Biểu hiện cụ thể nhất là những kệ hàng trong nhiều siêu thị, chợ lớn từ Bắc chí Nam ngồn ngộn đủ loại hàng hóa, từ đồ gia dụng, đồ điện tử, may mặc đến các loại nông sản ngoại nhập, cho dù Việt Nam luôn tự hào là nước nông nghiệp. TPHCM rất gần với vựa lúa gạo ĐBSCL, nhưng chỉ cần ra một cửa hàng bán gạo bất kỳ cũng có thể thấy gạo nhập ngoại được bày bán.
Tại thành phố đông dân nhất nước này, ngoài gạo Thái Lan khá phổ biến, còn có cả gạo Hàn Quốc và gạo Nhật Bản. Có lẽ chưa thể cảm nhận được (nếu có) vị ngon vượt trội của gạo Hàn hay gạo Nhật, nhưng một số người tiêu dùng Việt Nam có thu nhập cao nói họ “yên tâm” với những túi gạo nhập khẩu từ Hàn Quốc được đóng gói trong bao bì hút chân không, có đầy đủ nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng và các chỉ số dinh dưỡng, cho dù giá bán không hề rẻ: 140.000 đồng/kg, gấp 10 lần gạo nội.
Rồi còn đó nho Mỹ, dưa vàng, táo Úc, New Zealand… Một số siêu thị tại TPHCM nay chỉ thấy bày bán thịt bò Úc. Tại Hà Nội, các phóng viên Tiền Phong nói bò Úc cũng đang chiếm lĩnh thị trường, bánh kẹo ngoại từ các nước Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… áp đảo các kệ hàng với mẫu mã bắt mắt, giá lại rẻ hơn hàng nội, cho dù doanh nghiệp đã phải chi nhiều hơn cho phí nhập khẩu. Dễ hiểu là lượng tiêu thụ hàng ngoại của nhiều cửa hàng bánh kẹo trong dịp cận Tết này gấp 3 lần hàng nội. Đối với người tiêu dùng, có thêm lựa chọn, hàng hóa phong phú, chất lượng tốt mà giá rẻ thì không có gì phải phàn nàn.
Tuy nhiên, rõ ràng đây là thách thức của hàng nội, của các doanh nghiệp trong nước. Hàng hóa khó tiêu thụ, sản xuất đình đốn là cơn ác mộng của không chỉ các ông chủ doanh nghiệp mà còn là việc làm, thu nhập của những người làm công. Không những vậy, một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hàng ngoại nhập luôn tiềm ẩn rủi ro.
Chỉ có điều, đã tham gia nền kinh tế toàn cầu và hiểu rõ rằng đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, vấn đề lớn đối với mỗi doanh nghiệp là cần phải làm gì để tồn tại và phát triển trong sự hội nhập ấy. Có ai đó đã nói, kẻ thất bại luôn lấy khó khăn, thách thức để giải thích cho thất bại của họ, nhưng người khôn ngoan và lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong thách thức.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong lúc bị cạnh tranh, thậm chí là bị vùi dập dữ dội từ sức ép bên ngoài, đây là thời điểm để nền kinh tế nói chung và mỗi doanh nghiệp nhìn nhận rõ nhất điểm yếu của mình, cũng qua đó xác định rõ cơ hội cải cách, tái cơ cấu, điều chỉnh các chiến lược để tồn tại và vượt lên.