Cử nhân cao đẳng... luyện thi đại học

Cử nhân cao đẳng... luyện thi đại học
Sau tết, các “lò” luyện thi ĐH trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều cử nhân cao đẳng (CĐ) đến đăng ký ôn luyện. Có cử nhân đã đi làm nhưng cũng xin nghỉ để đến “lò” luyện thi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh liên thông lên ĐH chính quy sắp tới.

Cử nhân cao đẳng... luyện thi đại học

> Nhiều thắc mắc về liên thông
> Những điểm mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013

Sau tết, các “lò” luyện thi ĐH trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều cử nhân cao đẳng (CĐ) đến đăng ký ôn luyện. Có cử nhân đã đi làm nhưng cũng xin nghỉ để đến “lò” luyện thi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh liên thông lên ĐH chính quy sắp tới.

Học viên Trần Thị Nữ Hạnh trong giờ học luyện thi tiếng Anh sáng 26-2. Ảnh: Hà Bình
Học viên Trần Thị Nữ Hạnh trong giờ học luyện thi tiếng Anh sáng 26-2. Ảnh: Hà Bình (Tuổi Trẻ).

Sáng 26-2, các lớp luyện thi sau tết của Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn (cơ sở Lê Văn Sỹ, Q.3) bước vào buổi học thứ hai. “Có khoảng 20% học viên luyện thi khóa này đã có bằng hoặc đang học CĐ, trung cấp...” - cô Vũ Thị Thúy Chinh, phụ trách ghi danh cơ sở này, cho biết.

Học lại kiến thức phổ thông

Khi chúng tôi đến, một lớp luyện thi ĐH tại lầu bốn bắt đầu môn học tiếng Anh. Đây là một trong những lớp của “lò” luyện thi liên thông có những học viên “đặc biệt” - có bằng CĐ đến ôn luyện.

Trần Thị Nữ Hạnh, học viên quê Bình Dương, cho biết vừa tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng Trường CĐ Công thương năm trước. “Tôi chọn học CĐ rồi sau đó liên thông từ từ lên để lấy bằng ĐH Kinh tế TP.HCM. Nhưng khi nghe quy định về liên thông mới, tôi và nhiều bạn cùng lớp lập tức đăng ký ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi” - Hạnh kể.

Hỏi việc luyện thi, Hạnh băn khoăn cho biết ba năm học CĐ chủ yếu học chuyên ngành, hiện kiến thức phổ thông không nhớ nhiều nên phải học lại từ đầu rất khó khăn.

“Kiến thức lớp 12 rất nhiều, giờ luyện lại trong vòng bốn tháng không biết sao. Nhưng vì muốn lấy bằng ĐH nên không còn cách nào khác phải đi luyện thi trở lại. Nhiều bạn lớp tôi bức xúc công sức học ba năm nay phải học lại kiến thức phổ thông nhưng không biết sẽ thi thế nào, xét tuyển ra sao” - Hạnh nói.

Học viên Võ Lê Lan cũng cho biết bạn đang là sinh viên hệ CĐ ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Cô sinh viên quê Bến Tre tâm sự: “Trước đây tôi thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được 18 điểm, thiếu 0,5 điểm. Tôi có nguyện vọng vào CĐ rồi sẽ liên thông lên ĐH. Cách này sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với luyện thi lại một năm để có bằng ĐH. Tôi dự định sau khi tốt nghiệp sẽ liên thông lên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng vướng quy định mới nên trở lại luyện thi”.

Khá mệt mỏi, Lan cho biết hiện bạn bị “quá tải” khi vừa học CĐ ở trường, vừa đi thực tập và vừa dành thời gian đến “lò” luyện thi học kiến thức phổ thông để dự thi liên thông.

Trong khi đó, hai bạn Đào Viết Diện và Huỳnh Minh Tuấn, đã có bằng cử nhân CĐ ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng rủ nhau đến “lò” luyện thi ĐH. Hai bạn cùng học một lớp ở CĐ. Sau khi nhận bằng cử nhân trong năm 2012, Tuấn đi làm thu ngân cho một công ty và chờ ngày liên thông lên ĐH.

“Sau khi Bộ GD-ĐT quy định liên thông mới, tôi tạm thời nghỉ việc để tập trung ôn luyện. Kiến thức phổ thông đã quên hết rồi nhưng phải cố gắng học lại chứ không biết sao” - Tuấn nói.

Diện có phần lạc quan hơn khi nói: “Năm nay quy định còn mới nên nhiều bạn chưa dự thi. Do đó hi vọng cơ hội trúng tuyển của tôi cũng tăng lên chút ít”.

“Lò” luyện thi tăng học viên

Ghi nhận tại các “lò” luyện thi ĐH trên địa bàn TP.HCM cho thấy các khóa cũ (học trước tết) lượng học viên vẫn ổn định so với năm trước. Trong khi đó, các khóa sau tết lượng học viên tăng 10-30% tùy trung tâm. Trong số này, nhiều học viên đã có bằng cử nhân CĐ, hoặc đang là sinh viên các trường CĐ, trung cấp... quay trở lại luyện thi.

Tại Trung tâm luyện thi ĐH 60 An Sương (Q.12, TP.HCM), ông Nguyễn Đức Quốc - giám đốc trung tâm - cho biết số lượng học viên đăng ký dự thi các lớp sau tết tăng khoảng 30%. Trong đó khoảng 10% là đã tốt nghiệp CĐ, sinh viên các trường CĐ, trung cấp đăng ký theo học.

“Nhiều em nói do quy định mới về liên thông nên đăng ký luyện thi để thi lại. Hầu hết những em này đăng ký luyện thi khối A” - ông Quốc nói.

Tương tự, một cán bộ Trung tâm luyện thi ĐH Nguyễn Thượng Hiền (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng cho biết chưa thống kê số lượng nhưng khẳng định có học viên là cử nhân các trường CĐ đăng ký theo học sau tết.

Sáng 26-2, Trung tâm luyện thi ĐH Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (Q.5) vẫn tiếp tục tiếp nhận ghi danh và khai giảng trong ngày 1-3. Cô Mai Châu - phụ trách ghi danh - cho biết: “Sau tết, một vài em đến hỏi luyện thi để thi vào hệ liên thông. Nhiều em cũng bối rối khi vẫn muốn giữ chân ở CĐ vừa muốn ôn thi ĐH trở lại để thi liên thông nên chưa biết sao”.

Tương tự, thạc sĩ Ngô Thiện - giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cũng cho biết: “Ở trung tâm có hiện tượng nhiều em đang là sinh viên CĐ, trung cấp bỏ học đến đăng ký luyện thi lại khi biết sẽ gặp khó khăn trong liên thông. Một số em bỏ học hẳn để ôn luyện, cũng có em “giữ chân” ở trường và buổi đến giảng đường, buổi đến “lò” luyện thi...”.

Băn khoăn chất lượng

Việc siết chặt chất lượng của liên thông là một điều cần làm, nhưng khi thực hiện phải lường trước những tác dụng phụ không tốt. Khi quy định thi chung với học sinh phổ thông thì đương nhiên những thí sinh liên thông phải đi luyện thi để có thể thi được.

Câu hỏi đặt ra là: một người đã có bằng CĐ, lớn hơn những thí sinh khác đến 3 tuổi, đã ngưng học phổ thông ba năm, nay phải bỏ thời gian đi luyện thi thì có làm cho chất lượng tăng lên hay không? Tôi không tin vào điều đó, vì chương trình học phổ thông không trực tiếp liên quan đến những gì sinh viên ĐH sẽ học ở năm 3 (tức tương đương với sinh viên học liên thông ĐH).

Đặc biệt cần quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp (đã cấp bằng như nhau thì phải thi tốt nghiệp như nhau). Như thế chắc chắn sẽ có tác động tốt về chất lượng, chứ không phải là siết chặt đầu vào nhưng khi vào được rồi thì vẫn đào tạo theo hình ống (vào bao nhiêu ra bấy nhiêu) như hiện nay. Vì như thế chất lượng vẫn sẽ thấp chứ chẳng tốt hơn chút nào.

TS Vũ Thị Phương Anh (phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)

Theo Hà Bình
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG