Chuyện tìm thân nhân cho liệt sĩ

0:00 / 0:00
0:00
Di ảnh liệt sĩ Trần Như Thắng (Ảnh gia đình cung cấp)
Di ảnh liệt sĩ Trần Như Thắng (Ảnh gia đình cung cấp)
TP - Tôi nhận được hình ảnh chụp một bia mộ liệt sĩ ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh mà anh trai tôi, một cựu chiến binh, gửi tới nhờ đưa lên mạng xã hội để tìm kiếm thân nhân. Thật kỳ diệu, chỉ sau một đêm, đã có kết quả...

Trong hình ảnh bia mộ chỉ ghi vỏn vẹn mấy dòng chữ ngắn: “Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh/Liệt sĩ Trần Như Thắng/ ĐV: E429-F320-QQDD3/ hy sinh: 12/4/1978/ Số mộ: 41.B3.KC5”. Sau đó, anh trai tôi gửi thêm thông tin: “Liệt sĩ Trần Như Thắng, năm sinh 1958, quê quán: Nhân Lý- Chi Lăng- Lạng Sơn. Nhập ngũ tháng 6/1977, cấp bậc: B1-CS, đơn vị: E 429, F302,-QK7, chiến đấu hy sinh tại Công Pông Chàm. Thân nhân: Nguyễn Thị Tâm”.

“Từ tấm bia mộ thiếu thông tin nhóm từ thiện mang tên “Người đưa đò” do anh Nguyễn Sỹ Hồ làm trưởng nhóm đã tra cứu tìm được những thông tin cụ thể trên. Chú nhờ người ở huyện Chi Lăng tìm giúp thân nhân liệt sĩ này” - Anh trai tôi sốt sắng cho biết thêm.

Chiều tối 30/6/2021, tôi chuyển thông tin lên trang Facebook cá nhân của mình thì rạng sáng hôm sau, ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng nhắn tin cho biết: Đã có những tín hiệu tích cực cho việc xác minh thông tin mộ liệt sĩ Trần Như Thắng. Và chỉ sau 2 tiếng đồng hồ sau, tôi nhận được văn thư phúc đáp của UBND huyện Chi Lăng với nội dung: “Ngày 1/7/2021, UBND huyện Chi Lăng nhận được thông tin về phần mộ liệt sĩ Trần Như Thắng đăng tải trên trang Facebook cá nhân nhà báo Nguyễn Duy Chiến. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh, Xã hội- Dân tộc huyện phối hợp với UBND xã Nhân Lý tổ chức xác minh. Kết quả Liệt sĩ Trần Như Thắng hiện nay do bà Dương Thị Sợi, thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý (chị dâu của liệt sĩ) trực tiếp thờ cúng. Gia đình bà Sợi cho biết từ trước đến nay gia đình chưa biết thông tin về phần mộ Trần Như Thắng và gia đình cũng chưa có điều kiện đi tìm phần mộ liệt sĩ...”.

Khúc quân hành qua thư

Cận ngày 27/7, tôi cùng cấp ủy, ngành chức năng huyện Chi Lăng đến thăm gia đình thân nhân liệt sĩ Trần Như Thắng ở thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý.

Bà Dương Thị Sợi, chị dâu liệt sĩ Thắng cùng gia đình tề tựu kín nhà để đón chúng tôi và mong ngóng những thông tin tốt lành.

Chuyện tìm thân nhân cho liệt sĩ ảnh 1

Đồng đội, người thân chung vui với gia đình tìm được phần mộ liệt sĩ Thắng. Ảnh: Duy Chiến

Bà Sợi năm nay bước sang tuổi 70. Bà cho biết, mấy hôm nay, gia đình rộn ràng như ngày hội. Cả nhà, dòng tộc đều vui, lan truyền cho nhau về việc đã tìm thấy mộ phần của liệt sĩ Trần Như Thắng.

“Từ khi nhận được giấy báo tử, gia đình đã liên tiếp đến đơn vị chức năng ở huyện, tỉnh để hỏi thăm, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, song hàng chục năm qua vẫn không có kết quả. Nhiều khi vô vọng. Cũng vì thương nhớ con, ông Trần Như Nhớn và bà Nguyễn Thị Tâm là bố, mẹ đẻ của liệt sĩ Thắng đã đổ bệnh và mất sớm...”. Bà Sợi tâm sự.

Bà Sợi cho biết: Trần Như Thắng, sinh năm 1958 là con thứ 3 trong gia đình có bốn anh em. Thưở nhỏ, Thắng lanh lợi, đẹp trai, sáng dạ, học giỏi nhất nhà. Đặc biệt là viết chữ rất đẹp. Vừa tròn 20 tuổi, Thắng xung phong nhập ngũ và chính thức khoác lên mình bộ quần áo xanh màu lính vào giữa tháng 6/1977. Sau khi huấn luyện, đóng quân tại Huyện đội Chi Lăng, tân binh Thắng cùng hàng chục chiến sĩ trẻ lên đường vào vùng biên giới Tây Nam chiến đấu.

“Khi rời xa xứ Lạng trên đường hành quân vào Nam, ở những chặng dừng chân và khi có điều kiện thuận lợi là Thắng biên thư về cho gia đình, tóm tắt tình hình sức khỏe và kể về những miền quê đã đi qua. Nhất là khi đến Tây nam, hầu như tháng nào Thắng cũng có thư gửi về. Những dòng chữ tái hiện về những ngày mưa tầm tã ở vùng rừng biên giới huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tình cảm chân thành của những người lính mạn cực Bắc của Tổ quốc đối với đồng bào Bình Phước, Tây Ninh. Các ngày hành quân băng rừng để đến các buôn làng, xóm ấp của người dân làm công tác dân vận, bảo vệ đồng bào khi bọn phản động Pôn Pốt - Khơ me Đỏ xâm lấn”. Bà Sợi kể lại.

Bà Sợi bất giác bảo con cháu đưa cho xem những di vật của liệt sỹ Thắng. Đôi mắt bà nhòe đi vì xúc động và cho biết: “Cuối năm 1977 và những tháng đầu năm 1978, Thắng có nhiều bức thư mà trong đó kể về những tội ác man rợ của bè lũ Pôn Pốt gây ra cho người Campuchia cũng như đồng bào, trẻ em vùng biên giới Tây Ninh. Nhiều thư miêu tả về những trận đánh, sức mạnh tiến công của quân ta, bọn địch phải tháo chạy về bên kia biên giới, lập tuyến phòng thủ từ thị trấn Sơ Nun đến thị trấn Mi Mốt, tỉnh Công Pông Chàm”.

“Tôi nhớ, tháng 1/1978, gia đình nhận được một bức thư của Thắng gửi riêng cho mẹ nói về những trận giao chiến ác liệt của đơn vị với lính Pôn Pốt và Thắng khẽ thốt lên trong thư rằng không biết khi nào sẽ được trở lại quê hương. Và cũng từ đó, gia đình bặt tin của Thắng”. Bà Sợi nói.

Mong ngày liệt sỹ về quê

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2021), đoàn đại biểu của tỉnh do bà Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà tri ân gia đình thân nhân liệt sĩ Trần Như Thắng.

Bà Hậu vui mừng, ghi nhận những thông tin hữu ích, có kết quả của phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại Lạng Sơn, đồng thời chỉ đạo huyện Chi Lăng, các ban ngành chức năng địa phương quan tâm, nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết để khi dịch COVID-19 được khống chế sẽ cùng với gia đình thăm nom, cất bốc hài cốt liệt sĩ Trần Như Thắng ở nghĩa trang Tân Biên, tỉnh Tây Ninh trở về với quê nhà.

Tôi nhác thấy, sau khi phát biểu cảm ơn sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo địa phương, bà Dương Thị Sợi lặng lẽ đi đến bàn thờ liệt sỹ Trần Như Thắng thắp nhang. Ánh mắt bà ngấn lệ. Làn khói thơm tỏa bay như vong linh liệt sĩ đang về đây chứng giám...

Thông qua mạng xã hội tháng 7/2021, PV báo Tiền Phong thường trú tại tỉnh Lạng Sơn cũng vừa tìm được thân nhân gia đình liệt sĩ Lý Văn Thao, trú xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn, hy sinh tháng 10/1974 tại mặt trận phía Nam. Hiện mộ liệt sĩ đang ở nghĩa trang liệt sĩ Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Do thông tin không đầy đủ, chính xác nên đã 47 năm qua, mộ phần chưa được gia đình biết đến, thăm nom, cất bốc.

MỚI - NÓNG