Cô gái nhỏ 'thổi hồn' vào Cỏ Bàng xứ Huế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày càng có nhiều người ý thức hơn về các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thấu hiểu được thị hiếu của khách hàng, sản phẩm cỏ bàng cho ra đời vừa hợp thời vừa giữ được nét đẹp truyền thống và hướng đến lối sống xanh. Có một cô gái nhỏ đang từng ngày hồi sinh một nghề truyền thống.

Từng theo học chuyên ngành Kiểm toán, trường Đại học Kinh tế Huế (Đại học Huế), song Lê Thùy Nhi (23 tuổi) lại say mê với những sản phẩm từ cỏ Bàng - một làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử của vùng đất Cố đô Huế.

Ngay từ nhỏ, Lê Thùy Nhi đã có đam mê về thời trang và các dự án xã hội nhưng chưa tìm được đúng đường đi của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thùy Nhi vào làm ở một công ty chuyên về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Khi được hỏi về lý do bén duyên với làng nghề Cỏ Bàng, cô gái trẻ tâm tình: “Gia đình mình không làm nghề truyền thống, tuy nhiên, được thừa hưởng năng khiếu về hội họa và nghệ thuật từ mẹ, mình lại càng say mê với loài cỏ mỏng manh này.” Vốn là học sinh chuyên Sinh của trường THPT Chuyên Quốc học Huế, niềm say mê với thiên nhiên và môi trường đã thôi thúc cô gái 9x này gắn bó với sợi Cỏ Bàng quê hương.

Làng nghề hồi sinh nhờ tâm huyết người trẻ

Dự án “Cỏ Bàng Huế” được Nhi và các cộng sự bắt đầu thực hiện vào cuối 2019. Hai năm trước, chị Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc công ty mà Nhi đang làm việc là người đã về làng nghề đệm Bàng Phò Trạch để xây dựng xưởng sản xuất và trồng thêm ruộng Bàng, sau đó, Nhi là người tiếp tục phát triển dự án. Nhi nói: “Ở thời điểm đó, những chiếc túi đầu tiên ra đời đã là một thành tựu lớn của người dân làng nghề. Tuy nhiên, các sản phẩm còn đơn giản về mẫu mã và không còn hợp thời.”

Sau hơn một năm đặt tâm huyết tìm hướng phát triển mới nhằm nâng cao chất lượng cũng như giá trị cho sản phẩm, cô gái trẻ say mê với làng nghề truyền thống này đã quyết định mang dự án tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 và đã đạt giải Nhì. Mục đích tham gia cuộc thi này là nhằm quảng bá dự án và mong muốn được người trẻ hiểu hơn về giá trị gìn giữ, phát triển nghề truyền thống. Nhi chia sẻ: “Khó khăn nhất khi thực hiện dự án là phát triển vùng nguyên liệu và nguồn lực, vì đa phần người dân đều theo tư tưởng muốn tự làm, tự chủ như trước.”

Cô gái nhỏ 'thổi hồn' vào Cỏ Bàng xứ Huế ảnh 1

Dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân

So với những công việc hiện đại, có lẽ thu nhập từ làng nghề truyền thống không quá cao lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Chia sẻ về lựa chọn này, Nhi tâm sự rằng: “Là người trẻ, mình muốn trải nghiệm nhiều hơn với đam mê, kiếm tiền không phải là mục đích quan trọng nhất mà mình hướng tới.”

Sản phẩm làm từ Cỏ Bàng không còn được sử dụng nhiều so với 10 năm trước bởi độ bền và tính ứng dụng chưa cao. Trước đó, các sản phẩm Cỏ Bàng được xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Mỹ bởi nhựa và nilon chưa phổ biến như bây giờ. Để phục hồi làng nghề là cả một quá trình về phát triển sản phẩm và đào tạo tay nghề đồng thời còn là câu chuyện đẩy mạnh đầu ra của sản phẩm.

Cỏ Bàng Huế bừng sức sống mới

Sự phát triển của thị trường bây giờ, đặc biệt là qua đại dịch COVID-19, càng có nhiều người ý thức hơn về các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thấu hiểu được thị hiếu của khách hàng, sản phẩm Cỏ Bàng cho ra đời vừa hợp thời vừa giữ được nét đẹp truyền thống và hướng đến lối sống xanh.

Điểm nổi bật trong dự án này là chủ động trồng nguyên liệu theo hướng hữu cơ: không chất bảo quản, nhuộm màu và không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác. Đến nay, diện tích ruộng Cỏ Bàng bao gồm cải tạo giống, phục hồi và trồng thêm nguyên liệu là 9ha. Hiện tại, sản phẩm Cỏ Bàng đã được phân phối hầu hết trên toàn quốc, ngoài ra, còn được biết đến ở thị trường Đức, Pháp, Mỹ qua đường tiểu ngạch. Trong tương lai, Nhi cùng nhóm cộng sự của mình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng đồng thời chuẩn bị hồ sơ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Cô gái nhỏ 'thổi hồn' vào Cỏ Bàng xứ Huế ảnh 2
Cô gái trẻ Lê Thùy Nhi (giữa) và những sản phẩm Cỏ Bàng truyền thống

Để nâng cao chất lượng, việc sử dụng chất Nano bạc để tăng độ bền, chống ẩm đã được ứng dụng vào quy trình hoàn thiện sản phẩm. Nhi cho biết: “Việc nhuộm màu sẽ ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống, vì vậy, nhóm họa sĩ đã trực tiếp vẽ tay lên từng sản phẩm”.

Ý tưởng kết hợp sản phẩm truyền thống cùng với quảng bá văn hoá Việt cũng đã được cô gái trẻ này thực hiện trên chất liệu Cỏ Bàng. Nhiều sản phẩm như nón lá, túi xách,... đã được ký họa bởi các hình vẽ đặc trưng của Huế như Cung đình, Đại Nội, hay hoa sen.

Năm 2021, sản phẩm từ Cỏ Bàng của Nhi cũng được biết đến nhiều hơn và nhận phản hồi tích cực khi tham gia lễ hội Tết Việt tại TPHCM. “Việc tham gia các sự kiện là cơ hội để tiếp cận được khách hàng cũng như quảng bá văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam” - cô nói. Ngoài ra, đã có nhiều show trình diễn áo dài của Huế đã kết hợp với sản phẩm túi Cỏ Bàng, tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và thời trang.

Trong xã hội có nhiều biến chuyển, đặc biệt là nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống là một thách thức được đặt ra.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Nhi cho biết: “Sắp tới, sản phẩm Cỏ Bàng sẽ kết hợp với làng nghề lụa tơ tằm Hà Nội và liên kết mạnh hơn nữa với làng nghề dệt Zèng A Lưới trên địa bàn tỉnh”. Không chỉ tập trung phát triển làng nghề truyền thống Cỏ Bàng, việc gắn kết các làng nghề với nhau còn tạo ra ý nghĩa cho sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần là chạy theo thời trang.

Là loài cỏ mỏng manh nhưng mang trong mình sức sống mãnh liệt - Cỏ Bàng cũng giống như nhiệt huyết của người trẻ tiếp nối ngọn lửa đam mê với làng nghề truyền thống. Hy vọng rằng lớp trẻ sẽ hiểu được giá trị, giữ được tình yêu với nét đẹp văn hóa truyền thống để không bị mai một.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).