Chuyện lạ ở Yên Lạc - Kỳ 1: Chỉ làm đám cưới 2 ngày trong tháng

Chuyện lạ ở Yên Lạc - Kỳ 1: Chỉ làm đám cưới 2 ngày trong tháng
TP - Thị trấn Yên Lạc nằm ém mình bên bờ tả ngạn sông Hồng, nơi được biết đến có đền Thính (đền Bắc Cung) - một trong những hệ thống Tứ Cung nổi tiếng ở xứ Đoài (thuộc huyện Yên Lạc-Vĩnh Phúc). Xuyên trong cái nắng hè bỏng rát, chúng tôi về thị trấn có nghề mộc truyền thống này. Chúng tôi sửng sốt khi được biết ở đây có một quy định kỳ lạ: Mỗi tháng chỉ được tổ chức đám cưới trong hai ngày! Vì sao lại có cái quy định kỳ lạ mà ngay cả người dân nơi đây từng bảo rằng rất viển vông? Và quy định “viển vông” được thực hiện ra sao?

1 tháng chỉ được làm đám cưới trong hai ngày

Những ngày này 4 thôn: thôn Đông, thôn Tiên, thôn Trung, thôn Đoài của thị trấn Yên Lạc đang vào vụ gặt. Cả 4 thôn không một đám cưới. Dĩ nhiên rồi, vì quy định: cả tháng chỉ được tổ chức đám cưới trong hai ngày: ngày mùng 2 và 16 âm lịch đã trở thành một thứ văn hóa ăn sâu vào địa phương này.

“Từ khi nếp sống văn minh đi vào lòng người dân và thấy được nhiều mặt lợi thì các nơi như: Bắc Ninh, Thanh Hóa...về đây tham quan và muốn đưa về địa phương làm thí điểm”.

Ông Nguyễn Văn Đại

Quy định đã có trong hương ước của thị trấn Yên Lạc được ban hành năm 1998. Trong đó, chi tiết việc tổ chức cưới tiết kiệm văn minh được viết như sau: Tổ chức đám cưới trong vòng 1,5 ngày, không tổ chức đón dâu 2 lần, loa đài phục vụ đám cưới phải nghỉ trước 22h để đảm bảo trật tự khu phố, tránh ô nhiễm tiếng ồn tới khu dân cư, không ăn uống linh đình; không hút thuốc lá; không sử dụng nhạc sống; không sân khấu đèn nhảy; không sử dụng loa có công suất lớn, không được đánh bạc. Việc tổ chức đám cưới phải tiết kiệm, gọn nhẹ tránh phô trương, hình thức; không lợi dụng việc cưới để biếu xén, trục lợi hay duy trì  hủ tục trả nợ miệng.

Trước năm 2010, trong bản quy ước này còn ghi rõ cô dâu không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc  tân thời  hoặc thường phục.

Quy định cô dâu không được mặc váy cưới, rất “hà khắc”,  nếu gia đình nào vi phạm quy ước đám cưới của địa phương đều phải chịu một hình phạt rất... đặc biệt: Bị cắt điện trong 1 tuần.

Anh Văn Hùng ở thôn Đông kể: “Vợ tôi ở xã bên, trước đám cưới cô ấy rất háo hức đi ngắm váy cưới. Thế nhưng,  khi vào địa phận thị trấn  cô ấy phải lập tức cởi ra... Chẳng  cặp vợ chồng mới cưới nào lại muốn nhà mình bị cắt điện... 1 tuần”.

Nhưng đời sống kinh tế ngày càng đi lên, việc cô dâu mặc áo cưới cũng chẳng có gì xa hoa. Vì vậy  sau nhiều nhiều lần kiến nghị cô dâu Yên Lạc đã được mặc váy cưới.

Chuyện lạ ở Yên Lạc - Kỳ 1: Chỉ làm đám cưới 2 ngày trong tháng ảnh 1

Đám cưới ở Yên Lạc

Vì sao những quy định “lạ” này lại được người dân tuân thủ đến vậy? Ông Phạm Văn Luận, Phó chủ tịch thị trấn Yên Lạc, lý giải: “Những quy định này được người dân  bàn thảo công khai và sau khi nhất trí cao, Ủy ban nhân dân thị trấn Yên Lạc phê duyệt và đưa vào thực thi. Ban đầu cũng có nhiều ý kiến trái chiều, tỏ ra bất bình, song càng làm lại thấy đem lại nhiều lợi ích cho dân nên người dân cứ thế thực hiện và trở thành nếp sinh hoạt”.

Lợi ích đó được ông Duy Nam, thôn Đoài phân tích với chúng tôi: “Quy định thế này là để dân tiết kiệm thời gian, cũng như chi phí, chống lãng phí . Đơn giản như trong hai ngày mùng 2 và 16, nhà anh có 4 người thì chia nhau mỗi người tới một đám, có 4 đám chỉ hết một hoặc nửa ngày là xong. Địa phương tôi làm gia công đồ gỗ nên quý thời gian lắm”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bàn, khu phố 3, thôn Đông, có 5 anh con trai đều đã tổ chức theo nếp sống mới của địa phương. Còn gia đình bà Dương Thị Hạnh có 6 anh con trai thì có 4 anh đã lập gia đình, cũng  thực hiện nếp sống mới trong tập tục cưới xin ở địa phương. Nếu không có  quy định này, nhà bà Bàn, bà Hạnh sẽ cực kỳ vất vả và tốn kém để tổ chức 5 và 6 đám cưới cho con trai.

Bà Bàn vui vẻ nói: “Tiết kiệm lắm cháu ạ. Nếu tổ chức như xưa có khi giờ bác và các con vẫn phải làm mà trả nợ đám cưới”.

Từ xa xưa đến nay, việc đi xem bói để hỏi ngày cưới, tuổi cưới là một tập tục khó bỏ gây ra nhiều hệ lụy, tốn kém. Từ suy nghĩ đấy, phải tổ chức ngày cưới theo ngày, nhưng phải đúng vào ngày tâm lí người dân đồng thuận, phải tránh các ngày 5, 14, 23, vì các ngày này là ngày kiêng kị. Cho nên, ngày mùng 2 và 16 được lấy làm ngày cưới ở Yên Lạc cũng vì lẽ đó.

Theo quan niệm của người dân Yên Lạc, khi lấy 2 ngày đó làm ngày cưới thì tránh được tập tục mê tín, dị đoan; tâm lí của người dân trong 2 ngày này cũng là ngày đẹp để tổ chức cưới xin; phân chia cưới cùng ngày sẽ phân chia được mật độ người tham dự. Nếu như trong một ngày có 3 đám cưới, đáng lẽ ra phải dự  3 đám thì giờ chỉ đi 1 đám, còn 2 đám kia gửi phong bì, mừng như thế 2 đám kia sẽ tiết kiệm được 40-50% mâm cỗ.

“Tháng 8 và tháng 9, là tháng có số lượng đám cưới nhiều, tập trung 2-3 đám trong một ngày, đương nhiên khách sẽ phân tán ra các đám. Vì vậy, sẽ tránh được ngày cưới liên miên, giảm sức lao động, tránh được nạn say sưa và đỡ lãng phí”, ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch HTX Vĩnh Tiên cho biết.

Cả thị trấn chạy sô đám cưới

Người thôn Yên Lạc vẫn còn nhớ trước đây những đám cưới linh đình, dềnh dàng  kéo dài làm nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần túng thiếu. Thị trấn hầu như ngày nào cũng có đám cưới, có những người ngày nào cũng phải đi đám cưới đến mức chỉ nhìn thấy giấy mời là “sợ”.

Nhưng những điều đó đã trở thành dĩ vãng, giờ đây cả thị trấn mỗi tháng chỉ có hai ngày để  tổ chức đám cưới. Vào những ngày mùng 2 và 16 Yên Lạc tưng bừng những xe hoa, nhộn nhịp cô dâu chú rể. Vào những ngày ấy, cứ ra ngõ là gặp đám cưới. Cả thị trấn cứ như mở hội cưới tập thể.

Vui nhất là cảnh cả làng ới nhau đi ăn cỗ cưới. Hầu hết các gia đình đều dừng công việc vào ngày hỷ của cả thị trấn để chung vui với các gia đình có con dựng vợ gả chồng.

Chuyện chạy sô đi đám cưới trở nên quen thuộc. Những ngày cưới cao điểm, với nhiều người đi đám nhưng đâu có thời gian để ngồi ăn và nhâm nhi chén rượu. Vì phải căn thời gian còn đi mừng cưới gia đình khác. Cũng chính vì thế, đã từng xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười khi đi ăn cỗ cưới ở Yên Lạc. Nhiều trường hợp chạy liền tù tì mấy đám nên không kịp ăn gì, nên lúc vác bụng đói meo về nhà là… xỉu. Có trường hợp đi xong mấy đám, đến đám cuối cùng khi vừa vào cổng thì đã thấy ban phục vụ dọn dẹp mâm cỗ cả rồi, nên chỉ mừng cưới cô dâu chú rể xong về bụng không.

Chuyện lạ ở Yên Lạc - Kỳ 1: Chỉ làm đám cưới 2 ngày trong tháng ảnh 2 Một góc Yên Lạc
Không ngờ quy định tưởng chừng như “viển vông” ở Yên Lạc lại được thực hiện bài bản như thế.   

Trước khi kết hôn 3 tháng, chính quyền địa phương tổ chức buổi gặp mặt tất cả cặp đôi cưới cùng đợt để cấp giấy đăng ký kết hôn và ký vào bản cam kết tuân thủ những quy định trên thì được cưới. Song, những điều này chỉ bắt buộc với nam thanh niên ở thị trấn hoặc cô dâu nơi khác về Yên Lạc. Còn những cô dâu Yên Lạc đi lấy chồng nơi khác thì rất thoải mái. Cho đến nay vẫn chưa có hộ gia đình nào làm trái với quy định đó.

Dưới cái nắng gắt như lửa thiêu, ông Đại cho biết: “Từ khi nếp sống văn minh đi vào lòng người dân và thấy được nhiều mặt lợi thì các nơi như: Bắc Ninh, Thanh Hóa... về đây tham quan và muốn đưa về địa phương làm thí điểm”.

Yên Lạc giờ đây không còn cảnh say sưa, ăn uống linh đình, lãng phí mỗi khi có đám cưới như vài chục năm trước đây. Giờ đây nhà nhà  no đủ, hăng say làm ăn và cũng một phần nhờ cái quy định “viển vông” đó.

Quy định chỉ được cưới 2 ngày trong tháng thực hiện đến nay đã hai mươi năm, nhưng không thấy một người nào, nhà nào phản đối. Cũng không ai còn nhớ  quy định đó đi vào nếp sống người dân Yên Lạc từ bao giờ, chỉ biết rằng, người bé làm theo người lớn, con làm theo cha mẹ, cháu chắt làm theo ông bà, chẳng ai bảo ai, rồi cứ thế mà thực hiện. Giờ đây đám cưới được tổ chức 2 ngày trong tháng đã trở thành một thứ “đặc sản” mà người dân Yên Lạc lấy làm tự hào.

Nhưng chuyện lạ Yên Lạc không chỉ có chuyện cưới. Chuyện mồ mả cho người đã khuất, thị trấn Yên Lạc cũng có những quy định kỳ lạ. Về đây, chúng tôi ngạc nhiên khi có rất nhiều ngôi mộ xây sẵn dành cho người... sống.                

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Miền Trung sắp đón mưa dông
Miền Trung sắp đón mưa dông
TPO - Dự báo trong chiều tối và đêm nay, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác. Từ đêm nay, vùng mưa cũng mở rộng ra khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Miền Bắc tiếp tục những ngày thu nắng đẹp, trời se lạnh vào đêm và sáng.