Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Tôi cũng không thể hình dung được những điều sau đây tôi viết về Nguyễn Trọng Tín, nhà văn, nhà thơ, hay viết về một người bạn tri kỷ của mình. Bởi chúng tôi đến với nhau nhiều năm nay, chưa khi nào có sự tách bạch rạch ròi cả. Nguyễn Trọng Tín vốn không phải là nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp. Chính anh cũng không có ý định ấy ngay từ những ngày đầu cầm bút. Ở xứ đất Mũi thời chiến tranh chống Mỹ anh là một cán bộ Đoàn. Một cán bộ Đoàn cầm súng cũng giống như các cán bộ dân sự thời ấy. Đã ra “R” là trước hết phải biết cầm súng chiến đấu. Trước hết phải làm chiến sĩ, làm người lính đúng theo nghĩa của từ ấy. Rồi mới thực hiện được nhiệm vụ của mình.
Cuộc ra đi dấn thân vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đối với anh, cũng giống như hầu hết bạn bè cùng lứa, vừa hồn nhiên, trong sáng vừa rất lãng mạn. Không tính toán, so đo. Cũng không hình dung rồi đây mình sẽ làm gì. Giải phóng xong thời làm chi cũng được. Miễn là Giải phóng! Nhưng rồi như định mệnh. Chính cuộc ra đi ấy đã tạo nên anh, Nguyễn Trọng Tín, nhà văn. Và Nguyễn Trọng Tín, nhà thơ.
Anh viết văn và làm thơ sớm hơn ngày ra đi, nhưng phải có ngày ra đi ấy, anh mới thành Nguyễn Trọng Tín bây giờ.
Tóm lại là như vậy.
Ông em ruột của Nguyễn Trọng Tín là nhà văn Nguyễn Trọng Nghĩa. Tín nói oang oang vỡ nhà vỡ cửa còn Nghĩa lầm lầm lì lì, cả ngày cả đêm không nói.
Nói tới Nguyễn Trọng Tín, trước hết người ta nhớ tới “Bè Trầm” một thiên tiểu thuyết vừa - vừa đúng theo nghĩa của thể loại này. Anh viết trước đó đã nhiều truyện ngắn nhưng ít ai nhớ. Nói đúng hơn là ít ấn tượng. Có lẽ độ chín của thời gian đã hun đúc, đẩy anh tới “Bè Trầm” một cách mạnh mẽ không cưỡng nổi. Câu chuyện giản dị, hồn nhiên về mấy người lính thương binh sau cuộc chiến ở một trại thương binh nặng: Mỗi anh mất một thứ và anh nọ bù anh kia. Họ sống hồn hậu. Tự nhiên, không mặc cảm về sự mất mát của mình, nhưng họ rất ý thức được cuộc sống khó khăn trước mắt. Họ tự lực để vươn lên hơn là trông vào sự nâng đỡ của người thân. Sức mạnh của niềm vui và nỗi buồn được họ lạc quan hoá, tạo nên vẻ đẹp chất phác khiến người đọc tự nhận thức được trách nhiệm của mình.
Văn Nguyễn Trọng Tín lôi cuốn không phải vì anh có câu chuyện hay, được kể chuyện bởi giọng kể chân thành, mộc mạc như một vài người đánh giá. Cá tính sáng tạo trong giọng văn Nguyễn Trọng Tín xuất phát từ tâm hồn đa cảm giàu chất thơ, lại được tiết chế bởi ý thức dựng truyện dân dã, giản dị. Anh là nhà văn Nam bộ đầu tiên không lạm dụng ngôn ngữ nói của người Nam Bộ vốn rất đặc trưng, dễ nhận biết.
Đọc “Bè trầm” ta tiếp nhận được chiều sâu tâm hồn của người Nam Bộ hơn, là bè nổi của ngôn từ. Có lẽ chính vì vậy mà anh khác các nhà văn lớp đàn anh, nhưng vẫn giữ được cái cốt cách thật hào hiệp dễ thương và cả sự thô tháp đáng yêu nữa. Sự bứt phá tự vượt lên trên những gì đã có, cũng như sự bứt phá tự vượt lên chính bản thân mình không phải bằng cách cố gắng lập truyện, tạo giọng, mà nó được gây dựng rất công phu bởi vốn văn hoá “tự cung tự cấp tự lo” nhiều hơn là được ngồi nghe giảng trên bục ghế nhà trường.
Mẹ Tín là một bà mẹ mang đủ các đặc điểm đặc sắc nhất của người mẹ miền Nam. Cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, má tần tảo nuôi chồng nuôi con cùng với các chiến sĩ quân giải phóng, mà đặc biệt là Trung đoàn Sông Hương, một Trung đoàn bộ đội toàn người miền Bắc chiến đấu tận Cà Mau. Tôi đã có lần được má “giao nhiệm vụ cùng thằng Tín” về tận quê chú Ba Chi ở một làng quê bên đường 5 của tỉnh Hải Dương, thăm chú lâu rồi ra sao. Cuộc gặp gỡ cảm động và sôi nổi với những mẩu chuyện “ôn cố tri tân” của gia đình chú Ba Chi, giống như chúng tôi lâu ngày xa quê về thăm ba má mình vậy.
Tôi nhiều lần từ ngoài Bắc vô Cà Mau chơi với Tín và các bạn bè, đã từng rong ruổi với anh mấy tháng trời trên sông nước, kinh rạch quê hương anh, cùng lai rai với mấy anh Bẩy Hoe, Tám Tài và nhất là về Bến Vựa được Khánh Hồng đưa về nhà chơi, được má Khánh Hồng đêm đêm tấn mùng, được em gái giặt đồ. Rồi theo giỏ lải về thăm má con chị Năm Nga ở Cái Nước. Bây giờ chị Năm Nga và các cháu thế nào rồi ta? Trời ơi sông nước mênh mang, tình người lai láng, niềm vui tràn trề, chúng tôi đều còn trai trẻ khoẻ mạnh, vô tư. Miệt vườn, kinh rạch cưu mang chúng tôi.
Đi với Tín với các bạn Cà Mau, mới thấy anh là người yêu quê hương xứ sở đến nhường nào. Có thể nói anh là người lặn ngụp với quê hương. Những đêm đom đóm huyền thoại trên kinh rạch, những bữa nhậu tối ngày trên Đầm Dơi, Cái Nước cùng những người bạn du kích năm xưa, “hồi ký” lại những tháng năm khốc liệt. Và anh tự ví mình như con đom đóm thôn dã trong làng văn nghệ. Anh không có tài khoa trương, tự nói về mình, nhưng, anh có thể thức khuya tán gẫu suốt đêm, không phải chỉ chuyện gẫu với anh em văn nghệ, mà anh chuyện gẫu với mọi người, mọi giới. Nhất là với bà con xóm mạc, với bạn “R”.
Anh hoà nhập với cộng đồng nhưng không đánh mất cá tính lãng tử của mình. Ở đâu anh cũng hồn nhiên nhưng sau đó vẻ suy tư đọng lại thật kín đáo trên những nếp nhăn sớm hằn và nhất là trên khoé miệng cười không tươi được của anh. Mới tiếp xúc với anh, người ta dễ hiểu lầm anh là người buông thả, ham vui, ham nhậu. Nhưng mấy ai cảm thông được sau các cuộc vui anh tự “nhậu” chính mình. Bản tính trầm uất không nguôi ngoai của cuộc sống anh tạo nên cá tính sáng tạo của nhà văn. Anh không cởi mở nhiều, nhất là với những người xa. Còn với người thân và bạn bè “ruột” thì anh thả dàn. Tôi đã có vài lần nhậu say với anh cùng nhà văn Bảo Ninh. Bảo Ninh suốt đêm gầm gừ, còn anh thì suốt đêm “gào thét”. Anh “chọc” Bảo Ninh viết “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm hay nhứt về… đường sắt Việt Nam.
Rồi Tín lặp đi lặp lại bảo rằng “tui là thằng anh lớn của cả bọn”.
Tôi cũng đã có nhiều lần ngồi trắng đêm với anh uống cùng ông em ruột của anh là nhà văn Nguyễn Trọng Nghĩa. Rượu vào lời ra. Tín nói oang oang vỡ nhà vỡ cửa còn Nghĩa lầm lầm lì lì, cả ngày cả đêm không nói. Ngồi uống tì tì, cười cười hoài ngó dị. Nhưng có một lần say quá, tôi bắt gặp Nghĩa trở thành anh chàng khác, líu líu lo lo ròng cả đêm luôn. Người thì nhỏ mà giọng thì vang. Tín và Nghĩa là hai anh em ruột và là hai thằng bạn nhậu tâm đắc hiếm có.
Với Tín, tinh thần trách nhiệm tạo nên cuộc sống nội tâm anh buồn nhiều hơn vui. Buồn, anh tìm đến với thơ, đến bạn nhậu đọc chơi. Anh đọc thơ sang sảng. Thơ anh già hơn anh. Bạn anh già hơn anh. Anh thích chơi với các nhà văn cao tuổi như Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyên Ngọc, Kim Lân. Ở họ, đối với anh là mẫu mực sáng tạo, mẫu mực sống. Anh quấn quýt bên họ như con trẻ với bố già. Anh lai rai cùng các cụ như những người bạn tri âm. Và anh coi mình là học trò, là đệ tử, là thằng rót rượu. Những lúc say tít mù với các bậc đàn anh, Tín vẫn giữ lấy cái tình, cái nếp của riêng mình. Suồng sã nhưng không xấc láo, có trên có dưới, có thầy có trò hẳn hoi.
Tập thơ “Gặp lại một vầng trăng” của Nguyễn Trọng Tín là một tập thơ làm sau những cuộc vui, lấy cái buồn của cuộc vui rớt lại làm chỗ tựa cho niềm tâm sự. Tâm sự với mình, với bạn mình, với con mình. Thơ anh sâu, nặng. Không triết lý xa xôi, không làm dáng, khuôn mẫu, sáo mòn, mà hồn hậu, đượm buồn. Nỗi buồn trong thơ anh tạo nên vẻ đẹp trang trọng: “Chút tự bạch năm 1980” - “Đám giỗ ở kinh Hàng Gòn” - “Có mười sáu cuộc chiến tranh” - “Sinh nhật” - Hà Đông” - “Gặp lại một vầng trăng” - “Nhà mình” - “Khúc ca viễn xứ” - “Đêm ba mươi tết nghe tiếng trống”.
Tôi đã có nhiều lần vì yêu văn anh mà khó chịu về cái sự làm thơ nhiều của anh. Nay đọc lại mấy tập thơ thì thấy mình có lẽ sai rồi. Anh đã bảo làm văn làm thơ không phải để cho tôi khen chê, mà là để cho anh được tự do thể hiện mình. Đúng hơn, anh tự sự với mình. Thế thì tôi chịu vậy. Và tôi xin trích bốn câu thơ của bài thơ cuối cùng trong tập thơ mới xuất bản của anh để câu thơ tự nói.
“Riêng tôi ngồi đây/ Tự dưng muốn khóc/ cho một cánh chuồn mỏng manh…”
Nhưng nói đến Nguyễn Trọng Tín thì nhất thiết không thể không nói đến văn xuôi, mà tôi phải nói thêm về “Bè trầm”. Một nhà văn trẻ, khi viết “Bè trầm”, Nguyễn Trọng Tín còn khá trẻ. Nhưng cách dựng truyện, xây dựng tính cách nhân vật trên một cái cốt truyện hay như truyện dân gian ở vùng sông nước sau chiến tranh, vừa đậm chất lính tráng lại vừa đậm chất dân dã. Một anh thương binh mù cõng anh thương binh sáng mắt, nhưng cụt hai chân, họ di chuyển được nhờ anh còn chân nhưng cụt hai tay, các anh sống chung trong trại thương binh nặng, con người ta có sáu giác quan, anh mất cái này, anh mất cái kia, nương tựa vào nhau, lúc buồn tê tái, khi vui nổ trời. Nhưng kết cục nào cũng đau lòng. Không cường điệu. Không thi vị hoá. Không cả tự nhiên chủ nghĩa. Anh dựng truyện xoay quanh cái cốt truyện hay đến mức, sau khi đọc xong nhà văn Nguyên Ngọc phải thốt lên: Đây là một thiên truyện hay, hay và độc đáo viết về thời hậu chiến. Tôi muốn nói thêm rằng, chính Nguyễn Trọng Tín cũng không hề nghĩ được rằng, mình đã viết được một thiên truyện hoàn hảo đến mức không thể thêm bớt.
Đó là dấu ấn của cuộc dấn thân trong sáng tác văn học của anh. Có thể bây giờ anh không quan trọng gì về chuyện đó, nhưng “Bè trầm” thì cực kỳ quan trọng đối với nhà văn Nguyễn Trọng Tín. Trong làng văn Nam Bộ, anh hiện lên cũng như trong bát ngát mênh mông ruộng đồng kinh rạch của đồng bằng sông Cửu Long. Đêm đêm trên những chòm cây thường có một vài quầng sáng kỳ ảo chấp chới, đó là ánh sáng hư ảo của những quầng đom đóm, của vẻ đẹp đặc thù chỉ nơi đây mới có. Mà Nguyễn Trọng Tín chỉ là một con đom đóm thôn dã trong quầng sáng ấy.
Nhà văn Nguyễn Trọng Tín và nhà thơ Trần Hữu DũngĐọc sách có “kế hoạch”
Nguyễn Trọng Tín đọc nhiều đến ngạc nhiên. Anh thuộc Nguyễn Bính và yêu văn Kim Lân. Nhà anh la liệt chỗ nào cũng sách. Trong nhà, ngoài sân, trong nhà vệ sinh, lên trên gác lửng, chỗ nào cũng có giá hay giỏ đựng sách. Anh yêu sách, quý sách đã đành. Mà anh đọc sách có “kế hoạch”, theo “quy hoạch” hẳn hoi. Tháng này, năm này đọc văn học Pháp là chỉ đọc văn học Pháp. Tháng sau đọc văn học Nga là chỉ văn học Nga. Đọc cổ điển trước, đọc các sách thuộc dòng văn học khác sau. Anh thuộc diện nhà văn tự học, tự đọc, nạp kiến thức văn chương từ nguồn đọc là chính. Sinh ra lớn lên là con nhà nông dân Nam bộ, như câu ca: “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát. Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông”. Nhưng cụ thân sinh ra anh là một nhà trí thức thời Tây. Một người có học rộng, lại có ý thức nuôi dạy các con rất sớm, rất bài bản theo lối dạy, lối học truyền thống. “Nhân bất học bất tri lý”. Có lần tôi theo anh về quê nhà anh, và tôi được cụ nói về cái sự khổ học ngày xưa cũng như sự rèn cặp của cụ đối với anh và các em anh.