Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê:

Có cán bộ chưa vì đời sống người dân

Một góc KĐT Thủ Thiêm.
Một góc KĐT Thủ Thiêm.
TP - "2/3 đại biểu khóa này là đại biểu mới, không xuyên suốt vụ việc, còn tiếp dân thì lại mang tính chất đơn lẻ. Đại biểu mới trúng cử, chưa nắm rõ vụ việc nên đơn thư khiếu nại của người dân hầu hết chuyển đến các cơ quan chức năng để giải quyết”, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM cho hay tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức chiều 8/5.

Ông Khuê khẳng định:

Đảng bộ, chính quyền TPHCM hướng đến mục tiêu chăm lo cho dân. Có thể nói những năm qua thành phố đã làm được rất nhiều việc, tạo cho thành phố có bệ phóng như hôm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm tốt TPHCM còn thiếu sót do trong quá trình tổ chức thực hiện, cán bộ nắm không vững, giải thích và giải quyết không tận tình, không thấu đáo, thiếu cái tâm, chưa vì đời sống người dân.

Có cán bộ chưa vì đời sống người dân ảnh 1 Ông Phan Nguyễn Như Khuê.

Bên lề buổi tiếp xúc, ông Phan Nguyễn Như Khuê trả lời PV Tiền Phong:

Thưa ông, khiếu nại của người dân Thủ Thiêm tập trung vào những vấn đề gì?

Có ba việc nổi cộm: Một là người dân cho rằng nhà đất ngoài quy hoạch, tại sao chính quyền lại cưỡng chế thu hồi đất. Vậy giới hạn dự án ở đâu, đề nghị cung cấp thông tin. Thứ hai cử tri cho là các chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư còn bất cập, chưa lấy cuộc sống người dân làm cơ sở để giải quyết. Cử tri rất tán đồng chủ trương tái định cư nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ nhưng mình chưa có chương nào đánh giá vị trí, địa điểm bố trí tái định cư có đạt được mục tiêu đó hay chưa để rút ra, uốn nắn cho giai đoạn tiếp theo hoặc cho các chương trình, dự án khác. Cho nên cử tri cứ thắc mắc chính sách bồi thường giải tỏa không phù hợp; chính sách tái định cư chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu… ở đây phải thấy có nhiều căn hộ tái định cư chất lượng chưa đảm bảo. Người dân mới vào ở 2-3 tháng đã thấm, dột. Hệ thống tiêu thoát nước không đảm bảo.

Thứ ba, người dân khiếu nại chậm được các cơ quan chức năng giải quyết và phản hồi một cách thiện chí, hầu như có những trường hợp đơn thư đi không được trả lời. Chính vì vậy, người dân càng hoài nghi, bức xúc, băn khoăn…

Ngày 9/5, Tổ ĐBQH tiếp xúc cử tri quận 2, ông có kỳ vọng sẽ giải quyết được phần nào bức xúc của người dân?

Đây không phải là cuộc tiếp xúc đầu tiên về vụ việc này và tôi cũng là đại biểu mới. Phải nói vẫn còn sự gay gắt, chưa có tiếng nói chung của chính quyền địa phương và bà con trong dự án này cho nên vấn đề đặt ra ngày mai chưa kỳ vọng gì nhưng mấy ngày qua thông tin báo chí tạo ra hiệu ứng xã hội. Cả cử tri, cơ quan chức năng cùng hướng đến mục tiêu phải làm gì để tháo gỡ một cách tốt nhất để tình hình ở quận 2 không còn căng thẳng, để khu đô thị Thủ Thiêm phát triển đúng với mong muốn và định hướng ban đầu

Ông có xuống nơi người dân tạm cư để khảo sát?

Tôi đã xuống và tiếp trực tiếp người dân. Nhà tạm cư đã xuống cấp theo thời gian. Thứ hai, việc nói tạm cư nhưng không phải hoàn toàn là một chung cư để tái định cư lâu dài và còn mang tính chất giải quyết nhu cầu trước mắt. Việc gia cố, sửa chữa các căn nhà tạm cư vừa qua cũng còn thiếu sót, khiến người dân bức xúc.

Ví dụ đồng hồ nước trước đây mình đặt bên ngoài, đường ống dẫn vào nhà. Đường ống chẳng may bị bể thì lại bắt buộc hộ đó nộp tiền truy thu số nước thất thoát. Đường ống mình lắp bên ngoài, bể làm sao người dân biết được. Người dân đề nghị công ty công ích có sự chia sẻ thì lại im hơi lặng tiếng. Đã gặp khó khăn rồi người dân mới cần sự chia sẻ, giúp đỡ, mình ngược lại không có một động thái gì để xem xét, hỗ trợ người dân. Do đó, cử tri có cảm giác mình đang bị dồn vào chân tường, là gánh nặng của xã hội.

Ông đánh giá như thế nào về điều kiện sinh hoạt của người dân tại các khu tạm cư?

Có những khu vực, căn hộ tạm cư diện tích rất nhỏ hẹp nhưng nhân khẩu quá đông chứ chưa phải là bố trí theo chính sách tái định cư. Có thể nói tạm cư có nơi, có chỗ rất tươm tất; có nơi không đạt yêu cầu, cần phải chăm chút, phải đảm bảo các điều kiện sống cho người dân một cách tối thiểu như cấp điện, nước, chiếu sáng, khuôn viên, an ninh trật tự, con em thuận tiện học hành, đào tạo việc làm, được đăng ký hộ khẩu…

Cần phải hiểu nhà tạm cư theo hướng đó chứ không nên hiểu mình dồn người dân vào trạng thái ở tạm, tạo cảm giác bức bối, khó chịu khiến người dân hiểu mình cần đất hơn là chăm lo nhằm ổn định cuộc sống người dân.

Cám ơn ông.

MỚI - NÓNG