Sáng 15/2, phát biểu tại phiên họp thứ 8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong mấy ngày Tết, một số nguyên cán bộ lãnh đạo Hội đồng dân tộc, cơ quan của Quốc hội có trao đổi với ông về vụ việc "bắt vợ".
"Vụ việc này thực hư ra sao? Quan điểm của các đồng chí rất đúng, nó là hủ tục từ xưa rồi. Bây giờ có những cái như thế thì tuyên truyền, giáo dục như thế nào. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước và Uỷ ban Giáo dục, tôi cũng có nhắc đồng chí lãnh đạo rồi", ông Huệ nói.
Ông Huệ chia sẻ thêm, ông đọc qua báo chí được biết, qua kiểm tra sơ bộ thì sự việc chỉ là trêu đùa nhau. "Một cô bé 14 tuổi và cậu bé 16 hẹn nhau trên mạng, rủ nhau đi chơi. Các đồng chí cũng nên có kiểm tra, dư luận quan tâm chuyện đó. Hủ tục từ ngày xưa nhưng tại sao lại để nó kéo dài", ông Huệ nêu thêm, đồng thời cho rằng, bất cứ chuyện gì xảy ra có tác động xã hội thì các cơ quan của Quốc hội phải chủ động vào cuộc.
"Qua việc này thì Hội đồng Dân tộc, các cơ quan phải chủ động. Trong lĩnh vực của mình có vấn đề gì nổi lên phải chủ động. Vừa làm công tác dân nguyện, vừa làm công tác giám sát. Phối hợp Mặt trận, cơ quan Chính phủ kiểm tra, làm rõ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Báo cáo thêm về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua tìm hiểu, các nhân vật trong clip lan truyền trên mạng xã hội có quen biết nhau. "Hủ tục là việc không nên", ông Vinh nói, đồng thời cho biết, ở vụ việc vừa qua, khả năng gây hậu quả nghiêm trọng là không có.
Ông Vinh cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, có biện pháp phù hợp, tổ chức phiên giải trình hoặc giám sát, có đề xuất các biện pháp giải quyết. Ông Vinh chia sẻ, cách đây mấy năm, ở Nghệ An cũng có những trường hợp "bắt vợ".
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện video được cho là hủ tục bắt vợ xảy ra tại địa bàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Sau đó, qua quá trình xác minh, cơ quan chức năng xác định, nam thanh niên có mặt trong clip "bắt vợ" được xác định là Giàng Mí C. (sinh năm 2006) trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc; bạn gái bị C. "bắt vợ" là Vàng Thị S. (sinh năm 2008), trú tại thôn Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Qua làm việc với Vàng Thị S. được biết, S. và Giàng Mí C. đã quen nhau trên mạng xã hội từ ngày 4/2/2022 (nick Zalo của S. là Nkj Hmb K, của C. là Tub Hmoob). Từ khi quen biết nhau, hai bạn này thường xuyên nhắn tin qua lại. Nội dung các tin nhắn nam sinh C. có tỏ tình với cô bạn S. và rủ nhau đi chơi, nữ sinh S. đồng ý đi chơi cùng C. nhưng chưa nhận lời yêu vì nghi ngờ C. là "hoa đã có chủ".
Khoảng 10h ngày 7/2/2022, S. và C. hẹn gặp nhau tại Tượng đài Thanh niên xung phong thuộc thôn Séo Sả Lủng, xã Pải Lủng để cùng nhau đi chơi. Lúc này, C. đi xe máy đến điểm hẹn, gặp S. và hai bạn của S. là Thùng Thị D. và Vàng Thị M. (cùng sinh năm 2008 và cùng trú tại thôn Sà Lủng, xã Pải Lùng).
Sau đó, cả 4 người đi xe máy cùng nhau đi chơi theo hướng trung tâm huyện Mèo Vạc (C. đèo S. và D. đèo M.), đi đến thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vị thì dừng lại chơi, đến khoảng 15h30 cùng ngày thì S. bảo C. đưa về vì sợ muộn.
Lúc này, C. bảo S. ở lại chơi và có nói lời yêu đương với S. và kéo S., định đưa S. về làm vợ theo phong tục, nhưng S. không đồng ý vì cho rằng C. đã có người yêu. Lúc này, C. kéo tay và vai S., ngoài ra nam sinh này không có hành động sàm sỡ.
Sự việc diễn ra khoảng hơn 30 phút, lúc này có nhiều người dân và khách du lịch thấy hiếu kỳ nên dừng lại xem và quay phim, chụp ảnh.
Liên quan đến vụ việc này, phía gia đình nữ sinh S. mong muốn cơ quan chức năng tuyên truyền nhắc nhở 2 bạn không nên làm như vậy vì cả hai đều còn trẻ, chưa đủ tuổi để xây dựng gia đình. Phía gia đình S. cũng không có đề nghị gì với cơ quan chức năng về việc này vì hai bạn đã nhắn tin nói chuyện với nhau, đồng ý đi chơi với nhau và đây cũng là phong tục của đồng bào người Mông.
Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo UBND xã Pả Vi (Hà Giang) cho biết, trên địa bàn còn hủ tục bắt vợ nhưng diễn ra rất ít. Những năm gần đây, chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở người dân bỏ hủ tục này và đã được hạn chế.