Độc nhất vô nhị với lễ hội trai tráng mặc khố vật cầu nước ở làng Vân
TPO - Cứ sau bốn năm mới được tổ chức một lần, Lễ hội vật cầu nước (còn gọi là vật cầu bùn) làng Vân (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) thuộc tín ngưỡng dân gian thờ Thần Mặt Trời của người nông dân vùng đất này từ thời cổ xưa còn truyền lại.
Cứ 4 năm một lần, từ ngày 12-14 tháng Tư âm lịch (ngày Dương lịch năm nay từ 19 đến hết 21/5), người dân làng Vân Hà (xưa có tên gọi là Yên Viên, tên tục gọi là làng Vân), huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, lại nô nức mở hội Vật Cầu nước - một lễ hội mang đậm tính lịch sử, độc đáo, vui vẻ, kịch tính và "độc nhất vô nhị".
Lễ hội là nét tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của người dân thời xưa, mang đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp.
Nói về sự độc đáo của hội Vật Cầu Nước làng Vân người xưa ví nếu đi xem hội mà không biết đến Lễ hội Vật Cầu Nước làng Vân xã Vân Hà, huyện Việt Yên thì quả là "chưa phải người sành săn hội".
Hay còn có "họa" rằng: Khánh hạ làng Vân hội vật cầu/Khắp vùng Kinh/Bắc chẳng có đâu/Quan quân gắng sức giành cho được/Sân chơi bùn nước họa một màu.
Tục truyền rằng khi xưa có vị thân mẫu sinh một lần được 5 người con (4 trai, 1 gái), đặt tên là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy, người con gái tên Mỹ Đạm. 5 người con của bà có dung mạo khác thường, khí chất hiển lộ.
Khi đất nước lâm nguy, Triệu Việt Vương rút quân rời bỏ kinh thành về đầm Dạ Trạch lánh nạn, anh em họ Trương liền ra tay giúp nước. Sau khi đại thắng trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen quấy phá, hai bên xung trận với giao ước, ai thắng sẽ được thưởng, ai thua, sẽ phải quy phục.
Bọn quỷ đen thua trận, quy hàng các đại tướng. Từ đó trở đi, dân làng Vân mở hội vật cầu nước (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của Đức Thánh với ý nghĩa tưởng nhớ và mừng chiến thắng của các Ngài.
Các thế hệ người làng Vân đã gìn giữ và lưu truyền điển tích này từ thế kỷ thứ 6 cho tới ngày nay.
Các thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật cầu được gọi là quan cầu.