Kinh tế báo chí: Cần sửa đổi hoàn thiện pháp luật, tăng chi tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 1/3/2023, đã diễn ra cuộc làm việc giữa Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Thông tin & Truyền thông về “Kinh tế báo chí và việc hoàn thiện pháp luật về báo chí”.

Báo cáo của Bộ TT&TT cho biết hiện có hơn 800 cơ quan báo và tạp chí trung ương và địa phương, tổng hợp và chuyên ngành với nhân sự khoảng 41.000 người.

Về kinh phí, 39% cơ quan báo, tạp chí tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên; 36% tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 25% được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Cơ cấu nguồn kinh phí của cơ quan báo chí: Đối với báo chí in, báo chí điện tử: NSNN cấp chiếm 23%; Nguồn thu từ dịch vụ chiếm 77%. Đối với các cơ quan phát hành và truyền hình: NSNN cấp chiếm 37,7%, nguồn thu từ dịch vụ chiếm 62,3%.

Kinh tế báo chí: Cần sửa đổi hoàn thiện pháp luật, tăng chi tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì cuộc làm việc.

Các cơ quan báo chí có một số nguồn thu như từ NSNN (hỗ trợ, đặt hàng), Quảng cáo (tực tiếp, gián tiếp), Bán báo (báo giấy), Khai thác kinh doanh sản phẩm phụ, Tài trợ (sự kiện, truyền thông), Đóng góp từ người dùng (báo điện tử). Theo một số cơ quan báo chí, nguồn từ NSNN là khó tiếp cận (chỉ một số cơ quan báo chí được hưởng), quảng cáo đang giảm, bán báo (báo giấy) giảm khá nhanh, khai thác kinh doanh sản phẩm phụ không nhiều, tài trợ khó tăng thêm. Một số cơ quan báo chí hướng đến nguồn thu mới từ bạn đọc báo điện tử (thu phí) nhưng chưa nhiều.

Trong điều kiện phải cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên mạng, cố gắng thu hút độc giả trước những thay đổi hành vi của của độc giả do công nghệ làm báo mới và phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, báo chí nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế do doanh thu quảng cáo báo chí sụt giảm mạnh vì kinh phí quảng cáo chảy vào các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok… đến 80%. Nguồn thu từ bán báo ngày càng teo nhỏ, nguồn thu từ thu phí báo điện tử chưa đáng kể. Khó khăn càng trầm trọng thêm do đại dịch COVID 19. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân chủ quan từ nhiều cơ quan báo chí…

Kinh tế báo chí: Cần sửa đổi hoàn thiện pháp luật, tăng chi tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển ảnh 2

Đại biểu phát biểu tại cuộc làm việc.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc tạo cơ chế và chính sách cho hoạt động kinh tế báo chí. Hiện chi ngân sách thường xuyên cho báo chí từ chiếm khoảng 0,5% chi thường xuyên của ngân sách. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại khá nhiều vấn đề trong cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ.

Từ đó, bản báo cáo của Bộ TT&TT và tại cuộc làm việc, một số ý kiến phát biểu đặt vấn đề về việc cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trong đó có các vấn đề liên quan kinh tế báo chí, đặc biệt là phân loại rõ hơn báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị và báo chí phục vụ nhu cầu giải trí, thương mại để có cơ chế, chính sách tài chính phù hợp với từng loại. Cũng dự kiến sẽ kiến nghị sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, ưu đãi về mức thuế cho các cơ quan báo chí.

Cũng đặt vấn để sửa đổi các luật Quảng cáo (để đảm bảo xu thế phát triển của công nghệ trong lĩnh vực báo chí), Cạnh tranh (kiểm soát cạnh tranh, chống độc quyền, quản lý hoạt động kinh doanh của các nền tảng xuyên biên giới). Dự kiến sẽ kiến nghị tăng nguồn lực kinh phí (từ dưới 0,5% lên 0,65% tổng chi thường xuyên của NSNN) và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng thêm đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để thực hiện thông tin, tuyên truyền.

Cũng rất quan trọng là việc đặt vấn đề trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển của các cơ quan báo chí để từ đó tăng hiệu quả của kinh tế báo chí.

MỚI - NÓNG