Các ama chủ yếu sống ở thị trấn Mie nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 300km về phía nam. Nghề lặn biển giúp họ bắt được bào ngư, nhím biển, hàu, ngọc trai và còn giúp quảng bá du lịch Nhật Bản nhờ vào nghề truyền thống độc đáo này.
Vào cuối thập niên 1940, chỉ riêng vùng Mie đã có đến 6.000 “nữ nhân ngư”. Nhưng ngày nay, con số chưa đến 1.000 người. Sayuri Nakamura, 64 tuổi và theo nghề trong gần nửa thế kỷ cùng với người chồng ngư dân của mình điều hành một quán trọ nhỏ.
Không phải mọi ama đều có điều kiện mở cơ sở kinh doanh để có nguồn thu nhập thêm. Nhiều ama cố gắng thu hút du khách bằng quảng cáo nghề lặn biển độc đáo của mình. Họ mở nhà hàng theo chủ đề, phục vụ ăn uống và nhảy múa giải trí cho họ. Do đó, các ama đã biến Mie thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của Nhật Bản.
Mie cũng là nơi có một trong những ngôi đền Ise Jingu linh thiêng nhất của Nhật Bản. Năm 2015, gần 10 triệu du khách đến Nhật Bản và trong số đó Mie chỉ có khả năng đón tiếp khoảng 380.000 người nước ngoài. Riêng với Tokyo tiếp nhận gần 18 triệu du khách và 5 triệu người đến thăm thành phố cổ Kyoto. Vào cuối tháng 5 sắp tới, Mie sẽ là nơi tiếp tục tổ chức hội nghị mở rộng G7 (hội nghị G7 đầu tiên tổ chức tại Hiroshima ngày 10/4) với sự tham dự của 7 cường quốc kinh tế.
Ngôi đền Ise Jingu ở Mie.
Lãnh đạo Eikei Suzuki của Mie phát biểu: “Từ khi nhận được thông báo Mie sẽ là nơi diễn ra hội nghị cấp cao G7 mở rộng, nơi đây hứa hẹn sẽ tiếp đón số lượng du khách tăng đột biến hơn mọi thành phố khác trên khắp đất nước Nhật Bản. Đối với một vùng đất không có sân bay hay trạm tàu điện siêu tốc, Mie chỉ có thể được quảng bá ra thế giới nhờ vào hội nghị G7”.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Hyakygo tính toán sự tích cực quảng bá về Mie đã mang đến cho khu vực này khoảng 111 tỷ yen (976 triệu USD) trong 5 năm qua. Tác động tích cực của ngành du lịch đối với kinh tế Nhật Bản cũng là điều mà phần còn lại của đất nước đang tính toán đến - với sự kiện Tokyo là nơi diễn ra Thế vận Hội lần 2 năm 2020.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), số lượng du khách đến nước này đang tăng cao dần. Năm 2015, du khách đến Nhật Bản tiêu xài gần 3,5 triệu yen (khoảng 32.420 USD) – tăng 71,5% so với năm trước đó. Một trong các lý do là nghỉ hè tại Nhật Bản rẻ hơn những nơi khác.
Trong số du khách nước ngoài đến Nhật Bản, hơn một phần tư đến từ Trung Quốc - những khách hàng rất chịu chi tiền mua sắm. Du khách Trung Quốc sẵn sàng móc hầu bao mua sắm mọi thứ từ tã lót cao cấp của em bé đến các mặt hàng mỹ phẩm và y tế. Người Trung Quốc đã tạo nên hiện tượng “bakygai” (bùng nổ mua sắm) ở Nhật Bản, và chiếm hơn 40% tổng số tiền mua sắm của du khách nước ngoài.
Phụ nữ lặn biển truyền thống ở Mie.
Trong một đất nước từ lâu cố gắng khuyến khích người tiêu dùng địa phương chi tiêu mua sắm nhưng không thành công, chính ngành du lịch đem lại cơ hội cho nền kinh tế. Đó là lý do thúc đẩy chính quyền và các doanh nghiệp cố gắng tìm cách quảng bá thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến Nhật Bản.
Ở Mie, chính quyền địa phương bỏ tiền ra thuê nhân viên sử dụng tiếng Anh thành thạo để chào mời du khách nước ngoài. Các loại hình văn hóa dân gian cũng như món ăn truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản cũng được quảng cáo với du khách nước ngoài.
Tại quán trọ khiêm tốn của Nakamura, du khách trả 88 USD/người cho một đêm bao gồm bữa ăn sáng và bữa tối. Giá đó được coi là rẻ hơn nhiều so với chi phí ở khách sạn quốc tế trong khu vực. Nhưng quán trọ của Nakamura có điều hết sức bất tiện cho du khách nước ngoài là không có người phục vụ nói tiếng Anh cũng như không có phòng tắm riêng cho mỗi phòng.
Các “ama” của Nhật Bản.
Nakamura cười: “Nói thực ra, tôi cũng không muốn có thêm nhiều du khách. Tôi đã có biển cả, nông trại và công việc thường ngày để sống vui vẻ cho nên không cần phải có thêm nhiều du khách nữa”.