Của nhân dân

Của nhân dân
TP - Mùa phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm nay cũng không khác các năm - ồn ã lời ong tiếng ve của chính người trong cuộc và báo chí lại một phen nổi sóng. Ngay NSND Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đồng thời là Ủy viên của Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp Nhà nước) cũng khẳng khái bình “Không ý kiến mới lạ”.

Không lạ bởi danh hiệu này là một chuẩn để cả xã hội và cộng đồng nghề nghiệp soi vào. Với người trong nghề, đây còn là một “miếng giữa làng”, là uy tín danh dự nghề nghiệp của họ.

Nhưng quả thật, công việc lẽ ra phải chuẩn mực này lại còn đó những bất cập không hề nhỏ. Đầu tiên là vấn đề tiêu chí. Năm nay, theo danh sách công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đến 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Nhiều nghệ sĩ được công chúng yêu thích lâu dài nhưng vẫn “trượt”: nghệ sĩ hài Văn Hiệp, NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng... chỉ bởi huy chương không đủ số. Chí Trung thì còn “oan” hơn bởi có đủ số huy chương nhưng bị cho là không khai trong hồ sơ (?). Tuy nhiên, cũng “không đủ số huy chương đạt được trong các kỳ liên hoan, hội diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức” nhưng nghệ sĩ hài Hoài Linh lại vẫn được xét duyệt danh hiệu NSƯT. Với trường hợp Hoài Linh, có thể hiểu như sự linh động đáng khen ngợi, nhưng vì sao sự linh động này lại chỉ hạn hẹp cho một trường hợp? Dư luận có lý khi nói việc cân đong đo đếm về thành tựu cống hiến nghệ thuật hiện nay đang rất cơ học, hành chính. Vì sao lại chỉ căn cứ vào thành tích tại các kỳ liên hoan, hội diễn (mà ai cũng biết là đầy dư luận rằng “chạy”, rằng “cơn mưa huy chương”) mà không căn cứ vào sức sống nghệ thuật, uy tín nghệ sỹ trong lòng công chúng? Nhiều người trong nghề đang đùa với nhau rằng “nhân dân mà không của nhân dân”.

Năm nay, người được phong phải được 90% thành viên Hội đồng bỏ phiếu thông qua (khác với những lần trước là 75%), nhưng đằng sau sự khắt khe này, số lượng nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu lại có cơ tăng lên.

Tuy vậy, nếu chỉ căn cứ vào sự yêu mến mang tính phổ thông thì cũng rất hỏng bởi những “ngôi sao” của công chúng báo lá cải hoàn toàn đủ lực chiếm hết các danh hiệu. Một trường hợp gây ồn ào hơn cả trong đợt này là việc NSƯT Tự Long lọt vào cửa NSND. Tự Long thì rõ là cây hài của “gặp nhau cuối năm” rồi, nhưng như thế có đủ để “nhân dân”? Nếu thế thì những Xuân Bắc, Công Lý, Vân Dung... phải chăng cũng sem sém? 

Trong cơn bão cuồng quay tranh đua danh hiệu, mà dù có chính đáng về lý bao nhiêu nhưng xét về phẩm chất nghệ sỹ đích thực thì chẳng liên quan, nổi lên một Út Bạch Lan - người được công chúng của cải lương mệnh danh là giọng ca lẫy lừng. Bà giản dị: “Khán giả hay giới chuyên môn trao cho tôi danh hiệu nào, tôi sẽ nhận danh hiệu đó. Hàng chục năm đứng trên sân khấu, tôi thích nhất được khán giả gọi với cái tên “sầu nữ” chứ không phải là danh hiệu nào khác”. NSƯT Thanh Ngoan cũng tâm sự: “Nếu chưa được Nhà nước tôn vinh mà công chúng đã phong tặng danh hiệu nào đó vì sự yêu mến thì chúng tôi đã quá hạnh phúc rồi”.

Và còn đó, những nghệ nhân, nghệ sỹ đang ngày đêm cống hiến. Vì nhiều lý do, họ xa lạ với guồng quay danh vị. Họ mới chính là sức sống thực sự của một nền nghệ thuật của nhân dân.

MỚI - NÓNG