Chuyện với lão Phạm về Truyện Kiều

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều Rằm tháng Giêng. Đụng học giả Phạm Xuân Nguyên ở NHÀ KÝ ỨC của Hội thơ.

Nhà ký ức, một không gian rộng thoáng ngự trên sân Đoan Môn Hoàng thành. Công sức cùng gắng gỏi của Ban Tổ chức Ngày Thơ Việt trong đó có nhiều tất tả cật lực của người đẹp văn sĩ Thu Huệ - Giám đốc Bảo tàng Hội Nhà văn. Như cái gian kỷ vật - ký ức về thi sĩ Nguyễn Du lâu nay ém tàng trên Bảo tàng Hội tận Quảng Bá, chừng như có dịp phơi phóng rộng rãi với công chúng dự Ngày thơ thưởng lãm.

… Phạm Xuân Nguyên những sải chân chầm chậm trên Đoan Môn. Tóc râu hao hao của giống người Việt cổ bước ra từ Hoàng thành. Gọi lão bằng gì nhỉ? Nhà nghiên cứu, lý luận phê bình. Dịch giả. Nhà văn nhà thơ? Nhà khảo cứu… Đều hợp nhẽ cả. Mà nhiều người, kêu là học giả! Học giả Phạm Xuân Nguyên. Râu ria xum xuê tươi tốt. Mỗi chốc chốc, từ khoảng râu ria mù mịt kia phát ra thứ âm thanh như chuông như mõ. Tốt râu. Lại tốt cả tiếng. Nhất tướng nhị thanh. Lão này lãnh cả đôi.

Tôi theo Phạm Xuân Nguyên nhớm mình trên chiếc ghế chăm chú nghe một diễn giả đương nhấn nhá về Truyện Kiều. Những thông tin cũ mới đan xen. Đại để Truyện Kiều được viết ra sau khi Nguyễn Du đi sứ nhà Thanh được khắc in vào khoảng từ năm 1820 được gọi là "bản Kinh". Bản ấy đã thất truyền. Nhưng còn lưu lại những phiên bản di dịch ít nhiều, kêu là "bản Phường". Như một số bản mà Nhà bảo tàng Hội đã sưu tầm được.

Truyện Kiều gồm 3.254 câu thơ chữ Nôm viết theo thể lục bát. Nội dung của truyện dựa theo Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, văn sĩ Trung Hoa.

Thưở xa lắc lơ, Đại Việt đã dùng chữ Hán và Nôm để ghi chép, sáng tác thơ văn. Chữ Hán mà ông cha ta gọi là chữ Nho, được đọc theo âm Hán -Việt. Kế là chữ Nôm, chữ do người Việt sáng tạo dựa trên căn bản là chữ Hán có sẵn, để diễn tả âm và nghĩa của tiếng Việt. Chữ Nôm dựa trên căn bản của chữ Hán, cho nên thoạt nhìn chữ Nôm giống như chữ Hán, nhưng được tạo ra để đọc theo âm của người Việt. Học chữ Nôm có điều khá rắc rối là phải thạo chữ Hán. Mà chữ Nôm tùy theo từng vùng, từng miền biến đổi, có những cách viết và đọc khác nhau, khiến một tác phẩm nổi tiếng như Truyện Kiều đã được chép thành nhiều dị bản. Có nhiều chữ trong Truyện Kiều được ghi chép khác nhau, hoặc đọc khác, cho nên có nhiều câu thơ được hiểu khác nhau.

Chuyện với lão Phạm về Truyện Kiều ảnh 1
Chuyện với lão Phạm về Truyện Kiều ảnh 2

Hai câu chữ Hán Nguyệt di hoa ảnh ngọc nhân lai và Nguyệt di lê ảnh thượng lan can cùng hai câu Kiều … Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần (chữ Nôm) trong bài viết (Thủ bút của Xuân Ba)

Đến khúc này tôi bỏ nhỏ cùng ông bạn đồng khoa (Khoa Văn – ĐH Tổng hợp Hà Nội) Phạm Xuân Nguyên rằng có lẽ thế hệ mình đã làm quen và biết Kiều qua bản Kiều Oánh Mậu xuất bản năm 1902 mà người hiệu đính kiêm chú giải cuốn ấy là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng tài danh của khoa ta?

Phạm Xuân Nguyên gật liền. Rồi chừng như muốn phơi phóng thêm cái sở học, lão kéo tôi ra chỗ thoáng. Lão đang lắc đầu rằng có lẽ Nguyễn Du viết Kiều không phải sau chuyến đi sứ sang Tàu mà là thời gian làm cai bạ Quảng Bình. Vì những năm thực tế quan lại ấy cụ mới phần nào nhuốm hết lẽ đời?

Tưởng đã khung, đã khuôn về sở học của học giả này? Nhưng giở chuyện với Phạm Xuân Nguyên vẫn bất ngờ với nhiều thứ phát lộ thình lình. Nhất là khoản Kiều.

Tôi có nhắc lại cái đoạn mạng mẽo ném đá khi lão thích và trích trên Facebook những câu thơ được nhất của Chế Lan Viên viết về Nguyễn Du.

…Ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn/ Chẳng qua chỉ để người yêu thơ khỏi tủi trong lòng/ Ông đã hoá mây trắng ngang trời hoài niệm/ Hoá ra Kiều cao gấp mấy đời ông…

Rồi.

Cho nghìn năm sau vầng trăng tiếng Việt mãi còn/ Có ngờ đâu khi lòng độc giả tri âm vẫy gọi/ Thì câu Kiều như giọt máu lại trồi lên.

Sở dĩ có gạch đá là vì đám ngu tối vẫn cái thói bỏ bóng đá người, riệt cho thi sĩ Chế tội nịnh… “trên” nên chủ thớt cũng bị vạ lây! Nhưngchất giọng lão vẫn bình thản rằng “Chế có lẽ là nhà thơ hiện đại viết nhiều nhất về Nguyễn Du. Tập hợp các bài thơ, đoạn thơ ông viết về đại thi hào dân tộc có thể làm thành được một tập mà đọc sẽ có nhiều gợi mở sâu sắc!”.

Rồi lão lẩm bẩm như hồi tưởng chuyện về một ông giáo tên là Lê Xuân Lít nào đó mà tôi chưa biết. Ông Lít tập kết ra Bắc, được cử đi học Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội và tham gia giảng dạy văn học ở nhiều trường cấp 3 và trường bồi dưỡng giáo viên.

Ông đã biên soạn hàng chục đầu sách. Xôm tụ là mảng nghiên cứu Truyện Kiều. “Vương Thúy Kiều chú giải”, “Dạy và học Truyện Kiều những điều cần bàn”, “Truyện Kiều cho học sinh tiểu học, trung học và đại học”, “200 năm nghiên cứu và bàn luận Truyện Kiều”.

Nổi trội có cuốn “Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều” góp phần làm sáng tỏ thêm hàng ngàn từ ngữ khó hiểu trong Truyện Kiều, làm cho việc đọc Truyện Kiều thêm phần thú vị. Như làm sáng tỏ từ “Trăng” và từ “Nguyệt”, khi nào Cụ Nguyễn Du dùng “trăng” (38 lần) và khi nào dùng “Nguyệt” (9 lần).

Rồi dầy cộp có cuốn so sánh và làm rõ hai bản Kim Vân Kiều Truyện của Thanh tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du, chỗ nào thì cụ Nguyễn Du sáng tạo, chỗ nào thì cụ mượn từ sách gốc của Trung Hoa.

Lão Phạm nhắc đến Vua Tự Đức với cụm từ lạ Đại Fan! Tự Đức mê Kiều nhưng không ưa Nguyễn Du. Từng đòi đánh đòn Nguyễn Du khi đọc Kiều. Ấy là khi đọc tới câu “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Mình là vua, là thiên tử mà có thằng còn trên cả mình? Những sức lệnh cùng tróc nã nhưng cuối cùng mới hay, tác giả Truyện Kiều đã chết từ tám hoánh!

Rồi cái câu Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn của ông chủ bút Nam Phong, Phạm Quỳnh. Tôi vẫn chưa tường xuất xứ từ đâu? Thế là tiện miệng, Phạm Xuân Nguyên đọc làu làu đoạn trích. (Về nhà lão gửi cho cái email. Thì ra là nguyên bản diễn văn bằng tiếng Pháp và tiếng ta mà Phạm Quỳnh đọc trong Lễ kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du tại Hội Khai Trí Tiến Đức).

Xin biên trích ra đây hầu bạn đọc. Có thể có người chưa tường?

“… Cụ Tiên-điền ta, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ Cụ và nghĩ đến cái ơn của Cụ tác-thành cho tiếng nước nhà. Muốn cảm cái ơn ấy cho đích-đáng, hẵng thử giả-thiết Cụ Tiên-điền không xuất-thế Cụ Tiên-điền có xuất-thế mà quyển truyện Kiều không xuất-thế, quyển truyện Kiều có xuất-thế mà vì cớ gì không lưu-truyền, thời tình-cảnh tiếng An-Nam đến thế nào, tình-cảnh dân-tộc ta đến thế nào? Văn-chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn-chương mình chỉ độc có một quyển. Truyện Kiều vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh-thư Phúc-âm của cả một dân-tộc, ví lại khuyết nốt thì dân-tộc ấy đến thế nào? Than ôi! mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng-sốt, rụng-rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan-tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ nhịp rung đùi, lên giọng cao-ngâm: Lơ-thơ tơ liễu buông mành, Con oanh học nói trên cành mỉa-mai, hay là: Phong-trần mài một lưỡi gươm, Những phường giá áo túi cơm xá gì, bỗng thấy trong lòng vui-vẻ, trong dạ vững-vàng, muốn nhẩy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo-nghễ với non sông mà tự-phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!... (Hết trích).

Nghe chuyện lão Phạm, lẩn thẩn nghĩ thêm… Hình như dân Việt mình bỗng dưng bừng thức cơn nhớ đại thi hào Nguyễn Du cùng Kiều khi ngài Phó Tổng thống Hoa Kỳ J.Biden (nay là Tổng thống Hoa Kỳ) năm xa ấy bất ngờ lẩy ra hai câu Kiều để tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi chiêu đãi trọng thể trên đất Mỹ.

Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa giời (câu thứ 3121 và 3122).

TBT Nguyễn Phú Trọng học khoa Văn ĐH Tổng hợp (từng là học trò yêu của thầy Nguyễn Đình Thảng) dịp được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch QH đã nhún nhường khiêm tốn bằng động thái lẩy hai câu Kiều Xét mình phận mỏng cánh chuồn/ Khôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng?

Mà lạ, hai yếu nhân của Hoa Kỳ, hai thời điểm đáng nhớ của lộ trình quan hệ Mỹ - Việt đều nhắc đều vận đến Kiều?

Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton năm 2000 thăm chính thức Việt Nam đã từng nhanh nhậy lẫn uyên bác đánh giá về mối quan hệ 5 năm thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường Mỹ - Việt khi dẫn (lẩy) ra hai câu Kiều (câu thứ 1795 và 1796) Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắnđông đà sang xuân.

Có một sự tương đồng thú vị. Kim Trọng chờ đợi 15 năm mới được đoàn tụ với Thúy Kiều, còn Ngài Joe Biden cũng phải đợi 15 năm sau Ngài Bill Clinton, mới tới phiên mình Lẩy Kiều?

Ngắm ngó cành hoa lê hơi bị uẩn súc Thu Huệ chẳng biết thửa được ở đâu đương trưng trước cửa Nhà Ký Ức khá bắt mắt, tôi vuột miệng hỏi thêm học giả họ Phạm, cái chữ LÊ nó là động hay danh từ?

Chuyện với lão Phạm về Truyện Kiều ảnh 3

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên và tác giả bài viết bên cành hoa lê ở Hội thơ 2023

Tiếng sen sẽ động giấc hòe/ Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. (Câu 437- 438).

Nhiều người coi đó là động từ. Bởi tương thích với động từ XẾ thì bóng hoa (giống hoa nào đó) mới chầm chậm rời (LÊ) đi!

Nhưng cũng lắm người coi đó là danh từ - cây hoa lê. Vậy LÊ là động từ hay danh từ?

Quả chẳng hổ danh học giả! Phạm tiên sinh im lặng một hồi.

Rồi từ khoảng râu ria mù mịt kia đã lại rành rẽ…

À Cụ Nguyễn Du lấy ý từ hai câu thơ cổ mà mình không nhớ tác giả. Thơ rằng. Nguyệt di hoa ảnh ngọc nhân lai (trăng đưa bóng hoa và người mặt ngọc lại).

Lại có câu khác.

Nguyệt di lê ảnh thượng lan can (trăng đưa bóng hoa lê lên bức lan can).

Với phương châm Dân ta phải biết tiếng Ta/ Chưa biết thì phải mở tra Google. Tôi mở điện thoại. Phần từ điển Chữ Nôm rành rẽ chữ LÊ (trên) bộ MỘC dưới. Đọc là LÊ (cành lê, hoa lê).

Câu 437- 438 trong KIỀU viết chữ LÊ ấy.

Trong câu Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Cụ Nguyễn cũng dùng chữ LÊ này.

Tạm bằng lòng cùng hoan hỷ. Tôi cùng lão họ Phạm bèn tiện chân lê (bước) tới bên cành lê của văn sĩ Thu Huệ đương trưng!

Về nhà lại mở văn phòng tứ bảo lấy bút biên lại mớ chữ cả HÁN lẫn NÔM thâu lượm được bữa chớm Giêng mới rồi.

MỚI - NÓNG