LHP tài liệu châu Âu-Việt Nam:

Cũ, chênh lệch đến bao giờ?

“Lời nguyền của chúng tôi” - phim lọt đề cử Oscar 2015 ra mắt khán giả Việt Nam dịp này
“Lời nguyền của chúng tôi” - phim lọt đề cử Oscar 2015 ra mắt khán giả Việt Nam dịp này
TP - Bước qua năm thứ bảy, LHP tài liệu châu Âu-Việt Nam tiếp tục là điểm hẹn của người yêu phim. Tuy nhiên, không ít phim trong danh sách phim Việt Nam trình chiếu được sản xuất cách nay gần hai chục năm, hoặc có cách kể rất cũ.

Đề cử Oscar

Lời nguyền của chúng tôi (Our curse), phim tài liệu 27 phút của đạo diễn Ba Lan Tomasz Sliwinski lọt đề cử giải Oscar 2015 cho hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc. Phim là câu chuyện về cuộc sống của một cặp vợ chồng trẻ và đứa con trai vừa chào đời, Leo mắc hội chứng hiếm gặp “Lời nguyền của Ondine” khiến có thể ngừng thở bất cứ lúc nào.

Tại họp báo sáng 9/6, đại diện Đại sứ quán Ba Lan cho biết, đạo diễn phim chính là bố của bé Leo. Anh dùng máy quay phim như là cách ghi nhật ký, xen kẽ là những thước phim suy tư và nỗi sợ hãi triền miên của hai vợ chồng.

Bà Almuth Meyer-Zollisch, Giám đốc Viện Goethe, nói, tiêu chí lựa chọn phim của các đại diện châu Âu: Phim mới, chất lượng, được đông đảo khán giả đón nhận. “Điều quan trọng nhất là phản ánh xã hội đương thời”, bà nói. Có thể kể đến Họp lớp (2013) của đạo diễn Anna Odell (Thụy Điển), phim bán tự truyện. Dựa vào trải nghiệm thơ ấu của Odell khi bị bạn bè bắt nạt, cô vào vai chính, mời bạn bè đến buổi họp lớp dữ dội, ở đó bản chất, mối quan hệ các thành viên được bộc lộ. Phim được giải phim hay nhất của Liên đoàn Các nhà phê bình phim quốc tế Venice.

Đại diện đến từ Pháp, Lớp học đa quốc gia được đề cử giải César cho phim tài liệu xuất sắc nhất 2015 (giải thưởng điện ảnh lớn nhất điện ảnh Pháp). Đạo diễn Julie Bertuccelli dành một năm theo nhóm học sinh đa sắc tộc từ 11-15 tuổi đến lớp học tiếng Pháp hòa nhập, vì bọn trẻ mới đặt chân đến đất nước hình lục lăng. Người xem có thể tìm ở đó những hy vọng về tương lai tốt đẹp từ sự hồn nhiên, năng lượng sống tràn trề của những thiếu niên này.

Giai điệu quê hương được các rạp ở Đức chiếu suốt 70 tuần, thắng giải Phim tài liệu âm nhạc xuất sắc nhất năm 2014. Đạo diễn Arne Birkenstock kể câu chuyện nhạc sỹ Hayden Chrisholm của New Zealand bỏ công sức đi tìm nguồn cội nhạc dân gian Đức, gặp gỡ nhiều nhạc sỹ, ca sỹ chung đam mê nhạc dân gian. Dịp này, Arne Birkenstock sẽ đứng lớp về phát triển kịch bản cho các nhà làm phim tài liệu trẻ, trong khuôn khổ LHP ở Hà Nội.

Đứa con ngoan (Israel lần đầu tham gia, nữ đạo diễn Shirly Berkovitz cũng đến Việt Nam dịp này), kể về thanh niên 22 tuổi vay tiền gia đình đến Thái Lan phẫu thuật chuyển giới. Những phim châu Âu khác gồm Ranh giới không hoàn hảo (Đan Mạch), Bản đồ (Tây Ban Nha), Đại bảo tàng (Áo), Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống (Thụy Sĩ).

Phim Việt xưa như Diễm

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc có quá nhiều phim Việt Nam cũ được chọn tại LHP lần này, bà Phạm Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư, nói rằng, tiêu chí năm nay hơi khác. “Ngoài những phim mới nhất sản xuất năm vừa qua, chúng tôi chọn những phim chưa bao giờ chiếu tại LHP này, đã được giải quốc tế, giải Cánh Diều trong nước”, bà nói.

Một số phim mới sản xuất được chọn: Trường Sa-Việt Nam, Gieo chữ trên mây, “Nghèo đa chiều” ở Đồng Mậm, Sông Hồng 12 khúc, Bác sỹ Trần Duy Hưng một người Hà Nội, Giọt nước giữa đại dương (tưởng nhớ một năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Phim được giải quốc tế mà đại diện hãng nhắc đến là Chốn quê (Nguyễn Sỹ Chung), sản xuất 2001, Huy chương vàng LHP châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 46, giải đặc biệt của BGK LHP Việt Nam lần thứ 13. Còn lại với thời gian (Lê Hồng Chương) giành giải Phim tài liệu xuất sắc nhất LHP châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 51. Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (Trần Văn Thủy) sản xuất 1998, Huy chương vàng LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 44.

Phim được sản xuất cách đây hơn chục năm không phải là vấn đề đáng ngại, điều đáng sợ hơn là cách làm phim cũ. Đại diện hãng phim cho rằng, không có cách làm phim cũ. Nhưng nhìn lại, nhiều phim mới làm so với mấy chục năm trước thì tư duy, cách quay, thậm chí cách viết lời bình không mấy thay đổi. Trong khi mấy năm qua, nhiều phim có tính thể nghiệm, cách tiếp cận mới của các nhà làm phim trẻ Đông Nam Á cũng đủ khiến khán giả Việt trầm trồ.

Chốn quê từ đầu chí cuối lời bình nhiều, thừa thãi. Những hình ảnh người nông dân cày bừa, cấy gặt cũng phải  kèm theo câu “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”... Hình ảnh, đặc tính người ở quê được đưa vào phim kém chọn lọc, thiếu điểm nhấn.

Có nhà báo nói Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai là phim không thành công của đạo diễn Trần Văn Thủy, vốn để lại ấn tượng với Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế. Thước đo giải thưởng của điện ảnh Việt chưa chắc được khán giả đón nhận, kém hấp dẫn. Mục đích đối thoại đề tài, văn hóa giữa Việt Nam với các nước ngày càng xa vời vì độ chênh lệch quá lớn.

Châu Âu đem phim xuất sắc của họ đến Việt Nam, trong khi phim ta chỉ do Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư sản xuất, nên khó tránh khỏi cục bộ, và vô tình đóng cửa với nhiều nhà làm phim trẻ độc lập có phim ấn tượng.

LHP tài liệu châu Âu-Việt Nam từng chiếu phim của 8 nước châu Âu và Israel, có chương trình đặc biệt với các nhà làm phim trẻ Đông Nam Á ngày 13/6 tại Hà Nội, 18/6 tại TPHCM. LHP ở Hà Nội từ 10-19/6, tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư; ở TPHCM từ 11-20/6, tại ĐH Hoa Sen. Vào cửa tự do.

MỚI - NÓNG