Bé An bất an

Bé An bất an
TP - Tôi là An. An 3 tuổi. Sáng, mẹ vội vàng đưa An đến chỗ trông trẻ để kịp vào nhà máy, nơi mẹ làm công nhân. Trên đường, An rất sợ vì xe cộ đông đúc, sợ gặp tai nạn mà đầu không mũ bảo hiểm.

Đến lớp, An sợ cô giáo cho dù có lúc An không được khỏe, An ngán những thứ đồ ăn vừa thiếu chất, vừa có nguy cơ ngộ độc. Nhưng nếu không ăn, An có thể bị cô bảo mẫu, người chưa qua trường lớp đào tạo nào, thậm chí có cô còn chưa biết chữ, cho ăn đòn. Tát còn là nhẹ, lắm lúc cô “điên” lên còn dúi đầu An vào thùng nước. An cũng sợ bị sặc cháo, bị đụng dây có điện, bị bỏng nước sôi, bị đủ thứ khác. Chiều, hôm nào mẹ không tăng ca, được về sớm một chút, thương con mua cho cái bánh chuối ở cổng trường, An lại sợ bánh được rán bằng dầu thải. Nói chung là An rất có nhiều nỗi sợ.

Chỉ cần “cụ thể hóa” mọi thứ qua mắt một bé An tưởng tượng nhưng với những gì đã và đang xảy ra trong thực tế, có thể thấy các bậc làm cha làm mẹ hiện nay vất vả, căng thẳng thế nào khi nuôi con nhỏ (lớn lên lại có những vất vả, căng thẳng khác). Và cũng qua đây có thể thấy rõ chúng ta đang “dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, thế hệ tương lai” như thế nào. Có một thực tế là nhiều bậc phụ huynh  “có điều kiện” ưa thích đưa con vào trường mầm non công lập, cũng vì dựa trên một thực tế khác: trường công thường tốt hơn trường tư và đương nhiên là tốt hơn nhiều so với các cơ sở giữ trẻ tư nhân, điểm, nhóm giữ trẻ “tự phát”. Tuy nhiên, cần phải chấp nhận một thực tế khác nữa, là nếu chỉ trông vào trường công thì sẽ chẳng bao giờ đủ  chỗ cho con em chúng ta và với xu thế của thời đại, của xã hội, tư nhân hóa là bước đi không thể đảo ngược, và thực ra cũng chẳng cần phải đảo ngược. Vấn đề mấu chốt nằm ở cung cách quản lý của cơ quan chức năng. Rất nhiều lĩnh vực tư nhân làm tốt thì không có lý gì trường mầm non tư thục lại cứ luôn kém hơn trường công. Cơ sở mầm non ngoài công lập, dù có “mọc lên như nấm” thì đó không phải là cái tội, mà điều này xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Và nói tình trạng bát nháo trường mầm non, trẻ mất an toàn khi đến trường do “một số cơ sở mầm non thiếu ý thức, chạy theo lợi nhuận” là đúng nhưng chưa đủ và chưa đi đến bản chất của vấn đề: sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng như các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý địa phương.

Chừng nào bé An còn chưa cảm thấy an toàn, an vui để “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, chừng đó chúng ta còn chưa làm hết trách nhiệm với thế hệ tương lai.    

MỚI - NÓNG