Bên trong Trung tâm điều hành và kiểm soát Aspire, nơi đảm bảo an toàn cho World Cup. Ảnh: Telegraph |
Bình thường các kỳ World Cup trước đều diễn ra ở các quốc gia lớn, với nhiều sân vận động nằm rải rác trên một diện tích rộng. Nhưng tại Qatar, đất nước không lớn hơn tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam, chỉ có 8 sân vận động nằm trong bán kính 55km tính từ trung tâm Doha. Với hơn 1,5 triệu du khách dự kiến, kiểm soát đám đông là một vấn đề lớn với nước chủ nhà.
Tuy nhiên phía Qatar lại rất tự tin. Họ đã phát triển một trung tâm kiểm soát với công nghệ tối tân để phục vụ World Cup 2022, nhằm đưa ra các chỉ dẫn chi tiết cho lực lượng an ninh ở hiện trường nhằm chặn đứng các rắc rối từ lúc manh nha. Chỉ riêng 8 sân vận động đã có 20.000 camera giám sát, với nhiệm vụ thu thập dữ liệu và đưa về Trung tâm điều hành Aspire gần sân vận động quốc tế Khalifa. Trung tâm này chính là đầu não của World Cup 2022, với hơn 100 kỹ thuật viên, lực lượng an ninh mạng và chuyên gia chống khủng bố túc trực 24/24. Nó có chức năng điều khiển mọi hoạt động ở các sân vận động từ tăng giảm nhiệt độ, mở hay khóa cửa và quan trọng nhất: kiểm soát người hâm mộ.
Mọi khán giả sẽ bị theo dõi chặt chẽ từ khi họ bước vào sân cho tới lúc rời đi, thậm chí mọi hoạt động trên đất Qatar. Mã số vé, thời gian, địa điểm nhập cảnh, nơi lưu trú và quá trình đi lại đều được thu thập, sau đó tiên lượng về số khán giả sẽ có mặt trong sân cũng như sự gia tăng hay cảnh báo quá tải.
Tiến trình di chuyển của người hâm mộ khi vào sân được phân tích, dự báo và phát hiện ùn tắc, sau đó xử lý theo phương án tối ưu. Những camera được lắp đặt đủ tốt để có thể phóng to hình ảnh của người hâm mộ bất kỳ trong số cả vạn người trong sân. Chưa hết, bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chức năng nhận diện cho phép tìm thấy một đứa trẻ bị lạc giữa biển người nhanh chóng hoặc truy vết đối tượng trong hàng ngàn giờ lưu trữ.
World Cup 2022 thực sự là giải đấu của công nghệ. Tại Qatar, lần đầu tiên FIFA áp dụng công nghệ việt vị bán tự động (SOAT) nhằm hỗ trợ VAR và loại bỏ tranh cãi. Ngoài quả bóng trang bị cảm biến, mỗi trận sẽ có 12 camera chuyên dụng gắn dưới mái sân vận động để theo dõi quả bóng và 29 điểm dữ liệu trên cơ thể cầu thủ. Dữ liệu được tổng hợp 50 lần mỗi giây, tính toán vị trí chính xác của họ trên sân.
An toàn là trên hết
Công nghệ phân tích và dự đoán cũng rất hữu ích. Ví dụ, trung tâm điều hành sẽ sớm phát hiện một khán giả quẹt nhầm thẻ vào sân, sau đó hướng dẫn các nhân viên hiện trường cách giải quyết, hoặc đơn giản đưa tạm người đó ra khỏi khu vực để tránh tình trạng tắc nghẽn. Công nghệ này tiên tiến đến mức có thể phân tích nét mặt và dự đoán cảm xúc, phát hiện một người đang ở trạng thái bị kích động để thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Có những lo ngại về quyền riêng tư, song các nhà chức trách Qatar ít quan tâm tới điều đó. Đầu tiên, camera giám sát là một phần cơ bản trong xã hội Qatar. Tiếp đến, như Giám đốc Công nghệ của BTC World Cup 2022, Niyas Abdulrahiman cho biết: “Sự an toàn của người hâm mộ là trên hết. Tất cả nhằm mục đích mang lại một giải đấu yên bình”.
Tuy vậy, công nghệ cũng có mặt trái. AI chưa thể phân biệt đâu là cảm xúc giận dữ khi đội nhà thua cuộc và đâu là biểu hiện bạo lực. Việc sơn quốc kỳ lên mặt cũng sẽ khiến máy móc gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Trung tâm điều hành Aspire đã kinh qua 75 sự kiện, bao gồm Cúp Ả Rập đầu năm nay, nhưng hành vi nghiêm trọng nhất họ thường đối mặt chỉ là cổ động viên đứng lên ghế. World Cup với cả triệu du khách đến từ hàng chục quốc gia khác nhau trên thế giới sẽ mang tới thách thức lớn hơn nhiều. Hy vọng công nghệ có đủ các phương án cho mọi tình huống và tạo nên một kỳ World Cup thực sự an toàn.