Lê Đình Công cùng 24 người khác phải hầu tòa về tội “Giết người” trong vụ án sát hại 3 cảnh sát xảy ra tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Ngoài ra, có 4 bị cáo khác bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, Viện KSND TP Hà Nội khẳng định đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là đất quốc phòng từ những năm 1980 nhưng nhóm bị cáo trong vụ vẫn lấn chiếm, sử dụng. Ông Lê Đình Kình cùng con trai Lê Đình Công và một số bị cáo khác như Nguyễn Văn Tuyển… thành lập Tổ đồng thuận để đòi đất, hứa hẹn chia nhau.
Rạng sáng 9/1, cảnh sát bố trí lực lượng vào bảo vệ các mục tiêu tại Đồng Tâm. Thấy vậy, các bị cáo trong vụ bắn pháo, ném bom xăng, lựu đạn… để chống đối bất chất kêu gọi dừng lại.
Đỉnh điểm, khi 3 cảnh sát Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân tiến trên nóc để vào nhà Lê Đình Kình đã không may rơi xuống hố và bị Lê Đình Chức (con trai Lê Đình Kình) và Lê Đình Doanh (cháu Chức) nhiều lần đổ xăng xuống, thiêu họ đến than hóa toàn thân.
Một mũi cảnh sát khác tiến vào nhà ông Lê Đình Kình cũng bị chống đối quyết liệt. Ông Kình – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm - đã đe dọa cảnh sát nếu vào sẽ bị giết, ném lựu đạn. Cơ quan tố tụng cho rằng sau đó cảnh sát đã nổ súng khiến ông Kình bị thương rồi tử vong, việc này đúng quy định.
Tại tòa, Lê Đình Công thừa nhận đã mua lựu đạn, chuẩn bị bom xăng, vũ khí để chống đối từ lâu nhưng cho rằng mình không phạm tội. Công biện luận: “Nếu vụ án xảy ra tại Đồng Sênh, bị cáo mới có tội vì chỉ chuẩn bị lựu đạn để giữ đất”. Lê Đình Công khai thêm, vào tối 8/1, chỉ thông báo cho các bị cáo khác việc công an có thể vào bắt ông Lê Đình Kình, không bàn bạc việc chống đối.
Về 33 triệu đồng mua lựu đạn, Lê Đình Công khai số này được góp từ tiền thuê luật sư còn thừa và sau đó bị cáo đi xin thêm mọi người, nói để giữ đất nhưng không nói cụ thể mua lựu đạn.
Lê Đình Công cũng thừa nhận, vào sáng 9/1, bị cáo đã ném đá, bom xăng, lựu đạn. “Bị cáo và mọi người cầm lựu đạn nói không được dùng vào việc nào khác ngoài mục đích giữ đất. Khi ném lựu đạn, bị cáo hoàn toàn không rút chốt cho không nổ” – Công nói.
Được hỏi mong muốn hiện tại, Lê Đình Công khai: “Sau khi biết 3 chiến sĩ hi sinh, bị cáo hết sức hối hận và trong tòa hôm nay, bị cáo xin lỗi 3 gia đình của 3 cán bộ hi sinh. Mong 3 gia đình tha thứ cho bị cáo. Bị cáo thành khẩn nhận ra sai lầm của mình, thành khẩn khai báo để mong muốn nhận sự khoan hồng của pháp luật và của Đảng, Nhà nước”.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển cũng xin được hưởng khoan hồng và nói: “Bị cáo xin hình phạt nhẹ nhất vì bị cáo là người mù, tàn tật, ở nhà có mẹ già và còn phải nuôi mẹ vợ. Vợ bị cáo ốm đau, các con của bị cáo cũng cần sự chăm sóc nên mong Đảng, Nhà nước giảm nhẹ cho bị cáo”.
Tuyển cho biết mắt mình rất kém, các bị cáo khác để bom xăng hay gì vào nhà cũng không biết. Tuyển vốn có “loa kẹo kéo” để đi hát rong kiếm tiền nuôi vợ con và cũng được các bị cáo khác thuê sửa loa nhiều lần.
Mỗi lần như vậy, bị cáo được nghe Lê Đình Kình tuyên truyền đất đai bị cán bộ tham nhũng, gia đình những người theo ông Kình sẽ được chia đất nên đã tham gia cùng nhóm này.
Lê Đình Chức - người thừa nhận đã thiêu 3 cảnh sát tử vong.
Cũng tại phần thẩm vấn, chủ tọa hỏi bị cáo Lê Đình Chức (con trai ông Kình, em bị cáo Lê Đình Công), khi sát hại 3 cảnh sát, bị cáo có làm theo pháp luật hay không? Chức trả lời: “Bị cáo không ạ”.
Chức thừa nhận vào rạng sáng 9/1 đã cầm bom xăng, lựu đạn ném về phía cảnh sát. Sau đó, Chức nghe thấy có người thông báo 3 cảnh sát bị rơi xuống hố là giếng trời nên chỉ đạo cháu ruột là bị cáo Lê Đình Doanh mang xăng ra.
“Bị cáo dùng tuýt sắt gắn phóng lợn chọc xuống. Sau, bị cáo thấy có can xăng ở dưới chân nên rót ra 2 nắp chai xuống, châm lửa để nhìn nhưng không thấy gì và lại đổ xăng xuống. Mong quý tòa xem xét giảm nhẹ theo quy định của pháp luật” – Chức nói.