Nhà báo tác nghiệp, khi nào được coi là thi hành công vụ?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài để xử lý hành vi hành hung, tấn công nhà báo hiện nay đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp nào việc tác nghiệp của nhà báo được coi là “thi hành công vụ” vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Như tin đã đưa, ngày 15/6 Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ đối với ông Trần Văn Hạnh (SN 1961, ở xã Phù Lỗ) để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Ông Hạnh bị xác định là người lái ô tô bán tải 24C-011.25 đi từ trong khu đất bị phản ánh lấn chiếm ao hồ trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đâm thẳng về phía nhóm phóng viên Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đang tác nghiệp sáng 13/6. Sau khi đâm “hụt” nhóm phóng viên, ông Hạnh cố tình đâm hư hỏng chiếc máy quay rồi bỏ đi.

Điều đáng nói, vụ việc trên chỉ là một trong số các vụ nhà báo, phóng viên bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp xảy ra thời gian qua, trong khi đó số vụ được xử lý triệt để khá ít. Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài để xử lý hành vi hành hung, tấn công nhà báo hiện nay đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp nào việc tác nghiệp của nhà báo được coi là “thi hành công vụ” vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Cần xử lý nghiêm

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Quang Lợi – Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Luật Báo chí 2016 đã quy định rất rõ không ai được phép cản trở, đe dọa, hành hung, phá hủy cũng như thu giữ tài liệu của nhà báo hoạt động đúng pháp luật.

“Tuy nhiên, gần đây một vài vụ việc nhà báo, phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật vẫn bị cản trở, đe dọa và bị hành hung. Điều đó cho thấy việc thực thi pháp luật chưa đủ mức bảo vệ nhà báo, phóng viên. Nhà báo chỉ có thể hoàn thành được trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và sứ mệnh cao cả của mình đó là bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải và đấu tranh chống tiêu cực nếu được xã hội, người dân và pháp luật bảo vệ thông qua các cơ quan bảo vệ pháp luật” – ông Lợi chia sẻ.

Cũng theo nhà báo Hồ Quang Lợi, trường hợp phóng viên VTV bị đe dọa và phá hủy máy quay là việc rất nghiêm trọng. Ngay sau đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời thể hiện thái độ trên VTV và có công văn gửi lãnh đạo UBND, Công an TP Hà Nội, đề nghị khẩn trương điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc.

Nhà báo Tạ Bích Loan – Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo VTV cho biết thêm, Liên chi hội hết sức bất bình trước hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp, gây nguy hiểm cho phóng viên cũng như làm hư hỏng phương tiện kỹ thuật. “Câu chuyện xảy ra trước thềm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 một lần nữa cho thấy việc nhà báo luôn gặp những khó khăn, cản trở khi thực hiện công việc điều tra của mình. Do vậy, chúng ta cũng cần có các biện pháp để bảo vệ nhà báo tác nghiệp được tốt hơn trong thời gian tới” – nhà báo Tạ Bích Loan nói. 

Khi nào được coi là thi hành công vụ?

Trước một số ý kiến tranh cãi “Tác nghiệp của nhà báo có được coi là thi hành công vụ?”, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, hoạt động báo chí là ngành đặc thù, đòi hỏi phải có quy định nhằm bảo đảm cho nhà báo tác nghiệp được thuận lợi, an toàn. Việc tác nghiệp của nhà báo có là hoạt động công vụ hay không cũng đã được đặt ra và cần tiếp tục trao đổi để thống nhất, có quy định cụ thể, rõ ràng.  “Tôi nghĩ những quy định trong Luật Báo chí cũng như các điều luật khác liên quan đến báo chí cũng đủ để bảo vệ nhà báo, vấn đề ở đây là chúng ta thực hiện việc đó như thế nào” – ông Lợi nói.

Bàn về vấn đề trên, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của xã hội và được pháp luật bảo vệ. Nhà báo, phóng viên tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi tất cả hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.

“VTV là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do vậy nhà báo, phóng viên của Đài là cán bộ công chức Nhà nước. Họ nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng báo chí nên được xác định là người thi hành công vụ” – luật sư Lực nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư Lực, nhà báo, phóng viên cần chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ khi tác nghiệp báo chí như máy ghi hình, qua đó sẽ có bằng chứng rõ ràng về những hành vi cản trở hoạt động báo chí đúng pháp luật. “Các chứng cứ rõ ràng sẽ là cơ sở vững chắc để cơ quan chức năng can thiệp pháp lý bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhà báo, phóng viên” – ông Lực nói.

Cùng quan điểm với luật sư Lực, song luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần phải tách bạch giữa vai trò quản lý nhà nước và vai trò về nghiệp vụ chuyên môn trong hoạt động báo chí. “Trong trường hợp nhà báo đi chụp hình, quay phim làm phóng sự là một hoạt động tác nghiệp bình thường của báo chí, do vậy không nên xác định đây là hoạt động công quyền” – luật sư Tú nói.

Bên cạnh đó, luật sư Tú cho rằng các nhà báo đều được cấp thẻ của Bộ Thông tin truyền thông. Nhưng, ví dụ như khi bị hành hung, bị hại là nhà báo thuộc VTV thì đối tượng bị khởi tố hành vi “Chống người thi hành công vụ”; còn nhà báo của một cơ quan khác thì đối tượng bị khởi tố hành vi “Cố ý gây thương tích” sẽ dẫn đến nhiều bất cập, bối rối và tạo tiền lệ phức tạp trong việc áp dụng các quy định của pháp luật.

Uy hiếp tính mạng nhà báo: Phạt tới 60 triệu đồng

Theo Điều 7, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi “Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên”. Những người có hành vi vi phạm này còn phải xin lỗi, trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí.

MỚI - NÓNG