Công Lý: Mặt địa phương, giọng trung ương

TP - Khán giả truyền hình trong - ngoài nước mến mộ lối diễn hài của Công Lý chủ yếu qua màn ảnh nhỏ. Từ những tiểu phẩm Gặp nhau cuối tuần, đến Gặp nhau cuối năm, Công Lý thành “sao hài”, là cái tên ăn khách của những show hài khắp sân khấu lớn nhỏ, khắp các vùng đất nước. Đến mức người ta quên mất anh là NSƯT, họ Nguyễn.

Sức mạnh của sóng truyền hình là cây cầu nhanh nhất để người xem nhớ mặt, thuộc tên Công Lý. Tính đại chúng của tivi đem đến nhiều cái lợi cho diễn viên sân khấu, nhưng cũng khiến họ “thiệt”, nhất là khi đa số khán giả “quên” đến Nhà hát. Khi Công Lý nổi tiếng, Nhà hát Kịch Hà Nội thêm sự đa sắc, một Nhà hát mạnh chính kịch, lại có một cây hài sáng giá. 

Công Lý: Mặt địa phương, giọng trung ương ảnh 1 Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Công Lý của sân khấu không chỉ diễn hài. Anh tham gia các vở lớn kinh điển, liên tiếp gần đây như: Lý đại gia vở Tình sử ngàn năm (giải A Hội NSSKVN năm 2010, giải thưởng VHNT Thủ đô tháng 3/2011); Hòe “bi đát” trong bản dựng lại vở nổi tiếng Hà My của tôi (kịch bản và đạo diễn (ĐD) Doãn Hoàng Giang), Nick mật thám vở kinh điển Hy Lạp Đảo Thần vệ nữ. 

Người ta còn ngỡ Công Lý sinh trưởng ở một tỉnh lẻ nào đó, vì những vai nông dân anh đóng. Anh là người Hà Nội, nhà 64 phố Trần Phú. Cậu học sinh trường Ba Đình từ nhỏ đã trèo sấu ở phố nhà. Anh đùa về người bạn thân: “Trung Hiếu mặt trung ương, giọng địa phương, tôi thì mặt địa phương, giọng trung ương”.

Công Lý “đắt sô” diễn hài, đóng phim, một trong các “soái” lồng tiếng điêu luyện, “ mạ giọng” được nhiều loại vai, làm bầu diễn viên, bầu lồng tiếng, đọc quảng cáo, không ngày nào không nghe thấy giọng Công Lý trên VTV, VOV. Khi Công Lý lồng tiếng vai trữ tình, tôi đã bị thuyết phục bởi sắc độ biểu cảm lãng mạn.

Tôi vẫn nhớ Công Lý gây chú ý từ vai đầu tiên, không phải kịch mà là phim truyền hình: anh Tưởng xe thồ lam lũ, chồng của Mơ (Ngọc Dung) phim Ảo ảnh giữa đời thường, (ĐD Trần Lực).

Đấy là vai đầu tiên trên màn ảnh nhỏ, lập tức gây ấn tượng. Anh đóng đạt sự thô ráp, lam lũ, quê mùa, rồi sau là các vai lấc cấc, đầu gấu, thô kệch, ngổ ngáo, thậm chí cục súc với làn da ngăm, vẻ mặt quê quê. NSND Hoàng Cúc phác họa: “Công Lý vẻ mặt và dáng điệu như bước xuống từ chuyến tàu hàng chạy đêm, lam lũ phũ phàng”.

Học cùng lớp tại Đại học Sân khấu Điện ảnh, về Nhà hát năm 1994 cùng Trung Hiếu, Công Lý ít vai trên sân khấu hơn. Nhà hát Kịch Hà Nội luôn tạo điều kiện cho diễn viên đi phim, vừa bảo đảm thu nhập đời sống, vừa được làm nghề, lại góp phần quảng bá cho Nhà hát. Vì được “chiều” mà Công Lý mải làm ngoài hơn chăng? “Không, tôi sẵn sàng bỏ phim để đóng kịch, dù vai phụ”.

Thành công của Công Lý trên sân khấu đến sau hơn 10 năm anh về Kịch Hà Nội. Vai Hòa, cậu thanh niên ngỗ ngược trong vở Điện thoại di động đem lại Huy chương Vàng đầu tiên của anh.

Vài năm nay, tóc anh đã đốm bạc. Công Lý để tự nhiên không nhuộm lại thêm “hóa trang” đài từ, dáng đi, đã đóng ngọt vai ông già. Khán giả rất thích thú khi xem màn đối thoại của Lại Văn Ủng (Phú Thăng) và ông bạn Hỏa vót tăm, thoại rất hay và cay: “Cả đời toàn ăn to nói lớn, không làm được gì có ích, già rồi mới vót được que tăm”, hay: “Răng yếu, rụng rồi, vót tăm cho thằng khác nó xỉa”.

Vai diễn đem lại Huy chương Bạc cho Công Lý, trong Liên hoan các vở kịch của Lưu Quang Vũ năm ngoái. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ĐD Điện ảnh truyền hình, Công Lý có thừa cơ hội về VFC (Trung tâm sản xuất phim THVN), anh cũng là phó ĐD phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc (36 tập), song ngôi nhà thân thiết của anh là Nhà hát Kịch Hà Nội.

Anh đã chọn, muốn gắn bó đời mình với nơi này từ trước lúc ra trường. Anh sẵn sàng bê vác đạo cụ, sốt vẫn lên sàn diễn ngoài bãi ngoại thành, đồng cam cộng khổ với Nhà hát, nơi có người thầy, thần tượng của anh - NSND Hoàng Dũng. 

Là con trai duy nhất của gia đình ba chị em, Công Lý duyên trong nghề, duyên trong đời, sự hào hoa không do điển trai, mà vẫn có sức hút. Ngôi nhà cũ ở Trần Phú đã bán, nơi anh gắn bó với nhiều kỷ niệm khi bố mẹ là công nhân viên Bộ quốc phòng, sống ở khu nhà binh, nay họ đã tuổi 70, chuyển về đường Giải Phóng từ 1995. Công Lý thuê nhà riêng, anh kín đáo về mối tình đang có của mình. 

Nhưng tôi đã nhìn thấy cô gái nhan sắc ấy khoác tay anh đến Nhà hát Lớn xem một chương trình. Công Lý tuổi 41 là cha của hai bé con. Bé Nguyễn Công Thục Anh (Kiến) đang học lớp 8 trường Thực Nghiệm trên phố Liễu Giai, sống cùng mẹ - nhà báo Thục Khuê (Hãng phim THVN). Bé Nguyễn Công Gia Bảo (Tít) sống cùng mẹ Thảo Vân ở tầng 9 tòa nhà Hacinco, học lớp 4 Trường tiểu học Phan Đình Giót gần nhà. 

Cu Tít rất yêu bố, là fan của bố. Thảo Vân thông minh, năng động, bản lĩnh, hiện là ủy viên BCH Công đoàn Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG. Chị có chiếc Kia Morning nhỏ, vừa làm việc ở trường vừa là MC chương trình Vui - Khoẻ - Có ích phát sóng VTV3 sáng thứ 7 hàng tuần. Dù có nhiều lời mời, chị vẫn gắn bó công tác tại trường nơi chị từng học. Với Thảo Vân, cu Tít là tài sản quý nhất, có cu Tít là đủ. 

Công Lý: Mặt địa phương, giọng trung ương ảnh 2 Công Lý vai Bắc Đẩu, ôm con trai

Phó trưởng đoàn Diễn viên 2 của Nhà hát Kịch Hà Nội hàng ngày đi làm bằng xe máy PS màu đen - màu anh thích nhất. Công Lý sử dụng Iphone, Ipad thành thạo, vật bất li thân. 

Đi diễn xa thì anh dùng ô tô Korando trắng. Sự tương phản trong sở thích này làm tôi bất ngờ như khi biết anh không thích hoa, nhưng lại trân trọng những phút giây lãng mạn, hay khuấy động mọi người bằng vai diễn ồn ào; song lại thích ra biển khi vắng người, một mình ngẫm ngợi. Giống tôi, anh thích đi biển mùa Đông.

“Tôi sẵn sàng bỏ phim để 
đóng kịch, dù vai phụ”

NSƯT Công Lý
Và anh đã gạt hết mọi lời mời đóng phim để tập trung làm trợ lý ĐD, kiêm đóng vai Ba Hổ - “đầu gấu” chợ Đồng Xuân nhiệt tình theo cách mạng, dũng cảm đi cắm cờ đêm 30 Tết, trên nóc Bắc Bộ phủ, vở Những người con Hà Nội (đã diễn tối 1, 2, 23, 28/8 và phát sóng Nhà hát Truyền hình VTV1 tháng 9 này). Công Lý đóng thật say mê, vì vở ra mắt đón kỷ niệm Nhà hát 55 năm, chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô, vì anh là một người con Hà Nội. 

Công Lý: Mặt địa phương, giọng trung ương ảnh 3

NSƯT Công Lý và Thanh Nhàn, vai vợ chồng Lận - Đận trong phim “Bão qua làng”

Làm tới nơi tới chốn

Hơn 10 năm, Bắc Đẩu chương trình Gặp nhau cuối năm phát VTV đêm giao thừa, là vai diễn khiến anh được mến mộ rất cao, anh nói giọng mái, hát các bài “lời hai” trong dáng điệu “cô Đẩu” diêm dúa. 

Điện thoại di động đã dự Liên hoan sân khấu quốc tế ở Masan, Hàn Quốc 2012 và Công Lý đã cùng ê kíp Gặp nhau cuối năm diễn ở Séc, Đức, Ba Lan, Pháp. Anh vẫn ước ao, những vở diễn hay của Kịch Hà Nội đến với kiều bào ở nước ngoài, bằng thế mạnh của Nhà hát. 

Một vai nhỏ trong phim nhựa Hoa ban đỏ, vai phụ Vua bãi rác hay Vũ điệu tử thần, Công Lý đều làm tới nơi tới chốn, khiến mỗi khi mời anh, có anh, thấy anh, mỗi tác phẩm phim nhựa, truyền hình, kịch, đều không bị khán giả bỏ qua cảnh có Công Lý.

Công Lý yêu sân khấu và đang sung sức. Từ 24/7/2014, VTV1 phát phim về đề tài nông thôn Bão qua làng. Thôn Đợi, có Lận - Đận, Công Lý là anh Đận cục mịch, thật thà, vợ chồng làm ăn chịu khó. Anh đóng cùng Thanh Nhàn tại làng Nhôm, Văn Lâm, Hưng Yên. Bộ phim đang gây chú ý.

MỚI - NÓNG
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
TPO - Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.