Cơn sốt lạ

TP - Những ngày đầu năm 2021 này, bên cạnh sự hưng phấn của thị trường chứng khoán, chúng ta đang chứng kiến thêm một “cơn sốt lạ” ập đến từ thị trường bất động sản. 

Khi VN - Index một mạch leo dốc thẳng tiến mốc 1.200 điểm với thanh khoản “khủng” 14.000 -15.000 tỷ đồng/phiên, giá bất động sản tại các quận, huyện Hà Nội và các tỉnh thành lân cận  “mở mắt” đã tăng chóng mặt. Kỳ lạ đến mức, nhiều dự án bấy lâu nay tưởng “chết ngỏm” bỗng sống lại giao dịch ầm ầm như các dự án nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội; một số chung cư dán mác phân khúc  hạng sang “ngủ đông” cả năm trời nay đột nhiên rao bán với giá cao ngất ngưởng 70-80 triệu đồng/m2; đi kèm đất nền, thổ cư đồng loạt “hét” tăng giá từ 20-30%, thậm chí, các sản phẩm này còn bắt đầu kén chọn khách hàng: loại hẳn phân khúc bình dân mà ngắm đến giới có tiền.

Vì sao lại có “cơn sốt lạ” này? Ngoại trừ những lí giải theo “công thức” đến từ giới chuyên gia và cơ quan quản lý theo kiểu: Cung ít, cầu tăng, hay phân khúc sản phẩm mới lạ hấp dẫn hơn (bất động sản nghỉ dưỡng ven đô). Còn hết thảy đều chung nhận định: thị trường đang có sự chuyển hướng thực sự về tâm lý dòng tiền quyết định đảo chiều. Thay vì “găm” cất gửi ngân hàng,  hay bỏ vốn vào sản xuất, đã đến lúc người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp quyết định xuống tiền chơi... “canh bạc đất”.

Tất nhiên sự thay đổi này không tự dưng có, mà đến từ tính toán kỹ lưỡng của các “ông trùm” trong giới đầu tư và cả đầu cơ. Covid -19 tác động nặng nề khiến nền kinh tế ngưng trệ. Trong bối cảnh USD giảm giá sâu, giá vàng lên xuống thất thường, lãi suất tiền gửi xuống “đáy” 10 năm chưa biết khi nào mới phục hồi (chỉ còn khoảng 4 %/ năm kỳ hạn 3 tháng; 5-7%/năm kỳ hạn dài) thì cất tiền vào các kênh trên không còn là nơi lí tưởng. Một phần dòng tiền đã chảy sang chứng khoán, còn một phần đã nhích sang bất động sản.

Cơn sốt bất động sản lần này nếu “mổ xẻ”  kỹ hơn còn được các “cá mập” tính toán và lên kịch bản một phần. Thay vì chờ thị trường hồi phục tự nhiên, nhiều chiêu kích thích đã được dùng. Đơn cử đó là chiêu thức vực dậy, trang điểm lại cho các dự án đã đóng băng cả chục năm trời mác “nghỉ dưỡng ven đô”, khu biệt thự sang trọng, hay bơm thêm ít tiền “dán” mác hạng sang cho nhiều khu chung cư, đô thị. Tất cả chung mục đích: đánh vào tâm lý người đã có “bát ăn, bát để” muốn sở hữu  một căn nhà trong mơ.

Có nên “cắt cơn sốt lạ” này không và làm thế nào để cắt? Câu trả lời không dễ bởi bất động sản luôn là hàn thử biểu của nền kinh tế, sự tăng trưởng của thị trường này, xét ở góc độ tích cực sẽ giúp cho bức tranh GDP vốn theo dòng ảm đạm chung của Việt Nam và các quốc gia bị ảnh hưởng COVID -19 sáng sủa hơn.  Nhưng rõ ràng,  với chủ ý đến từ các ông chủ bất động sản, giới đầu cơ thì việc nên “cắt cơn” hạ nhiệt là rất cần và nên làm ngay lập tức. Liều thuốc nào sẽ có tác dụng? Tất nhiên, phải trông chờ ít nhiều vào sự lên tiếng cảnh báo từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương các tỉnh thành đi kèm là sự cẩn trọng suy xét của hàng chục, trăm ngàn người dân, nhà đầu tư, đừng để lòng tham làm cho ... “mờ mắt”.

Bài học về những cơn sốt đất trong 10 năm qua và hệ lụy của mỗi đợt sốt khiến cả hàng chục ngàn tỷ đóng băng nay vẫn còn nguyên(?!). Lần này, nếu có nới van tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng, hệ thống ngân hàng cũng đừng quên nhiệm vụ kiểm soát chặt luồng đi của dòng tiền.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.