Chuyện xứ người: Đứa cháu quý hơn vàng

Ông bà Thẩm trong căn phòng của vợ chồng con trai quá cố.
Ông bà Thẩm trong căn phòng của vợ chồng con trai quá cố.
TP - Năm năm trước, tai nạn giao thông đã giết chết một đôi vợ chồng ở tỉnh Giang Tô. Hơn 4 năm sau, đứa con của họ ra đời.

Câu chuyện gây xúc động về bốn người cao tuổi ở Trung Quốc tìm mọi cách biến trứng đã được thụ tinh của hai người con đã chết thành một đứa bé, đăng trên tờ Tin tức Bắc Kinh và được Hoàn cầu thời báo đăng lại.

Sự ra đời của bé Thiên Thiên, là nỗ lực không ngừng nghỉ của hai cặp vợ chồng thông gia khốn khổ, những người đã phải “lá vàng tiễn lá xanh”.

Ngày 20/3/2013, Thẩm Nhĩ và Lưu Tây, đều là con một, thiệt mạng vì tai nạn. Trước khi tai nạn xảy ra, hai vợ chồng trẻ đã gửi trứng (của Lưu) đã được thụ tinh  tại một bệnh viện ở Nam Kinh, thủ phủ của Giang Tô. Sau khi họ qua đời, đây là niềm hy vọng nối dài sợi dây gia tộc duy nhất của hai gia đình, nhờ kỹ thuật hiện đại.

Hai gia đình, vì thế, đã phải bước vào một cuộc chiến pháp lý căng thẳng và giành quyền bảo hộ cho phôi thai của con cái và cuối cùng có được đứa trẻ sau khi nhờ đến một phụ nữ mang thai hộ ở Lào.

Cuộc chiến pháp lý

Bà Hồ, mẹ Lưu Tây, nói với phóng viên rằng Thẩm Nhĩ và Lưu Tây lấy nhau hai năm mà chưa có con, vì thế họ tìm đến phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Họ đã cho trữ đông trứng đã thụ tinh tại bệnh viện địa phương và lên kế hoạch phẫu thuật để cấy phôi trong năm 2013. Tuy nhiên, thảm kịch xảy ra chỉ năm hôm trước ngày phẫu thuật. Nguy cơ không có người nối dõi ập đến trước mặt bốn ông bà già.

Bố mẹ Thẩm Nhĩ vội vàng tìm cách sinh con, dù họ đã ngoài 50. Họ dùng thuốc Bắc, thường xuyên đi gặp bác sỹ, nhưng tất cả đều vô ích.

Cuối cùng, họ quyết định cho sinh cháu từ phôi thai vợ chồng Thẩm Nhĩ để lại. Đầu tiên là phải lấy phôi ra khỏi bệnh viện. Tuy nhiên, việc này chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc. Bộ Y tế nước này cấm bác sỹ và bệnh viện buôn bán phôi thai, cho mang thai hộ. Nhưng không có quy định nào về trứng đã thụ tinh chưa được cấy vào cơ thể người.

Ông bà Thẩm thuê luật sư, người bày ra kế để ông bà Thẩm kiện ông bà Lưu. Theo luật sư, đây là cách khả dĩ nhất lấy phôi thai ra khỏi bệnh viện. Nhưng tòa phán quyết rằng trứng đã thụ tinh không được thừa kế hay chuyển giao. Tòa phúc thẩm đã “chiếu một tia hy vọng” cho hai gia đình khi phán quyết rằng cả hai nhà đều có quyền thừa kế phôi thai.

Thuê mang thai hộ

Nhận được phán quyết ủng hộ từ tòa án mới chỉ là thành công bước đầu trong cuộc vạn lý trường chinh tìm hậu duệ của hai gia đình. Khi Thẩm Dĩnh Nam, bố Thẩm Nhĩ, nhận được phán quyết của tòa vào tháng 9/2014, ông vội vàng tới bệnh viện lấy trứng về.

Tuy vậy, bệnh viện nói chỉ chuyển giao trứng từ bệnh viện này sang bệnh viện kia, chưa từng giao cho cá nhân. Họ chỉ làm vậy nếu có mặt một nhân viên tòa án làm chứng.
Và bởi vì mọi hoạt động mang thai hộ bị cấm ở Trung Quốc, ông Thẩm không thể tìm được bệnh viện nào nhận trứng của con ông. Vì quá tuyệt vọng, ông đã mất tiền vào tay một kẻ lừa đảo, hứa sẽ lo mọi chuyện nhưng rồi biến mất.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ở Thượng Hải năm 2014, bốn ông bà già đau khổ bày tỏ mong muốn chính quyền xem xét tình cảnh của họ. Ít nhất có hai cô cháu gái nhận sẽ mang thai đứa bé.

Tuy vậy, các chuyên gia pháp lý về sinh sản nói với họ rằng mang thai hộ là không được phép, điều này nhằm bảo vệ thế hệ tương lai.

Ông Thẩm lại tìm đến các đầu mối dịch vụ mang thai hộ ở những nước lân cận. Ông gặp được Lưu Bảo Quân, người có trong tay một danh sách những phụ nữ mang thai hộ ở Campuchia.

Toàn bộ chi phí cho việc này là 300.000 nhân dân tệ (hơn 47.000USD) trong trường hợp thành công. Ông Thẩm suy xét về mọi rủi ro, kể cả chuyện sảy thai hoặc đứa trẻ sinh ra yếu ớt… Cuối cùng, ông đi đến quyết định thực hiện.  

Ông Thẩm chọn một bệnh viện ở Lào, với sự giúp đỡ của Lưu Bảo Quân. Ngày 20/12/2016, bốn ông bà thông gia cuối cùng đã lấy được trứng dưới sự chứng kiến của ba cán bộ tòa án. Họ lập tức tìm cách gửi trứng qua Lào.

Chuyện vận chuyển trứng cũng không dễ dàng gì. Thông thường khi nhờ mang thai hộ, vợ chồng sẽ đến nơi thực hiện, cung cấp trứng và tinh trùng. Nhưng trứng đã thụ tinh là câu chuyện hoàn toàn khác.

Ông Thẩm ban đầu định gửi trứng bằng máy bay. Nhưng không hãng bay nào nhận chuyển. Rồi có một công ty vận tải của Tây Ban Nha nhận, nhưng đòi hỏi giấy đồng ý của “cha mẹ phôi thai”. Cuối cùng,  hai gia đình quyết định tham gia một tour du lịch tự lái xe từ Vân Nam qua Lào và mang theo phôi thai.

Bà mẹ mang thai hộ người Lào, cuối cùng đã sinh hạ cho bốn ông bà đứa cháu quý hơn vàng, tại Quảng Châu. Các xét nghiệm DNA đã xác nhận Thiên Thiên là con trai ruột của Thẩm Nhĩ và Lưu Tây, mang quốc tịch Trung Quốc, dù người mang thai đến từ Lào.

Ông Thẩm bảo, ông sẽ luôn nói với cháu rằng bố mẹ nó đi nước ngoài, cho đến khi nào Thiên Thiên đủ lớn để biết sự thực.

MỚI - NÓNG