Nhiều bất cập, chưa đáp ứng thực tiễn
Sáng 10/6, tại hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí. Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá hoạt động báo chí trong thời gian vừa qua một cách tổng thể và khoa học.
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS Phan Văn Kiền (Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho rằng, Luật Báo chí 2016 còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với tình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí hiện nay.
Điển hình như khi xử lý về vi phạm đối với báo chí phát thông tin sai thì báo điện tử ngoài đăng lời xin lỗi còn phải gỡ bỏ thông tin sai, nhưng nếu đăng trên báo in thì mới chỉ có đăng cải chính thông tin. Từ đó, ông Kiền đặt ra vấn đề Luật Báo chí cần bổ sung việc thu hồi sản phẩm báo in đã phát hành có đăng tải thông tin sai sự thật. Dù giá trị lưu trữ của báo in không cao như cuốn sách, song nếu không thu hồi, các thông tin sai vẫn tồn tại.
"Đối với phóng viên chưa có thẻ nhà báo, hoạt động tác nghiệp như những nhà báo bình thường thì có phải là nhà báo không? Từ đó có nên phân cấp 'thẻ nhà báo' và 'thẻ phóng viên' hay không? Luật Báo chí cần có nội dung để điều chỉnh vấn đề này", ông Kiền phát biểu.
Trong khi, tại kỷ yếu hội thảo, TS Lê Thu Hà (Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, Luật Báo chí 2016 chỉ quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên trong khi thực tế đội ngũ này ở văn phòng đại diện các địa phương khá nhiều.
Theo TS Lê Thu Hà, đối với quy định phóng viên có nêu “nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” chưa bao quát hết các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong các cơ quan báo chí, bao gồm những người hoạt động nghiệp vụ dưới hai năm (chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo)...
Bên cạnh đó, quá trình thực thi Luật Báo chí 2016, TS Lê Thu Hà thấy có một số khó khăn, vướng mắc được Bộ TT&TT ghi nhận, như: Luật chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn trong công tác quản lý; Luật cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí, trong khi đó, chính các đối tượng bị điều chỉnh theo Luật Báo chí 2016 cũng không nắm chắc Luật, dẫn đến tình trạng thực hiện không đến nơi đến chốn...
Toàn cảnh hội thảo. |
Quan điểm khác nhau về sử dụng hình ảnh bị can, bị cáo
Còn bà Nguyễn Nữ Lan Oanh (quyền Chánh Thanh tra Sở TT&TT Nghệ An) cũng kiến nghị, cần xem xét lại việc “sử dụng hình ảnh cá nhân” trên báo chí.
Theo bà Oanh, Sở TT&TT Nghệ An, từng phải thụ lý đơn của công dân kiện phóng viên và cơ quan báo chí, một trong những nội dung đơn của công dân là tố cáo sử dụng hình ảnh cá nhân không xin phép. Còn Luật Báo chí chưa có quy định về việc sử dụng hình ảnh cá nhân, đặc biệt trường hợp “phóng viên có được sử dụng hình ảnh của các bị cáo, bị can, người phạm tội tại phiên tòa trong bài viết của mình không?”.
Bà Oanh cho rằng, do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc có cần sự đồng ý, cho phép của người đó hay không nên dẫn đến hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, bị can, bị cáo, người phạm tội trong các vụ án hình sự chỉ bị chế tài bởi Bộ luật Hình sự về tội danh mà họ phạm tội và tội danh đó phải được tuyên bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc này người phạm tội mới mất đi một số quyền nhất định như: bầu cử, ứng cử, tự do đi lại, xuất cảnh... Riêng "quyền hình ảnh" của họ vẫn không bị mất, được pháp luật bảo vệ nên khi sử dụng cần phải xin phép.
Quan điểm thứ hai căn cứ vào Khoản 2, Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì có thể hiểu việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp này vì mục đích công cộng, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thì không cần phải xin phép hay được sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh phải đảm bảo không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh...
Theo thông tin đưa ra tại hội thảo, có 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề đó cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Trước những bất cập nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo số 57/BC-BTTT ngày 30-3-2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Theo thông tin đưa ra tại hội thảo, có 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.