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khẳng định: Với mô hình kinh doanh homestay và nhà nghỉ bình dân đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc tăng thuế sẽ khiến khách nghỉ và chủ kinh doanh bị rơi vào thế khó. Theo bà Hồng, để bán được phòng, các chuỗi khách sạn hiện phải bắt tay với các công ty du lịch cũng như công ty kết nối dịch vụ đặt phòng trên mạng với mức chiết khấu khá cao. Nhiều thời điểm giá phòng bán ra hầu như không có lợi nhuận.
Giá bất động sản sẽ tăng cao
Bày tỏ sự lo lắng về việc tăng 2% thuế VAT so với trước đây là rất nhiều, ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT Cty NHS, chủ đầu tư cả dự án nhà thương mại và nhà xã hội trên địa bàn Hà Nội cho rằng, bản chất VAT thu được này là chuyển về ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, người mua nhà chịu quá nhiều loại thuế phí như phí bảo lãnh ngân hàng nay lại tăng VAT chắc chắn sẽ đội vào giá nhà.
Theo tính toán của ông Nam, trung bình một dự án thương mại gồm 600 căn hộ, tăng 2% thuế, người mua căn hộ sẽ phải đóng thêm vài chục triệu đồng VAT. Tính tổng toàn bộ số căn hộ bán ra của một tòa nhà, Nhà nước sẽ thu được đến gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Nam cho rằng, người mua nhà sẽ phải chịu thêm một số chi phí khác trong giá bán nhà, vì giá nhân công sẽ tính tăng, nguyên vật liệu tăng do tất cả đều tăng lên 2%. Các chi phí này DN buộc phải cộng vào giá bán nhà. “Người mua nhà sẽ chịu thiệt kép vì đề xuất tăng VAT này”, ông Nam cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, cho rằng, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định việc “Chuyển quyền sử dụng đất” không chịu thuế VAT. Nay, dự thảo luật dự kiến áp dụng thuế VAT cả khi chuyển quyền sử dụng đất khiến nhiều người lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”.
Mất cơ hội mua xe giá rẻ
Theo tính toán của các DN nhập khẩu ô tô, việc Bộ Tài chính cũng sửa đổi thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, dự kiến sẽ bổ sung tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, sẽ khiến thuế tăng lên gấp 2 lần. Tính ra, mỗi chiếc xe cũ sẽ tăng lên khoảng 150 triệu đồng (thuế mới + thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, các chi phí khác và lợi nhuận DN), cao hơn giá bán xe mới khoảng 60-100 triệu đồng.
Anh N.V.Phương, chủ một DN kinh doanh ô tô nhập khẩu (NK) nguyên chiếc từ Hàn Quốc (showroom ở đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội), từ đầu năm tới nay, do tác động từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định ATIGA nên xe NK từ các thị trường khác rất khó để cạnh tranh với xe từ khu vực ASEAN. Hầu hết các DN đều phải giảm giá tối đa, bán cắt lỗ. Thế nhưng, trung bình, mỗi tháng các showroom khu vực đường Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ chỉ bán được 1-2 chiếc xe. Với tình hình các bộ, ngành tiếp tục đề nghị điều chỉnh thuế đối với ô tô vừa qua, anh Phương lo lắng, người tiêu dùng càng muốn chờ đợi liệu có mua được xe giá rẻ không.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ tăng lên
Ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc công ty sản xuất thủ công mỹ nghệ tại Thanh Hóa cho rằng, việc tăng VAT sẽ gián tiếp gây ra nhiều tác động cho DN; khiến sức tiêu thụ giảm đi, hàng tồn kho tăng lên và DN lại chết.
“Doanh thu một năm khoảng 30 tỷ đồng, chỉ tăng thêm khoảng 60-70 triệu đồng VAT nhưng đều lấy từ người dân. Người dân sẽ gặp khó khăn. Khi hàng tồn kho tăng, DN sống dở chết dở”, ông Quang
cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty may Hưng Yên cho rằng: “Nhà nước trong những năm qua, năm nào cũng bội chi ngân sách. Dường như chúng ta bị dồn vào chân tường, không thể tìm được cách nào để bù đắp nên trông chờ vào tăng VAT. Tôi cho rằng, phải giảm chi thường xuyên, tinh giản bộ máy cán bộ hành chính sự nghiệp. Con đường giảm bội chi không thể chỉ trông chờ vào thuế phí mà phải giảm chi thường xuyên”.
Bội chi năm 2015 bằng 6,28% GDP
Bộ Tài chính vừa công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, ngân sách nhà nước năm 2015 bội chi 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP. Trong năm, ngân sách thu được trên 1,29 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa 749.560 tỷ đồng, thu từ xuất – nhập khẩu 169.303 tỷ đồng, thu từ dầu thô 67.510 tỷ đồng… Ở phần chi, ngân sách năm 2015 đã chi hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên 788.500 tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ 167.970 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 308.853 tỷ đồng.
Lê Hữu Việt