Nhà văn Kim Lân bên bức chân dung (tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn)
Quốc Ân người Thuận Thành tay không bắt giặc xoay xỏa thế nào đó tậu hẳn được một cái nhà sàn đặt ở chỗ Láng Hạ. Thời ấy nhà sàn uỵch ở thủ đô cũng còn đương là của hiếm. Không phải là thứ nhà sàn đã biên chế đẽo gọt mà là nguyên bản rinh ở Hòa Bình về. Lại tạo cả không gian gầm sàn cây cối gà qué chó mèo xôm tụ. Như lạ hẳn, như khang khác khi xuýt xoa huơ tay quanh cái bếp củi trên sàn tuôn ra cửa sổ thứ khói lơ mơ xanh. Chả phải ông bạn họa sĩ này tốt mời mà là có duyên sao đó? Vậy mới quây mới tụ được quanh cái bếp ấy những hai bố con cụ Hoàng Cầm với ông con Hoàng Kỳ. Rồi cụ Kim Lân. Cả nhà văn Nguyễn Khải trong Nam ra cũng xuống nhà sàn Láng Hạ huơ huơ tay quanh bếp những lúc vàng mặt giời hay nhọ mặt người. Đám viết lách Hà Thành kéo về cái bếp này cũng lắm. Chả mấy ai để ý đến bốn chữ Tinh Hoa Hội Tụ mà cụ thư pháp gia Lê Xuân Hòa trực tiếp viết tặng cho Khúc Quốc Ân. Ý họa sĩ họ Khúc rằng, tụ họp ở đây toàn là tinh hoa đất Hà Thành cả!
Cái nhà anh này… Cụ Kim Lân hay có câu mắng yêu Đỗ Chu như thế. Không hiểu sao Đỗ Chu gọi hai ông con thi sĩ Hoàng Cầm, Hoàng Kỳ là anh nhưng với cụ Kim Lân thì cứ ông ông con con ngọt xớt? Rồi cũng cữ đầu đông tháng mười chim ngói gạo mới, tôi được bám càng theo cái U-oát Khúc Quốc Ân mượn, xuất phát từ nhà sàn Láng hạ đưa các đấng Hoàng Cầm, Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ về Kinh Bắc. Chả có việc viếc gì. Mà hứng lên nhổng cho vui theo cách nói của Hoàng Cầm. Rủ cụ Kim Lân về quê Kinh Bắc được cũng nhờ tài thuyết của Đỗ Chu vậy! Mà trên xe tuyền người Bắc Ninh. Đỗ Chu chính tông Bắc Ninh đã hẳn. Thi sĩ Hoàng Cầm với Khúc Quốc Ân quê xứ Mưa Thuận Thành. Làng Phù Lưu của cụ Kim Lân lên Bắc Ninh cũng độ hơn chục cây số. Thi sĩ Trần Ninh Hồ cố quận ngay vùng Sen Hồ.
Chim ngói gạo mới chỉ còn bảng lảng trong câu chuyện của cụ Kim Lân thôi, còn tất thảy dằn bụng bữa sáng bằng phở Bát Đàn quánh mỡ mà phải xếp hàng.
Thị xã Bắc Ninh những mái ngói ta đã ngả thâm chen với vài ba nhà tầng cũng mới cất. Khi đó sầm uất nhất là cái ngã ba rẽ phải đi Phả Lại và Bắc Giang chứ còn đang tẻ, đìu hiu… Phới mạch là Nhã Nam ông Hồng… Cái khoát tay của cụ Kim Lân như gợi lại một quá vãng với nhà văn Nguyên Hồng mà cụ Kim Lân vẫn gọi là thầy, trước khi là bạn nghề văn. Nhưng xe không phới thẳng về Ấp Cầu Đen nơi Nguyên Hồng đùng đùng bỏ Hà Nội, bỏ phồn hoa Hà thành, vứt sạch chế độ tem phiếu của thời khốn khó, chọn cho mình và vợ con cái chốn thâm sơn cùng cốc. Chắc chỉ để động viên bạn mình đó thôi chứ tiện nghi gì cái xứ cùng hương tịch nhưỡng ấy, Nguyễn Huy Tưởng từng lên ở Cầu Đen hơn tháng để hoàn tất Sống mãi với Thủ đô và Kim Lân cũng tá túc Cầu Đen non tháng để viết Con chó xấu xí.
Chiếc U-oát rẽ xuôi về Phù Lưu.
Ta đi đâu thế này các vị? Đỗ Chu nhắm tịt đôi mắt hấp háy thao thao tiếp Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...
Xe rộ lên tiếng cười, cụ Kim Lân khơ khớ hích nhẹ vào hông Đỗ Chu cái anh này… Thì ra Đỗ Chu đang đọc thuộc lòng cái đoạn trong truyện ngắn Làng có nhân vật ông Hai thích khoe làng.
Sải bước chán chê trong làng, Đỗ Chu giục đi Thuận Thành. Cứ băn khoăn sao cụ Kim Lân không dẫn về nhà mình? Cái làng Phù Lưu mà Kim Lân từng thăng hoa thành Làng, từng đau đáu một thuở một thời?
Khi ấy chưa kịp cũng như chưa tiện hỏi… Đỗ Chu biết nhưng đã ý nhị, lờ lớ lơ? Mãi sau tôi láng máng biết, một người cháu trong họ đã bán cái nhà của tiên tổ ở Phù Lưu chỉ để lại cho cụ Kim Lân một cái buồng con nhưng không có lối vào! Con cái cụ Kim Lân bức xúc lắm nhưng nghe lời cha dặn tuyệt đối không được kiện tụng gì! Chao ôi, Kim Lân là thế.
Đêm ấy ngủ lại ngôi nhà cổ của Khúc Quốc Ân ở Thuận Thành. Mà có ngủ đâu. Tàn canh là các Thúy Hường, Khánh Hạ con nuôi của cụ Kim Lân và đoàn quan họ Bắc Ninh làm trọn một đêm quan họ xôm trò với những vang rền nền nẩy…
Cái đêm về Kinh Bắc ấy, nhoáng cái đã hai mươi năm…
Lại chớm một tiết đông 7 năm sau ngày mất, chừng như những sải chân chầm chậm của cụ Kim Lân lại lững thững về Kinh Bắc bằng thứ phương tiện 351/QĐUB của UBND thành phố Bắc Ninh quyết định đặt tên cho một đường phố ở thành phố mang tên Kim Lân.
Tôi và họa sĩ Việt Tuấn, con út cụ Kim Lân lặng đứng trước tấm biển màu xanh chữ trắng trang trọng cái tên Kim Lân ở đầu con phố chiều dài khoảng 700 mét trải nhựa, hai ô tô tải tránh nhau thoải mái. Mà lạ phố Kim Lân, nguyên ủy là con phố chưa có tên thuộc phường Kinh Bắc của thành phố luôn sạch sẽ yên tĩnh. Đầu phố và một bên phố Kim Lân là hai vườn hoa nhỏ. Thật hợp với tính cách lặng lẽ khiêm nhường của cụ?
Thoáng nhớ buổi ngồi với Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh- Nguyễn Quốc Liêm. Chợt nhớ đến câu chuyện cụ Tổng đốc Bắc Giang… Lớp hậu sinh hình như hơn tiền nhân với những cú đột phá về cơ sở hạ tầng để đường sá Bắc Ninh xứng tầm Đô thị loại II khang trang hiện đại hoành tráng so với con đường lát đá xanh năm xưa ở làng cụ Kim Lân?
Trong câu chuyện với ông chủ tịch, tôi được biết thêm, Bắc Ninh luôn tôn vinh các danh nhân văn nghệ sĩ tài danh không riêng gì người Bắc Ninh. Mà bằng những việc cụ thể mới đây đã đặt tên danh nhân cho nhiều con phố. Thành phố đã phòng bị, dự trữ sẵn một số con phố chưa có tên để đặt tiếp tên danh nhân. Tôi cũng được nghe nhiều chuyện thú vị quanh việc Hội đồng đặt tên danh nhân (tạm gọi thế) và HĐND thành phố đã bàn soạn, tranh luận quanh việc lựa chọn tên cho đường phố mới Bắc Ninh. Xin được kể sau vậy.
Bên những sải bước thư thả của Việt Tuấn, chợt nhớ cái năm theo người con út cụ Kim Lân về Phòng dự Lễ gắn biển cho một đường phố Hải Phòng tên người bạn chí thiết của cụ Kim Lân và cũng là ông bố vợ Việt Tuấn, nhà thơ, kịch sĩ, nhà văn Hoàng Công Khanh!
Nhớ ngày nào được ngồi hầu chuyện hai cụ thông gia. Nhỡn tiền vóc dáng hình hài hai đấng. Và nay, cách nhau hai năm, trước, sau lặng phắc bên hai tấm biển đều nền xanh chữ trắng Hoàng Công Khanh. Kim Lân.
Phù Lưu nơi chôn rau cắt rốn của anh thợ sơn guốc Nguyễn Văn Tài sau này là nhà văn Kim Lân. Là làng của nhà báo Hoàng Tích Chu, cũng là quê NSND Nguyễn Đăng Bảy anh vợ Kim Lân. Quê của nhạc sĩ Hồ Bắc. GS Chu Xuân Diên dạy văn học dân gian của tôi hồi Tổng hợp văn cũng quê làng này… Nhưng sải bước trên con đường lát đá xanh độc đáo, cụ Kim Lân chỉ nói nhiều về cụ Tổng đốc Bắc Giang Hoàng Thụy Chi là người Phù Lưu đây. Cụ Tổng đốc đã có công vận động hào phú cùng dân Phù Lưu góp công sức tiền của xây đình và lát đá xanh cho con đường làng gần 2 cây số. Cụ Kim Lân chỉ xuống những vuông đá xanh nhẵn thín lên nước bóng mịn rất bắt mắt do thời gian (đầu thế kỷ XX) cùng ngàn vạn dấu chân cứ xuýt xoa… Qua cụ, loáng thoáng biết đường làng Phù Lưu được lát bằng 5 hàng đá xanh, mỗi viên khổ 50x50cm. Đá lấy tận Đông Triều. Giá thành khi đó mỗi viên hào, quy gạo khoảng 3 yến (30kg).