Tri Thức trẻ vì giáo dục là cuộc thi khuyến khích, kêu gọi các tri thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp các ý tưởng, sáng kiến nhằm góp phần đổi mới, hiện đại hóa ngành giáo dục, do T.Ư Đoàn phối hợp cùng các đơn vị khác tổ chức. Đây là năm thứ 2 diễn ra chương trình này.
Sau hơn 5 tháng triển khai, cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017 nhận được hơn 300 bài dự thi ở vòng sơ khảo. Phần lớn đối tượng tham gia chương trình là giáo viên, giảng viên trẻ với 186 công trình; đối tượng học sinh, sinh viên đóng góp 57 công trình.
Trong đó, có 2 thạc sỹ, nghiên cứu sinh đang học tập tại Hungary, Thái Lan; còn lại 86 công trình, sáng kiến do cán bộ, công chức hoặc thí sinh tự do tham gia đóng góp.
Theo đánh giá của Bam giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi, các công trình được chọn vào vòng chung khảo đều đáp ứng hai tiêu chí: Tính mới (chưa được công bố bởi tổ chức/cá nhân nào) và tính khả thi (có khả năng ứng dụng và nhân rộng trong thực tiễn cao). Đáng chú ý, trong số 10 công trình tiêu biểu, có những công trình của các tác giả chỉ mới là học sinh cấp 3, tác giả đang sinh sống ở nước ngoài.
Vào ngày 8/11 này, chương trình Tri thức trẻ Vì giáo dục sẽ tiến hành chấm chung khảo. Theo đó, dựa vào chất lượng công trình và phần thuyết trình của các tác giả, ban giám khảo sẽ lựa chọn tối đa 5 công trình xuất sắc nhất để trao giải thưởng trị giá 100 triệu đồng mỗi công trình. Kết quả chung cuộc chương trình Tri thức trẻ Vì giáo dục 2017 sẽ được công bố trong Lễ trao giải ngày 9/11/2017, tại Hà Nội.
Danh sách 10 công trình được chọn vào vòng chung kết Tri thức trẻ vì giáo dục 2017 (theo thứ tự ngẫu nhiên) gồm:
1. Xây dựng phòng thí nghiệm ảo phục vụ giảng dạy và thí nghiệm các môn học thuộc chuyên ngành gia công áp lực, Khoa cơ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự, nhóm tác giả: Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Đức Hoàn, Nguyễn Xuân Diệp (Ban Thanh niên Quân đội).
2. Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom, nhóm tác giả: Nguyễn Hữu Hải, Phạm Thành Nam, Đỗ Minh Nhiên, Nguyễn Việt Hoàng, Phạm Thị Phương Thảo (Hà Nội).
3. Vận dụng công nghệ 3D thiết kế và sử dụng bảo tàng ảo trong dạy học Lịch sử ở trường THPT (Ban cơ bản), tác giả Nguyễn Thu Quyên (Hải Dương).
4. Thực hành đo đạc vi khí hậu và ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giảng dạy và học tập các kiến thức môi trường trong môn Địa lý ở bậc THCS và THPT, nhóm tác giả: Lưu Đức Trung, Hoàng Thị Trang (Thái Lan).
5. Sổ tay trang bị kĩ năng phòng, chống mua bán người và biện pháp nâng cao kỹ năng phòng, chống mua bán người qua biên giới cho học sinh trung học tỉnh Lạng Sơn; nhóm tác giả: Lý Phương Anh, Trần Lê Linh Chi (Lạng Sơn).
6. Thiết kế các hoạt động giáo dục tài chính trong tiết học ngoài giờ lên lớp ở tiểu học; tác giả: Trần Nguyễn Thanh Trúc (TPHCM).
7. Áp dụng hình thức debate quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường THPT; nhóm tác giả: Phạm Hoàng Ân, Nguyễn Ngọc Vân Anh (TPHCM).
8. Phổ biến thí nghiệm Vật lý; tác giả: Nguyễn Trường Vũ (Thừa Thiên Huế).
9. Full Look - Phần mềm học song ngữ phát triển năng lực toàn diện; nhóm tác giả: Trần Thị Mai Phương, Lê Thị Thu Ngân (Hà Nội).
10. Xây dựng và đưa hoạt động tư vấn học đường vào các trường THCS; tác giả: Nguyễn Trương Quý Trọng (TPHCM).