Nhằm tận dụng tối đa tài nguyên đất đỏ bazan màu mỡ hai triệu hécta ở độ cao 500-600 m so với mặt nước biển chiếm 66% tổng diện tích đất bazan cả nước, cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên chiếm 43% diện tích cây trồng công nghiệp cả nước. Cây công nghiệp mũi nhọn là cà phê chiếm 85%. Tiếp đến là chè 25% - chỉ thứ hai sau trung du và miền núi Bắc Bộ. Đấy là chưa kể cao su chiếm 20% và điều 20%.
Khai thác thế mạnh địa lý và tài nguyên là tất nhiên và là một trong những yếu tố cấu thành sức mạnh quốc gia. Thế nhưng dường như chúng ta thiếu hẳn hai sự chuẩn bị chiến lược đều liên quan đến con người.
Thứ nhất, xét về tự nhiên, vùng cao nguyên khí hậu cận xích đạo hai mùa rõ rệt này không phải là nơi thích hợp để xây các hồ chứa nhân tạo có thể cấp nước vào mùa khô cho các quy hoạch cây công nghiệp vừa tham vọng vừa phá vỡ vòng tuần hoàn sinh thái nước đặc thù. Đấy là bài toán khó cho một nơi rộng 54.000 km2, rộng thứ hai trong số bảy vùng kinh tế, với cấu trúc không phải là cao nguyên duy nhất mà là một loạt cao nguyên liền kề, được bao bọc về phía đông bởi các dãy núi và khối núi cao là Trường Sơn Nam.
Tiềm năng thủy điện chiếm 21% tiềm năng toàn quốc đã được khai thác gần như hết. Đánh giá mới đây của Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường (ICEM) cho thấy chỉ cần sử dụng hồ chứa của Thủy điện Yali thôi cũng có thể giải khát rất nhiều cho Tây Nguyên. Vậy mà người ta hầu như không tính đến tính năng thủy lợi vào mùa khô từ các hồ thủy điện, cung cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt. Vì sao chưa đến 20% lượng nước chứa ở các hồ thủy điện được đưa vào phục vụ cứu khát cho bà con?
Thứ hai, Tây Nguyên chỉ có 4,4 triệu người, thấp nhất trong số bảy vùng kinh tế nhưng cơ cấu dân số lại có vấn đề. Di dân không kiểm soát khiến người dưới xuôi lên Tây Nguyên ngày càng đông. Người Kinh 78-80% dân số Tây Nguyên mang theo ít nhiều tập quán xài nước lãng phí từ truyền thống lúa nước.
Đừng để khát nước kinh niên làm trầm trọng thêm sự thiếu công bằng trong tiếp cận nước mà, ở đó, những người giàu có cơ hội hưởng nhiều vùng đất thuận lợi. Chớ để thiếu công bằng nguồn nước làm xói mòn cơ cấu cổ truyền buôn làng và đời sống tâm linh tiết kiệm nước của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.