Cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nên theo hướng nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Về cơ chế giá dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để đồng bộ với Luật Giá thì xác định như thế nào, ai được quyết định vấn đề này? Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ về cơ cấu của giá dịch vụ khám, chữa bệnh cùng với Bộ Tài chính.

Lấy người bệnh là trung tâm

Sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trong đó làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua các giải pháp nhằm nâng cao quản lý chất lượng người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nên theo hướng nào? ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi

Về phạm vi của dự án Luật, đã phân định rõ giữa công tác khám bệnh, chữa bệnh và y tế dự phòng, theo đó, tại dự án Luật này sẽ chỉ quy định về vấn đề khám bệnh, chữa bệnh và các nội dung liên quan đến dự phòng, bao gồm: nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần), phòng, chống bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân sẽ được quy định trong dự án Luật Phòng bệnh. Bên cạnh đó, việc cho phép sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để chi cho một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có tính chất dự phòng như tầm soát ung thư sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm y tế.

Rà soát lại toàn bộ các chính sách để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”, theo đó đã chỉnh lý và hoàn thiện 10 nhóm chính sách.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc chỉnh lý Báo cáo đánh giá tác động theo hướng bổ sung, cập nhật đánh giá tác động đối với 10 nhóm chính sách, trong đó tập trung đánh giá tác động đối với quy định bỏ cấp phép hành nghề đối với chức danh y sỹ; sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh; kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề; phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi; bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Nhiều vụ việc liên quan trang thiết bị y tế

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, các chính sách được đề xuất đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng liên quan đến đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong tình hình mới. Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội và các cơ quan đề nghị làm rõ lý do của việc phải có giấy phép hành nghề (GPHN) đối với 6 nhóm chức danh (bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền) mà không áp dụng đối với những đối tượng khác cũng trực tiếp thực hiện công tác khám chữa bệnh (như y sĩ, cử nhân trị liệu tâm lý, cử nhân phục hồi chức năng...).

Đề nghị phân tích rõ hơn ưu điểm, hiệu quả của việc phân tuyến, phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để làm nổi bật sự cần thiết đổi mới của chính sách này. Đồng thời, cần quy định cụ thể về cơ cấu của mỗi tuyến chuyên môn kỹ thuật; phương thức, cách thức kết nối của các tuyến với nhau trong chuỗi cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh.

Về thời điểm trình Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đa số các Ủy ban của Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về tiến độ trình dự án Luật để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nên theo hướng nào? ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình một số vấn đề liên quan. Ảnh: Quochoi

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) còn chung chung, đề nghị đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực để thực hiện Luật này như đánh giá về nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của xã hội…

Ông Huệ cũng nêu, vấn đề tài chính - ngân sách, trang thiết bị y tế cho công tác khám chữa bệnh thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm, do vậy việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi và có khung khổ pháp lý thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải làm rõ một số vấn đề: giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần rà soát lại kỹ lưỡng các vấn đề này.

Vấn đề tài chính - ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh thời gian qua còn có nhiều sai sót, vi phạm nhưng dự thảo Luật quy định còn chung chung. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ Điều 85, Điều 86 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo mọi khoản khi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần làm rõ cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng các điều kiện gì thì được coi là cơ sở khám, chữa bệnh không vì mục tiêu lợi nhuận; rà soát lại các quy định hiện hành. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu kỹ hơn Điều 87, nhất là khái niệm chi phí chất lượng. Ngoài ra cần làm rõ cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thì gồm những loại gì.

Về cơ chế giá dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để đồng bộ với Luật Giá thì xác định như thế nào, ai được quyết định vấn đề này? Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ về cơ cấu của giá dịch vụ khám, chữa bệnh cùng với Bộ Tài chính.

“Hiện nay chúng ta chưa có cơ chế để quy định giá đối với cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp liên doanh, liên kết, hiện mới có giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Vậy chúng ta quy định như thế nào vấn đề này trong dự án Luật? Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ được hoàn toàn thì cơ cấu giá dịch vụ có được tính khấu hao hay không, cần tính toán thêm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo dự thảo Luật, Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc để đảm bảo thống nhất. Tuy nhiên, dự án Luật cũng đã phân cấp cơ sở khám chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn: khám, chữa bệnh ban đầu; cơ bản và chuyên sâu, do vậy, chi phí khám chữa bệnh mỗi cấp sẽ khác nhau, chưa kể đến sự khác biệt về chi phí khám, chữa bệnh theo vùng miền. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chăng Luật cần có quy tắc chung để xác định chi phí khám, chữa bệnh cho phù hợp với từng trường hợp trước khi giao Chính phủ và Bộ Y tế quy định.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu ấn định việc đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng thiết bị y tế từ nguồn NSNN, từ nguồn lực của các đơn vị sự nghiệp công lập để quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng ngân sách và nguồn lực công. Ngoài các thiết bị y tế như chi phí vật tư tiêu hao, thuốc cho khám chữa bệnh rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên chăng cần nghiên cứu bổ sung quy định khung về việc mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc cho khám chữa bệnh, chi phí vật tư tiêu hao, có thể giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.

Giải trình thêm về các vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội liên quan đến 10 nhóm vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng tới các nội dung của dự án Luật.

Bộ trưởng nêu rõ, trong Tờ trình đã nêu, cơ quan soạn thảo sẽ bóc tách rất kỹ 2 vấn đề theo đúng nguyên tắc: đối với y tế dự phòng thì sẽ chi theo NSNN; đối với khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ chi theo Luật BHYT. Hiện Bộ Y tế đang được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), trong đó nêu rõ vấn đề này theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro và đóng hưởng.

Về cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, cơ quan soạn thảo cũng trao đổi, thảo luận nhiều và cho rằng, nếu đưa ra khung cứng thì sẽ không tạo được sức cạnh tranh, không phát triển được y tế tư nhân. Nhưng có ý kiến cho rằng, phải quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Vấn đề này còn nhiều vướng mắc, do vậy Bộ trưởng cho biết hiện đang thực hiện theo nguyên tắc chung cơ chế thị trường để đảm bảo chất lượng của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.

Liên quan đến vấn đề cấp giấy phép hành nghề hay vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng sẽ tham khảo kinh nghiêm quốc tế và ý kiến của các chuyên gia. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi nhận và sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và tiếp tục làm rõ thêm các vấn đề trong quá trình xây dựng dự thảo Luật trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.