Khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn
Trình bày dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát và đề xuất, kiến nghị của các cơ quan hữu quan, Văn phòng Quốc hội nhận thấy cần sửa đổi, bổ sung khoảng 49/74 điều trong Quy chế năm 2015. Nội dung phần lớn là cập nhật, sửa đổi, bổ sung một số vấn đề, quy trình, thủ tục để bảo đảm khắc phục việc thiếu quy định xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra; phù hợp với tình hình triển khai các hoạt động trong thực tế và thống nhất với các quy định tại một số luật mới ban hành.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quochoi |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, rà soát và đã dự kiến sửa đổi, cập nhật, bổ sung nhiều quy trình, thủ tục, phương thức xử lý công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo sửa đổi Quy chế, rà soát kỹ các văn kiện, nghị quyết của Đảng, quy định có liên quan trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổng kết, đánh giá toàn diện phương thức tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Trên cơ sở đó, đối chiếu với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tình hình mới để xác định rõ những những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm bao quát đầy đủ, toàn diện các thẩm quyền, nhiệm vụ, nội dung hoạt động, gắn với từng hình thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi; đồng thời khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tế.
Bổ sung nhiệm vụ cho Ban Công tác đại biểu
Trước đó, trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575 ngày 31/01/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu.
Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều, trong đó giữ nguyên 3 điều (Điều 3, Điều 4 và Điều 5); sửa đổi, bổ sung nội dung ở 2 điều (điều 1, 2), chỉnh lý 1 điều (Điều 6) về mặt kỹ thuật cho phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Quochoi |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ban Công tác đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm, làm sâu sắc hơn các nội dung về phương hướng đổi mới, phát triển của Ban trong bối cảnh, tình hình mới.
Về một số nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung chức năng của Ban Công tác đại biểu về công tác Hội đồng nhân dân, công tác bầu cử thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm cụ thể hóa hơn chức năng của Ban Công tác đại biểu. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, thuyết minh cụ thể hơn đối với một số nhiệm vụ nhằm bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành;…
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản trong dự thảo Nghị quyết với các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính chính xác trong cách sử dụng từ ngữ và tính thống nhất trong cách thể hiện các quy định.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trên nền dự thảo trình và tiếp thu ý kiến tối đa của các Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tiến hành đối soát với Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ.
Về vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu để bổ sung thêm: Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập;…; Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cần rà soát lại và xác định nhiệm vụ nào do Ban Công tác đại biểu chủ trì, nhiệm vụ nào là phối hợp;…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị rà soát lại nhiều nội dung tại dự thảo như: Các nội dung liên quan đến quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo; Tổ chức của Ban Công tác đại biểu,…Đồng thời, về công tác cán bộ, đối với 1 số chức danh tương đương với Tổng Cục trưởng thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nên có ý kiến của Ban Công tác đại biểu. Tương tự như vậy, tất cả các cấp phó của các đơn vị, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần phải có ý kiến của Ban Công tác đại biểu;...