Quê Bác mùa sen nở

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịp này, du khách về thăm quê Bác có thể tận hưởng hương sen thơm ngát, check-in, lưu giữ khoảnh khắc đẹp tại cánh đồng sen, trải nghiệm các khâu thu hoạch, chế biến sen, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực và tham quan mua sắm các sản phẩm từ sen.

Thơm ngát

Làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) sáng tháng Năm, những ánh nắng đầu tiên của ngày mới rải xuống đồng lúa vàng trĩu hạt. Quê ngoại của Bác Hồ hiện lên với bức tranh tươi sáng của sự trù phú, khang trang. Bên những con đường nông thôn mới ngát xanh là những hồ sen bắt đầu bung nhụy, hương sen lan tỏa ngào ngạt, hòa vào những bước chân của dòng người về với cội nguồn. Về với nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống 5 năm thời thơ ấu, mỗi du khách đều mang theo những xúc cảm riêng. Nhưng trên tất thảy, đó là niềm kính yêu và thương nhớ vị Cha già dân tộc.

“Về quê Bác những ngày tháng Năm này, thích nhất là được đi trên con đường hai bên là những đầm sen xanh mướt, được hòa mình trong cảnh sắc thiên nhiên đồng quê thơm ngát hương sen. Về đây, tôi cảm nhận rõ hơn sự vĩ đại trong tâm hồn, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (du khách đến từ Hà Nội) bày tỏ.

Sen được trồng nhiều ở Kim Liên, khoe sắc nối dài từ quê nội Làng Sen sang quê ngoại Hoàng Trù của Bác Hồ. Từ xa xưa, sen đã ở với Người, sen trong ao nhà, sen ở ngõ làng, sen giữ những cánh đồng lúa vàng. Cái tên Kim Liên cũng có nghĩa là sen vàng. Gắn bó với Làng Sen hơn 80 năm, ông Nguyễn Quý Hùng (trú làng Sen 2, xã Kim Liên) cho biết, tên gọi Làng Sen, quê nội của Bác Hồ có từ xa xưa, khi ông sinh ra và lớn lên thì đã có. Ngày trước, sen mọc nhiều và lan trên mặt nước một cách tự nhiên, nhưng cũng có thời kỳ do tốc độ đô thị hóa làng quê, những bông sen thưa bóng dần bởi hoạt động sản xuất của người dân.

Quê Bác mùa sen nở ảnh 1

Đầm sen nở rộ, tỏa ngát hương thơm ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

“Trăn trở với hai tiếng Làng Sen, không muốn thấy sen bị mai một, cấp ủy chính quyền và người dân đã đồng lòng tìm cách phục hồi hình ảnh làng quê bát ngát hương sen bằng cách thu hồi một số diện tích ao hồ nuôi cá chuyển sang trồng sen. Về Kim Liên hôm nay, nhất là dịp 19/5 sinh nhật Bác, du khách gần xa được thỏa sức ngắm hoa sen nở rộ khắp vùng, được thưởng thức trà sen và các sản phẩm từ sen”, ông Hùng tâm sự.

Phát triển cây sen gắn với du lịch

Trăn trở với nét đẹp riêng có của sen quê hương, những người trẻ trên mảnh đất Kim Liên, sau quãng thời gian ly hương đã quay trở về quê lập nghiệp, trồng, nhân rộng sen tại địa phương. Sen được nhân giống từ sen gốc của làng và một số địa phương khác như sen Huế, sen ngàn cánh,… nhưng nhiều nhất là sen từ Đồng Tháp Mười, nơi có phần mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi được trồng tại ao hồ, sen được trồng thử trong khu thực nghiệm. Sen Kim Liên không chỉ làm đẹp cảnh quan, gắn bó đời sống tinh thần nơi làng quê mà còn mang lại thu nhập cho người dân quê Bác.

Chị Trần Thị Thế, người trồng sen ở Kim Liên cho biết, trước đây, gia đình chị có 8 sào trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương của xã chuyển đổi sang trồng sen, nhờ được tập huấn kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình nên cây sen phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. “Trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần trồng lúa. Nhờ sen mà tôi có điều kiện nuôi các con ăn học, trưởng thành. Bên cạnh đó, từ khi có sen phủ kín, mọi người trong làng đều cảm nhận được không khí trong lành, vẻ đẹp của sen và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng sen”, chị Thế nói.

Dịp này, du khách về thăm quê Bác có thể tận hưởng hương sen thơm ngát, check-in, lưu giữ khoảnh khắc đẹp tại cánh đồng sen, trải nghiệm các khâu thu hoạch, chế biến sen, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực và tham quan mua sắm các sản phẩm từ sen…

Cùng với các hộ dân, Hợp tác xã Sen quê Bác đã góp phần đẩy nhanh phong trào trồng sen trên địa bàn nhằm mục đích vừa phát triển du lịch, vừa mang lại giá trị kinh tế. Thành lập từ năm 2018, ngoài nhiệm vụ trồng, chăm sóc, bảo tồn các giống sen quý, Hợp tác xã cũng thu mua nguyên liệu, sản phẩm từ sen cho người dân, hướng tới phát triển du lịch sinh thái bền vững. Hợp tác xã hiện có 17 sản phẩm từ sen gồm: trà lá sen, hạt sen sấy khô, hạt sen sấy giòn, trà tâm sen, củ sen muối chua ngọt, nhang sen, trà sen,… trong đó có 11/17 sản phẩm đã đạt OCOP từ 3 - 4 sao. Hiện, các sản phẩm của Hợp tác xã Sen quê Bác đã “phủ sóng” trên cả nước và xuất khẩu sang một số nước.

“Hợp tác xã đã khảo nghiệm, bảo tồn, trồng chăm sóc hơn 100 giống sen. Việc đưa nhiều giống sen về trồng trên quê Bác ngoài mục đích tạo ra giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập của người trồng sen còn có ý nghĩa xây dựng nơi đây trở thành điểm hội tụ hương sắc của các giống sen từ mọi miền đất nước. Hợp tác xã cũng đã xây dựng các điểm đến cho khách du lịch trải nghiệm trên cánh đồng sen, du khách có thể vừa chụp ảnh, vừa hái sen, du lịch canh nông và trải nghiệm các công đoạn chế biến sản phẩm từ sen”, anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sen quê Bác chia sẻ.

Quê Bác mùa sen nở ảnh 2

Người dân xã Kim Liên thu hoạch sen.

Diện tích trồng sen ở Kim Liên đã được mở rộng trong nhiều năm qua. Sen mọc giữa ao hồ, vươn xanh bên ruộng lúa, có mặt ở khắp các xóm, làng góp phần làm nên cảnh quan đặc trưng cho quê Bác. Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết, những năm qua, gắn với việc xây dựng Kim Liên trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, chính quyền đã chỉ đạo người dân mở rộng diện tích trồng sen. Việc trồng sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tạo cảnh quan xanh- sạch - đẹp, giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của làng quê ở Kim Liên, thực sự gắn với tên gọi “Làng Sen quê Bác”. Ngoài ra, địa phương tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ sen để phục vụ khách tham quan và phát triển du lịch sinh thái bền vững.

“Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo Hợp tác xã Sen quê Bác cùng người dân mở rộng diện tích trồng sen trên các diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ dân có nhu cầu trồng sen trên địa bàn, có chính sách hỗ trợ xây kè các ao, đầm trong khu dân cư để mở rộng diện tích trồng sen. Nghiên cứu lựa chọn sản phẩm chiến lược từ sen để đầu tư phát triển, hướng đến mục tiêu xuất khẩu, phát triển ẩm thực từ sen kết hợp với du lịch sinh thái”, ông Lộc cho hay.

MỚI - NÓNG