Cử nhân tiếng Anh phải thi đầu vào trình độ thấp !
> Bạn muốn thi ngành Tiếng Anh thương mại, hãy chú ý!
> Đau đầu tìm giáo viên ngoại ngữ
Quy chế hiện hành đào tạo thạc sĩ của Bộ GD-ĐT có những quy định vô lý không chỉ gây lãng phí mà còn khiến bằng cấp của các trường ĐH không có giá trị.
Quy định thi đầu vào về ngoại ngữ bậc sau ĐH hiện nay có nhiều điều bất hợp lý. Ảnh: Học viên cao học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: Đào Ngọc Thạch. |
Thi thạc sĩ không chấp nhận bằng cử nhân, tiến sĩ lại được
Quá bất hợp lý Việc Bộ đưa ra tiêu chuẩn ngoại ngữ trình độ cao học theo tiêu chuẩn chung châu Âu là một định hướng đúng nhằm tăng cường khả năng giao tiếp với người học. Tuy nhiên, việc yêu cầu người đã tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh hệ chính quy phải thi đầu vào để đạt trình độ A2 và học để có đầu ra B1 thì quá bất hợp lý. Bởi lẽ, trình độ A2 ở đây chỉ tương đương với chứng chỉ Flyers của Cambridge dành cho học sinh bậc tiểu học, quá thấp so với trình độ cử nhân tiếng Anh. Thạc sĩ Vũ Tiến Thịnh |
Ngày 8-2-2011, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế về đào tạo thạc sĩ trong đó quy định: người dự thi đầu vào cần phải dự thi ngoại ngữ. Những ai chọn tiếng Anh cần phải có trình độ tiếng Anh tương đương bậc A2 hoặc 2/6 theo khung châu Âu. Sau khi trúng tuyển lại phải tiếp tục theo học môn ngoại ngữ để tốt nghiệp đạt được trình độ B1 hay 3/6 của khung châu Âu, hoặc chứng chỉ TOEFL (450 PBT, 133 CBT, 45 iBT hoặc IELTS 4,5). Khi triển khai quy định này, ngay cả những học viên có bằng ĐH ngoại ngữ chính quy trong nước vẫn không được miễn thi.
Một học viên có văn bằng cử nhân chính quy sư phạm chuyên ngành Anh văn dự thi bậc cao học, chuyên ngành âm nhạc ở Nhạc viện TP.HCM kỳ thi tháng 8-2012 đã bức xúc kể lại: Vào năm 1996, chị đã tốt nghiệp cử nhân hệ chính quy - khoa Anh văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thế nhưng trường vẫn yêu cầu thi trong khi trình độ đầu vào chỉ tương đương bậc A2. Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, ở trình độ này người học chỉ cần có một số kỹ năng rất đơn giản như có thể hiểu được các câu và cấu trúc thường xuyên được sử dụng có liên quan đến nhu cầu giao tiếp tối cần thiết (thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm…), có thể giao tiếp những chủ đề đơn giản. Đã vậy, sau khi đậu vào cao học, trường lại ra yêu cầu phải tham dự lớp học tiếng Anh để khi đầu ra đạt được trình độ B1 theo quy định.
Hàng trăm học viên có bằng cử nhân ngoại ngữ đang theo học ở các đơn vị khác cũng phải chấp nhận số phận tương tự vì phải tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT. Với quy định như vậy phải chăng chính Bộ GD-ĐT đã phủ nhận giá trị của tấm bằng cử nhân chính quy do chính Bộ cấp?
Trong khi đó, điều 9 và 22 Thông tư 05/2012 của Bộ GD-ĐT về việc đào tạo tiến sĩ thì bằng tốt nghiệp ĐH ngành ngoại ngữ (không xác định loại hình đào tạo) được coi là đạt yêu cầu cả đầu vào và đầu ra đối với người được đào tạo trình độ tiến sĩ.
Sửa đổi bất cập
Về nghịch lý nói trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận: “Đó là một trong những bất cập mà Bộ GD-ĐT sẽ phải sửa đổi trong thời gian tới để các quy định về đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ được thống nhất”.
Ông Ga cho biết: “Hiện nay quy chế quy định tất cả các đối tượng thi thạc sĩ phải thi đầu vào để xác định trình độ ngoại ngữ. Yêu cầu đầu vào chỉ ở mức rất thấp, vì vậy khi trúng tuyển, người học bắt buộc theo học môn học này để khi tốt nghiệp phải đạt được trình độ ngoại ngữ tương đương với một số chứng chỉ quốc tế”.
Lý giải việc tại sao lại không cho miễn thi đối với những người đã có bằng cử nhân ngoại ngữ chính quy, ông Ga nói: “Do trước đây coi ngoại ngữ cũng là một môn học trong chương trình cao học nên đã đưa ra quy định này. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thì Bộ cũng đã nhận thấy những bất cập. Với quy định như vậy, nhiều người trúng tuyển không đủ trình độ ngoại ngữ chỉ tập trung vào học môn học này để đạt được yêu cầu khi tốt nghiệp nên không tập trung cho việc nghiên cứu. Do đó chất lượng đào tạo thạc sĩ đã bị ảnh hưởng. Ngược lại, người đã đạt trình độ ngoại ngữ vẫn phải học và thi”.
Ông Ga cho rằng Bộ đang tiến hành sửa đổi quy chế với hướng tiếp cận ngoại ngữ chỉ là công cụ để người học sử dụng trong quá trình học tập chứ không phải là môn học như trước đây. Ông khẳng định: “Quy chế mới sẽ quy định thí sinh phải đạt yêu cầu trình độ ngoại ngữ ngay từ khi dự thi. Đồng thời sẽ cho phép miễn thi đối với một số trường hợp mà bằng cấp của họ đã đạt yêu cầu như: bằng tốt nghiệp trình độ ĐH được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; bằng tốt nghiệp ĐH chính quy ngành ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo; chứng chỉ trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo thạc sĩ…”.
Tuy nhiên, theo dự thảo, nếu được sửa đổi thì từ năm 2014 trở đi mới áp dụng quy chế mới. Như vậy, người học vẫn phải chấp nhận sự bất hợp lý của quy chế hiện hành. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần sớm sửa đổi quy định và cho phép được thực hiện ngay trong năm 2013 để người học không phải chịu thiệt thòi.
Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu A0 - A1: Có thể hiểu được những chỉ dẫn đơn giản hoặc tham gia vào những trao đổi ngắn về các chủ đề có thể đoán được. A2: Có thể diễn đạt đơn giản các quan điểm hoặc những yêu cầu trong tình huống quen thuộc; Hiểu được những thông tin đơn giản trên sản phẩm, biển báo, sách giáo khoa hoặc những loại báo cáo về các chủ đề quen thuộc; Điền các mẫu đơn và viết các bức thư ngắn hoặc bưu thiếp liên quan đến thông tin cá nhân. B1: Có thể diễn đạt hạn chế quan điểm trong những vấn đề văn hóa, trừu tượng hoặc đưa ra lời khuyên trong những vấn đề quen thuộc, hiểu được những thông báo, chỉ dẫn cộng đồng; Đọc hiểu các bài báo, thông tin hằng ngày, hiểu được ý chính của các văn bản trong lĩnh vực quen thuộc; Viết thư hoặc ghi chú ý chính những vấn đề quen thuộc hoặc những chủ đề có thể đoán trước. B2: Có thể hiểu, trình bày về một chủ đề quen thuộc hoặc giao tiếp ở khá nhiều lĩnh vực khác nhau; Tìm kiếm những thông tin trong văn bản, hiểu được những chỉ dẫn và các lời khuyên chi tiết; Ghi chú những ý chính khi người khác đang phát biểu hoặc viết thư yêu cầu về những chủ đề thông thường. C1: Có thể đóng góp hiệu quả vào các cuộc họp hoặc hội thảo hoặc thực hiện những cuộc hội thoại trong giao tiếp hằng ngày tương đối lưu loát, hiểu được những thành ngữ trừu tượng; Đọc nhanh để theo học các khóa học thuật, đọc và hiểu được các bài báo, thư từ thông thường; Soạn thảo thư từ chuyên nghiệp, ghi chép khá chính xác trong các cuộc họp hoặc viết bài luận văn... |
Theo Thanh Niên