Ngày 17/4, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thông tin tại hội nghị, ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, so với năm 2022, 57 địa phương có giá trị Chỉ số cao hơn, 6 địa phương có giá trị Chỉ số giảm. Có 3 địa phương giữ nguyên vị trí là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lâm Đồng.
Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân cho thấy, chính sách điện sinh hoạt và chính sách trật tự, an toàn xã hội là hai chính sách được quan tâm nhiều nhất.
Trên 88% số người dân được khảo sát cho rằng “không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu”. Ảnh minh họa |
Kênh thông tin người dân sử dụng nhiều nhất để tiếp cận thông tin chính sách là qua đài, ti vi, báo chí, với tỷ lệ 48,16%; tiếp đến là qua hội, họp, sinh hoạt, thông báo tại khu dân cư, với 47,55%.
Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 88,88% số người dân được khảo sát cho rằng “không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu” và 90% cho rằng “không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định” cho công chức để công việc được giải quyết.
Khảo sát cũng cho thấy, có 5 tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Lào Cai; 5 tỉnh thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Long An.
Lấy người dân làm trung tâm
Cũng theo Bộ Nội vụ, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%).
Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03- 90,61%. Có 5 tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng; 5 địa phương thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Quảng Nam.
Năm 2023, có 3 nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,12%; tiếp đến là nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, với mức 85,11% và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,03%.
“SIPAS đã và đang thúc đẩy cơ quan hành chính ngày càng nỗ lực, quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và cung cấp cơ sở để cơ quan hành chính Nhà nước xác định, thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để thực hiện mục tiêu đặt ra”, ông Phạm Minh Hùng nêu.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân.
Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan hành chính Nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Đây là năm thứ hai triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công.
Việc thu thập thông tin đo lường sự hài lòng của người dân năm 2023 được thực hiện thông qua khảo sát theo hình thức phát phiếu hỏi trực tiếp. Có 40.230 người dân được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên của 63 tỉnh, thành. Từ ý kiến phản hồi của 39.765 người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu học, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2023.