Cơn say chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư “cân não” giao dịch trong giai đoạn thị trường nhiều biến động
Nhà đầu tư “cân não” giao dịch trong giai đoạn thị trường nhiều biến động
TP - Từ đầu năm 2021 đến nay, VN-Index tăng hơn 216 điểm, tương ứng gần 20%. Nhiều cổ phiếu tăng giá liên tục, nhà đầu tư đón nhận lợi nhuận gia tăng nhanh chóng.

Cơn say chứng khoán với kỳ vọng “cứ rót tiền là thắng” khiến nhiều nhà đầu tư bất chấp cảnh báo, lao vào chứng khoán như thiêu thân. Trên thị trường nhiều ngày qua, cơ quan quản lý đã phát đi tín hiệu đèn đỏ.

Bắt mạch tâm lý đầu tư

“Bán chứng khoán tháng 5 và đi chơi” (Sell in May and go away) là câu ngạn ngữ xuất hiện trên thế giới từ lâu - bởi đây là thời điểm vốn rất ít thông tin hỗ trợ, cũng là giai đoạn thị trường chuyển giao giữa trạng thái tâm lý kỳ vọng và thực tế. Nhưng diễn biến tháng 5 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã diễn biến khác thường (hay có thể gọi là bất thường). Thị trường triền miên nhuốm sắc xanh và tăng điểm thần tốc, nhiều lúc đi ngược với tin tức kinh tế vĩ mô, bất chấp tác động bất lợi của dịch COVID -19.

Trên bảng điện tử, nhiều mã chứng khoán ngân hàng liên tục tăng, thậm chí tăng kịch trần chỉ bởi lời rỉ tai của các nhà đầu tư phong trào, của “đội lái”, rằng cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại định giá ít nhất cũng cao… nên cứ yên tâm “múc”, giá còn tăng.

Vài phiên sau khi nhóm cổ phiếu này quay đầu giảm, các mã cổ phiếu bất động sản, dầu khí lại nhận được đánh giá đã đến thời. Khổ thân nhất có lẽ là khối nhà đầu tư FO mới vào cữ tháng 3, tháng 4/2021. Họ đổ tiền vào chứng khoán không thương tiếc. Nhiều đến mức, với giao dịch lên tới trên tỷ USD/phiên, Hose liên tục nghẽn lệnh, sập sàn, đơ cứng khiến nhà đầu tư la ó, không ngớt lời than trên đủ các diễn đàn, facebook cá nhân. Chưa bao giờ, “chợ chứng khoán” sôi động, nóng như đợt tháng 5 vừa qua và trong các phiên gần đây.

Đến giờ này nhìn lại, có thể thấy trong “cơn say” vừa qua rất nhiều phân tích kỹ thuật, phân tích tâm lý, hay dòng tiền hầu như đều đi ngược quy luật. Nhiều phân tích chuẩn mực đã không được quan tâm. Quá nhiều nhà đầu tư “mũ ni che tai”, say sưa lao vào thị trường. Kết thúc tháng 5, nhiều bài báo đều tung hô thị trường 2021 đi ngược lại quy luật bình thường. Thế nhưng tuần qua, nhà đầu tư bán mạnh. Còn nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay bán tới hơn 6.000 tỷ đồng, đặt lệnh thực tế bán được hơn 5.000 tỷ đồng. Con số họ thực sự rút hẳn ra khỏi tài khoản chứng khoán theo dự tính của các công ty chứng khoán lên tới cả chục ngàn tỷ đồng.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2021, thị trường có gần nửa triệu tài khoản mở mới, kéo theo dòng tiền ồ ạt chảy vào chứng khoán, đưa thanh khoản lên cao chưa từng có. Nhà đầu tư mới (F0) gần như làm chủ sàn chứng khoán, khiến nhiều phân tích, dự báo từ chuyên gia, công ty chứng khoán (CTCK) đi lệch quỹ đạo.

Chứng khoán trở thành chủ đề bàn luận nóng ở nhiều nơi, ra đường dễ dàng bắt gặp những nhà đầu tư tận dụng từng giây đỗ đèn đỏ, đi thang máy để theo dõi bảng điện tử trên di động. Trên mạng xã hội, các hội nhóm chứng khoán gia tăng thành viên nhanh chóng, có nhóm gần nửa triệu nhà đầu tư hăng say bàn luận, khoe lãi mỗi ngày. Một số nhà đầu tư lâu năm nhận định, thị trường chưa bao giờ sôi động, nhiều cơ hội, nhưng cũng lắm rủi ro tới vậy.

Dùng đòn bẩy tài chính tăng kỷ lục

Chứng khoán trở thành miền đất hứa, thu hút cả những sinh viên với số vốn vài triệu đồng bắt đầu khởi nghiệp. Đầu tư chứng khoán vốn 15 triệu đồng, Hoàng Huy (sinh viên tại TP.HCM) khoe lãi 10% sau 5 ngày. Vốn ít, Huy đầu tư vào 3 cổ phiếu penny (vốn hoá nhỏ) và giữ quan điểm cổ phiếu giá rẻ cũng đáng đầu tư, chỉ cần doanh nghiệp có câu chuyện phía sau. Cùng quan điểm với Huy, nhiều sinh viên đầu tư chứng khoán ưa thích cổ phiếu penny vì giá rẻ, dễ lướt sóng, may mắn thì lợi nhuận “khủng” trong thời gian ngắn.

Cũng giống những sinh viên tập tành chơi chứng khoán, nhiều nhà đầu tư F0 mua cổ phiếu dựa theo cảm tính, ưu tiên giá rẻ. Nhà đầu tư không tìm hiểu tin tức, thị trường tài chính, mà hóng “phím” hàng từ các hội nhóm đầu tư, KOL chứng khoán (tài khoản mạng xã hội nổi tiếng về đầu tư chứng khoán). Một số KOL thạo tin có sức ảnh hưởng, dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư qua những bài đăng có cả nghìn lượt tương tác.

Cơn say chứng khoán ảnh 1

Nhà đầu tư chia sẻ ảnh chế trên mạng xã hội, thể hiện bức xúc khi HOSE nghẽn lệnh, lỗi bảng điện tử triền miên

Tâm sự trên một diễn đàn chứng khoán, anh Tùng (31 tuổi) chia sẻ câu chuyện đầu tư năm 2017, lãi 1,5 tỷ đồng trong thời gian ngắn. Anh Tùng cho biết từng định kiến chứng khoán là môn “cờ bạc”, nhưng đi làm 3 năm vẫn chưa có gì trong tay nên quyết định đầu tư cổ phiếu tìm kiếm cơ hội. Anh Tùng đầu tư đúng thời điểm thị trường sôi động nhất, cũng như những gì diễn ra từ đầu năm đến nay, “mua mã nào cũng có ăn nên rất ham”, anh Tùng nói.

“Nhưng rồi khi lòng tham trỗi dậy, tôi bỏ tiền vào chứng khoán và sử dụng 100% tiền vay ký quỹ (full margin), có lúc tổng tiền đầu tư hơn 7 tỷ đồng (trong đó 3 tỷ tiền vay). Sau khi gần như full margin thì cú sập đầu năm 2018 diễn ra, và tôi nghĩ nó chỉ là ngắn hạn, rồi lại sẽ hồi phục lại nhanh thôi, vì lúc đó ai cũng nói VN-Index lên 1.500-2.000 điểm. Tôi không cắt margin mà vẫn gồng lỗ, sau 2 tuần tài khoản bay 1,2 tỷ đồng. Thực sự lúc đó tâm trí không ổn định được nữa nên chấp nhận bán hết và rời thị trường”, anh Tùng nói.

Dư nợ margin toàn thị trường (tính đến 31/5) lên cao kỷ lục 112.100 tỷ đồng, tăng 31.200 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10.700 tỷ đồng so với cuối quý 1/2021. Hai phiên gần đây, VN-Index lao dốc hơn 55 điểm, giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh, nằm sàn la liệt khiến ác mộng “margin” đè nặng tâm lý nhà đầu tư.

Phiên giao dịch ngày 8/6, hệ thống HOSE tiếp tục gặp lỗi, hàng loạt nhà đầu tư “dò dẫm” đặt lệnh, vì bảng điện tử đứng hình, chỉ số, thanh khoản không cập nhật từ 9h45 cho tới hết phiên sáng. Nhiều nhà đầu tư bức xúc gọi đó là tình cảnh “nhắm mắt” giao dịch chứng khoán, giẫm đạp lên nhau tìm lối thoát mỗi phiên thị trường đỏ lửa mà HoSE lại bị đơ.

Cuối tuần qua, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, hiện tại, một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần. Đặc biệt, ông Sơn nhận định, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao, tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh. Ông Sơn cho rằng, nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng, đặc biệt là quản trị rủi ro. Những yếu tố rủi ro vĩ mô cần được theo dõi kỹ lưỡng, đánh giá sâu, bởi thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với những biến động vĩ mô, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

MỚI - NÓNG