Ngày 3/12, Sở NN&PTNT TPHCM giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn đến bếp ăn tập thể tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN). Dù 200 doanh nghiệp (DN), đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp đã xác nhận tham gia, nhưng cuối cùng gần như chẳng có đơn vị nào xuất hiện tại chương trình kết nối này.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Phạm Huy Thông, Phó trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM, nói: “Hiện có khoảng 100 bếp ăn công nghiệp tại KCX-KCN, trong đó có nhiều dạng như nấu tại chỗ, đặt bên ngoài… Mức ăn có khi từ 15.000 đồng tới 25.000 đồng/suất. Tuy nhiên, có nhiều DN suất ăn chỉ 13.000 đồng. Với mức này, các bếp ăn rất khó để tiếp cận thực phẩm được giới thiệu tại buổi kết nối này”.
Trong vai người cần đặt suất ăn cho công nhân, trưa 3/12, chúng tôi tìm đến Cty HM chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho các công ty trong KCN Tân Bình và vùng lân cận. Nhân viên tên Thành chào mời, sẽ có chiết khấu cao cho khách đặt cơm số lượng nhiều và dài hạn. Ví dụ, khi khách hàng ký hợp đồng mua suất ăn giá 15.000 đồng, nơi đây sẽ nấu với chất lượng chỉ 12.000 đồng, 3.000 đồng còn lại chi cho người trực tiếp đến đặt bữa ăn.
“Tụi em sẽ định lượng dinh dưỡng khẩu phần ăn theo giá 15.000 đồng/suất gửi về công ty, nhưng thực tế chị chỉ cần thanh toán 12.000 đồng/suất. Hầu hết nơi cung cấp thức ăn nào cũng chiết khấu mức này hoặc hơn để giữ khách”, Thành nói. Trước câu hỏi với mức giá đó, thực phẩm có đảm bảo, có giấy tờ gì không, Thành ngập ngừng: “Chị đã chọn nơi đây thì phải tin tụi em, chứ tin gì một tờ giấy lộn. Bây giờ loại giấy nào mà chẳng mua được” (?!).
Chúng tôi liên hệ Cty TNHH Thanh Thanh (phường Phước Long B, quận 9), nhân viên tư vấn nói rằng, suất ăn ở đây trung bình có giá 15.000 đồng; thực phẩm đều đảm bảo an toàn và có giấy tờ. Tuy nhiên, nơi đây chỉ trưng ra được giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; còn các loại giấy tờ, hóa đơn mua hàng, xuất xứ hàng hóa thì chỉ khi nào khách hàng đặt suất ăn từ 1.000 phần trở lên mới cung cấp.
Tiền nào của đó
Có người quen phụ trách việc cung cấp suất ăn cho nhiều công ty ở KCX Tân Thuận, tôi đòi theo chị ra chợ mua thức ăn. Chị nói thẳng: “Em đi theo thấy thực phẩm lúc chưa sơ chế là khỏi ăn cơm luôn. Nói thiệt, bữa ăn chỉ có 13.000 đồng/người thì dĩ nhiên chất lượng chỉ khoảng 7.000 - 8.000 đồng, nhiều nơi còn đặt với giá thấp hơn. Với cái giá đó trong thời buổi giá cả leo thang thế này thì mình phải chọn thực phẩm thật rẻ, rau thịt cá cũng chủ yếu là hàng “dạt” (hàng tồn) từ các chợ, đó là còn chưa kể phải chi hoa hồng cho người của công ty nữa”. Theo chị, cơ sở đã có “lái” ở các chợ đầu mối, cứ chiều tối là họ tập kết hàng tồn trong ngày về cơ sở để chế biến với giá rất rẻ.
Theo Ban Quản lý các KCX-KCN, nhiều DN tại TPHCM công bố suất ăn có giá 13.000 đồng. Thử làm một phép nhẩm: trong 13.000 đồng đó, người đặt nhận chiết khấu 3.000 đồng, tiền công nơi nấu 2.000 - 3.000 đồng, nên giá thực tế của suất ăn chưa tới 8.000 đồng.
Chị Thanh Mận (công nhân may ở KCX Linh Trung, quận Thủ Đức) bày tỏ: “Suất cơm 13.000 đồng gồm có vài cọng rau xào, chút nước canh và món mặn thay đổi, có khi vài lát thịt kho, quả trứng, hoặc vài con cá nhỏ. Nhiều lúc còn thấy cả sâu trong rau, thịt cá có mùi… Tuy dở nhưng cũng phải ăn để có sức làm việc”.
Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo VietGap Trí Công (huyện Hóc Môn) nói: “Tôi đã nhiều lần giới thiệu heo sạch của mình đến nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp trên địa bàn thành phố nhưng gần như không ký kết được hợp đồng nào. Lý do, những cơ sở này phải bỏ thầu với giá cạnh tranh để lấy được hợp đồng, buộc phải sử dụng thịt heo kém phẩm chất mới có giá rẻ để ra được đồng lời”.
Trao đổi với một cán bộ Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TPHCM, vị này cho biết, với giá cả như hiện nay, bữa cơm công nhân tối thiếu phải ở mức 15.000 đồng, nếu chỉ 12.000 -13.000 đồng/suất như ở một số DN đang áp dụng sẽ không thể nào bảo đảm về chất lượng.
Theo kết quả khảo sát về bữa ăn ca của công nhân tại các KCX-KCN trong cả nước vừa được Viện Công nhân - Công đoàn công bố, bữa ăn công nhân chất lượng thấp, thiếu hụt dinh dưỡng. Trong khẩu phần ăn chỉ có 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% các chất bột đường. Từ bữa ăn thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ công nhân bị thiếu máu chiếm 24,6%.
TPHCM hiện có gần 4,1 triệu người lao động sử dụng suất ăn, khoảng 280.000 lao động trong KCX-KCN sử dụng suất ăn hằng ngày. Thực phẩm tại các KCX-KCN được cung cấp từ 71 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 67 bếp ăn tập thể hợp đồng thuê nấu, 3 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Nhiều DN hợp đồng suất ăn chỉ có 11.000 đồng nên chất lượng bữa ăn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Đồng Nai nói. Bác sĩ Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đồng Nai, cho biết, kiểm tra 27 bếp ăn tập thể, có 4 bếp của DN lớn với hàng ngàn công nhân không đạt yêu cầu.
Mạnh Thắng