Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi trẻ thực hiện nhằm tìm kiếm các ý tưởng hay cho giáo dục từ người trẻ dưới 35 tuổi.
Phương Anh và Linh Chi bắt đầu thực hiện cuốn sổ tay là để thỏa đam mê làm nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, sau khi được tiếp xúc trực tiếp với các nạn nhân của buôn người, hai nữ sinh lớp 11 và quyết tâm đầu tư thời gian, công sức để cuốn sổ tay thật sự hữu ích.
“Nhiều em nữ thậm chí còn chưa biết đến một thông tin gì về nạn buôn người qua biên giới thì đã thành nạn nhân rồi. Câu chuyện đó rất đau lòng” – Lý Phương Anh cho biết.
Sau nhiều cuộc trò chuyện cùng các nạn nhân, người nhà của họ và các anh công an chuyên trách, hai nữ sinh dành nhiều thời gian để tổng hợp kiến thức, sắp xếp bố cục và thiết kế sổ tay sao cho vừa hấp dẫn vừa dễ hiểu.
Sổ tay được chia thành 3 phần, phần đầu là những kiến thức cơ bản nhất về nạn mua bán người, phần 2 là các kỹ năng phòng chống mua bán người qua biên giới. Phần 3 là sổ tay học tập - ở đây các em có thể tự ghi chú những kiến thức, kỹ năng có được, những trường hợp, bài học đã trải nghiệm trong cuộc sống.
Tại vòng chung kết, đại diện ban giám khảo, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông đánh giá: “Tôi đánh giá cao công trình này vì hai tác giả chỉ là học sinh nhưng đã biết quan tâm đến các vấn đề xã hội và thực hiện đề tài thiết thực góp phần nâng cao kĩ năng cho bạn bè đồng trang lứa”.
Hiện cuốn sổ của Phương Anh và Linh Chi đã được phổ biến tới học sinh của 4 trường học ở Lạng Sơn, trong đó có 2 trường THCS, 2 trường THPT. Linh Chi chia sẻ: “Em rất vui mừng vì các em đều thích thú với kiến thức và cách thiết kế của cuốn sổ tay này. Em tham gia cuộc thi Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục vì mong cuốn sổ tay sẽ được in nhiều hơn để phát cho các bạn học sinh ở vùng biên giới”
Với giải thưởng tiềm năng từ Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục, hai nữ sinh sẽ được chương trình hỗ trợ để hoàn thiện và phát hành cuốn sổ tay rộng rãi ở tỉnh Lạng Sơn.
Là đơn vị đồng tổ chức chương trình, Tập đoàn Thiên Long cho rằng việc tìm kiếm ra các ý tưởng hay thôi vẫn chưa đủ, cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục sẽ mang nhiều hiệu quả lan tỏa hơn nếu các công trình được ứng dụng vào thực tế. Để làm được việc đó, sự trợ giúp của các nguồn lực xã hội là điều rất cần thiết.
“Chúng tôi hy vọng rằng các nguồn lực xã hội sẽ chung tay để rút ngắn hành trình gian nan biến một ý tưởng hay thành một sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ tốt cho giáo dục", ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long bày tỏ.
Sau năm đầu tiên tổ chức, Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục đã tích cực hỗ trợ ứng dụng các công trình đạt giải cao trong năm ngoái. Cụ thể, phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ chính thức phát hành bộ sách dựa trên công trình "Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trong trường học" của tác giả Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre).
Ngoài ra, ban tổ chức cũng giới thiệu công trình "Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học vật lý ở trường phổ thông" của tác giả Nguyễn Quốc Huy (Hà Nội) đến Công ty Đầu tư xây dựng và thiết kế giáo dục, để nghiên cứu sản xuất.
Ba công trình nhận giải thưởng 100 triệu/công trình
Trong năm thứ 2 tổ chức, chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục nhận 329 công trình, sáng kiến của thanh niên, trí thức trẻ.
Ban tổ chức đã chọn 10 công trình, sáng kiến tiêu biểu vào vòng chung kết để thuyết trình và lấy ý kiến phản biện từ các chuyên gia để chọn ra 3 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất tuyên dương tại lễ tổng kết.
Ba công trình sáng kiến tiêu biểu của Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2017 là: “Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom”, Tác giả Nguyễn Hữu Hải cùng các cộng sự ở Viện CNTT, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam; công trình “Full Look-phần mềm học song ngữ phát triển năng lực toàn diện” của nhóm tác giả Trần Thị Mai Phương, Lê Thị Thu Ngân; công trình “Phổ biến thí nghiệm vật lý” của tác giả Nguyễn Trường Vũ.Mỗi công trình sáng kiến tiêu biểu nhận phần thưởng trị giá 100 triệu đồng.