Du khách nghe thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên. |
Giúp Bác tiếp khách đến thăm
“Thưa các bác, các anh, các chị. Hôm nay, trong những ngày tháng Năm lịch sử, chúng ta trở về đây, trong một hành trình ý nghĩa vô cùng nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làng Hoàng Trù là nơi Bác Hồ được sinh ra. Dưới mái tranh này, trên chiếc giường tre này, Bác của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời…”. Mặc chiếc áo dài màu cánh sen và đội chiếc nón bài thơ xứ Nghệ, thuyết minh viên Phùng Thị Hương Giang mở đầu bài giới thiệu của mình với đoàn du khách đến từ TPHCM. Bằng chất giọng Nghệ trầm ấm, truyền cảm, chị Giang giới thiệu về mảnh đất nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời của các thành viên trong gia đình Bác.
Du khách đủ lứa tuổi đứng xung quanh chị càng lúc càng đông, chăm chú lắng nghe để hiểu rõ hơn về nhân cách vĩ đại và con người nhất mực mộc mạc, giản dị - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những đôi mắt thoáng chốc đỏ hoe. “Mỗi ngày, chúng tôi là những người thay gia đình Bác đón tiếp khách. Khách của gia đình Bác là bất cứ người dân nào khắp mọi miền đất nước. Là các cựu chiến binh, các bà, các mẹ, các cháu nhỏ và cả những người đã từng đứng bên kia chiến tuyến... Những câu chuyện được kể tất nhiên có sự lặp lại nhưng cảm xúc thì rất khác, luôn mới mẻ. Sự mới mẻ đến từ việc mỗi chúng tôi tự làm mới câu chuyện, cách diễn đạt và quan trọng nhất là khơi dậy cảm xúc của người nghe. Du khách xúc động, tức là chúng tôi đã thành công, truyền tải trọn vẹn thông điệp chạm đến trái tim của họ”, chị Giang chia sẻ.
Gần 30 năm làm thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên, chị Giang cho biết, kiến thức về Bác mênh mông, không phải chỉ là một vài câu chuyện thuộc lòng kể đi kể lại. Thuyết minh viên phải luôn tìm hiểu, đọc thêm nhiều tài liệu mỗi ngày, mỗi giờ. Bởi ngoài những câu chuyện, giới thiệu về quê nội, quê ngoại, các kỷ vật liên quan đến gia đình Bác, còn là kiến thức về lịch sử, văn hóa để trao đổi, chia sẻ với du khách. “Có lần tôi đón và thuyết minh cho đoàn cựu chiến binh Mỹ đã từng trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Đoàn có 15 người. Trong suốt quá trình, tất cả thành viên đều im lặng, lắng nghe một cách chăm chú. Trước bàn thờ nhà Bác, đoàn cựu chiến binh Mỹ đứng cúi đầu rất lâu, có người ôm mặt khóc. Dường như họ không tin từ ngôi nhà lá bé nhỏ, đơn sơ như thế đã sinh ra một Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Chứng kiến tình cảm của những người từng ở bên kia chiến tuyến đối với Bác, tôi tự hào vì đã góp phần truyền tải hình ảnh, thông điệp về cốt cách, đạo đức của Người đến bạn bè năm châu”, chị Giang kể.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, chia sẻ: “Phòng Tuyên truyền giáo dục có 20 cán bộ thì 4 người làm công tác quản lý, 16 thuyết minh viên phụ trách hướng dẫn, giới thiệu tại Làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại Bác, khu mộ bà Hoàng Thị Loan và đền Chung Sơn - nơi thờ phụng người thân của Bác. Công việc thuyết minh đòi hỏi phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, yêu nghề, trách nhiệm với công việc, luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ du khách. Ban quản lý cũng chú trọng đào tạo tiếng nước ngoài cho các cán bộ thuyết minh, hiện có 6 người thuyết minh bằng tiếng Anh, 1 người thuyết minh tiếng Pháp và 5 người thuyết minh tiếng Lào”.
Chất xúc tác đặc biệt
Tháng 5, lượng du khách về thăm quê Bác đông hơn những dịp khác trong năm khiến các thuyết minh viên gần như phải làm việc liên tục từ sáng sớm tới chiều tối để có thể phục vụ chu đáo nhất. Với các thuyết minh viên, du khách vừa là đối tượng phục vụ, vừa là nguồn cảm hứng, chất xúc tác đặc biệt để họ luôn thấy công việc của mình mới mẻ, thu hút. Điều thú vị, dù đón tiếp đoàn khách miền Bắc, miền Nam hay miền Trung, các thuyết minh viên cũng chỉ nói giọng Nghệ. Chất giọng ngọt ngào và sâu đằm, đưa đến cho người nghe cảm xúc chân chất, mộc mạc mà sâu nặng nghĩa tình. “Cảm giác thật tuyệt vời khi được đưa du khách trở về thế giới tuổi thơ của Bác, đắm mình trong không gian văn hóa của một miền quê hiền hòa, mộc mạc với lũy tre xanh, mái nhà tranh đơn sơ… Chứng kiến tình cảm thiêng liêng cao quý của người dân trong và ngoài nước dành cho Bác là động lực để chúng tôi luôn yêu nghề”, thuyết minh viên Phạm Thị Oanh, người có 14 năm gắn bó với công việc “kể chuyện Bác Hồ”, thổ lộ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (bên trái) chăm chú lắng nghe thuyết minh về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Dù đã về làm công tác quản lý nhưng chị Nguyễn Thị An Vinh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền giáo dục Khu di tích Kim Liên, vẫn nhớ như in câu chuyện về một vị khách đến từ Nhật Bản. Trong căn nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen, người đàn ông chăm chú nghe người phiên dịch dịch lại lời thuyết minh viên giới thiệu từng hiện vật gắn với 5 năm tuổi thơ của Bác Hồ. Ông đứng lặng rất lâu trước bộ phản gỗ, nơi Nguyễn Tất Thành và anh trai ngủ mỗi đêm. “Nghe tôi giới thiệu về tấm phản, vị khách người Nhật hết sức xúc động, ông ấy khóc rồi dè dặt hỏi: “Liệu tôi có thể ngồi lên tấm phản này một chút để tìm lại hơi ấm của Hồ Chí Minh được không?”. Tôi ngạc nhiên, sửng sốt trước lời đề nghị này. Chắc hẳn ông ấy phải yêu quý Hồ Chủ tịch nhiều lắm mới có đề nghị đặc biệt như thế”, chị Vinh nhớ lại.
Mỗi năm, Khu di tích Kim Liên đón hàng triệu lượt khách về thăm, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Đặc biệt, với nhân dân Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị. Người cũng chính là biểu tượng vĩ đại cho khát vọng độc lập tự do, đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. “Lần đó, tôi đón một đoàn du khách Lào thăm làng Hoàng Trù quê ngoại Bác. Các bạn đề nghị được nghe thuyết minh bằng tiếng Việt, không qua phiên dịch. Nghe về tất cả hiện vật nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, những tiếng thổn thức vang lên. Các bạn ấy khóc khiến bản thân tôi cũng bị cuốn vào cảm xúc ấy… Đó chính là “chất xúc tác” để chúng tôi tôi tiếp tục cố gắng, nỗ lực hết mình cống hiến với nghề”, chị Vinh tâm sự.