Chương trình tích hợp: Đổi mới có thành công?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau 2 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THCS, quản lý các trường học kêu trời vì giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng phải đứng ra dạy tích hợp. Không có kiến thức chuyên sâu, khi đứng lớp giáo viên bối rối, mất tự tin, đặc biệt không thể trả lời nếu bị học sinh đặt câu hỏi khó.

Giáo viên mất tự tin

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã áp dụng cho lớp 6, 7. Theo Bộ GD&ĐT, trong chương trình mới, Lịch sử và Địa lí bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng và có phần tích hợp. Riêng môn khoa học tự nhiên, bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời; các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Chương trình tích hợp: Đổi mới có thành công? ảnh 1

Giáo viên học sinh trường THCS gặp khó khăn khi dạy và học tích hợp

Trước đây, giáo viên đứng lớp dạy từng môn riêng rẽ, ở chương trình mới kiến thức nhiều phần tích hợp liên môn nên đòi hỏi họ phải hiểu biết các môn liên quan mới đảm nhận được môn học. Trên thực tế, khi thực hiện chương trình, giáo viên chỉ được tập huấn và bồi dưỡng chứng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn từ 2-3 tháng nhưng vẫn phải dạy học tích hợp.

“Riêng ngành sư phạm, để đào tạo giáo viên phải sâu sát từ kiến thức chuyên môn 4 năm và rèn luyện tác phong, đạo đức chứ không thể tập huấn qua loa và yêu cầu họ đứng lớp là cơm chấm cơm, không hiệu quả”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Thầy Nguyễn Văn Hoá, giáo viên Trường THCS Lưu Vĩnh Bắc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, bản thân thầy từng học hệ cao đẳng môn Hóa -Sinh sau đó học lên ĐH. Sau nhiều năm dạy Sinh học, mới đây được giao đảm nhận thêm môn Hóa trong bộ môn tích hợp với phần kiến thức chung nhiều khi gặp khó khăn. Ví dụ, chương “Trái đất và bầu trời” kiến thức thiên về khoa học nên để đứng lớp được, giáo viên phải đọc, tìm hiểu rất kỹ nếu không sẽ rất lơ mơ. Trong hè này, thầy và các thầy cô đảm nhận bộ môn sẽ tiếp tục học thêm các môn để củng cố kiến thức, đảm nhận môn học trong năm tới.

Bà Đặng Thanh Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho biết, nhà trường gặp nhiều khó khăn khi triển khai dạy bộ môn tích hợp, nhất là phần đội ngũ. Với những mảng kiến thức tích hợp mới trong các môn học, giáo viên chỉ đi đào tạo 3 tháng lấy chứng chỉ, khó có thể đảm đương được. “Tôi là giáo viên Toán nếu giờ cho đi dạy môn khác khẳng định là không thể. Ở vai trò quản lý, nhà trường ghi nhận giáo viên các môn đó rất nỗ lực nhưng thiếu kiến thức chuyên sâu, lên đứng lớp sẽ thiếu tự tin, học sinh hỏi khó không biết trả lời. Cách dạy như hiện nay không khác nào giáo viên đọc sách giáo khoa rồi lên bục giảng, rất bất cập”, bà Phúc cho hay.

Hiệu trưởng một số trường THCS khác nói rằng, không đào tạo giáo viên đã dạy học trong khi chương trình càng lên cao càng khó, giáo viên có thể dạy sai kiến thức. Chưa kể, chương trình bộ môn tích hợp bố trí các chủ đề khác nhau dẫn đến việc xếp thời khóa biểu cho giáo viên khó khăn. Nhà trường xếp lịch tuần tự cho Lý, Hóa, Sinh dẫn đến một khoảng thời gian có giáo viên trống tiết. Điều bất cập nữa là học sinh học kiến thức Hóa học một lèo từ đầu năm đến cuối năm sẽ quên hết, không có nền tảng cho năm tiếp theo.

Khó hiệu quả

Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo đã đưa vào dạy học tích hợp như hiện nay sẽ không đảm bảo hiệu quả. Theo bà Na, cần phải dạy học tốt các môn từ bậc THCS, khiến học sinh yêu thích, đam mê môn học thì lên THPT các em mới có cơ sở, nền tảng để chọn tổ hợp theo định hướng nghề nghiệp. “Còn cách đem giáo viên Sinh học đi dạy Vật lý, Hóa học, học sinh không hiểu sẽ chán ghét, bỏ bê môn học và lên THPT đương nhiên sẽ không chọn môn học đó”, bà Na nói.

Báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội gửi Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 chỉ ra, địa phương chưa có giáo viên đủ năng lực thực sự để đảm nhận dạy học tích hợp. Nếu để giáo viên dạy riêng thành phân môn sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí vì kiến thức có sự đan cài khá chặt chẽ. Nhưng để cho 1 giáo viên dạy cùng lúc cả ba phân môn hiệu quả sẽ không cao. Về chương trình, hiện nay, môn học tích hợp như khoa học tự nhiên chủ yếu là ghép cơ học, chưa thể hiện rõ tính tích hợp, liên môn. Môn Lịch sử và Địa lý, chương trình chưa có sự tích hợp tương ứng với tên gọi môn học mà sách giáo khoa vẫn thể hiện song song kiến thức các phân môn riêng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, xác định tích hợp là môn học mới, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các nhà trường căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng phân công dạy học các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn. Các trường cần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Ngoài ra, để đáp ứng chương trình mới, từ năm 2019 đến nay Bộ GD&ĐT đã biên soạn tài liệu và tập huấn cho giáo viên cốt cán cả nước. Như vậy, đối với mỗi giáo viên, việc dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn không có gì thay đổi lớn so với chương trình hiện hành.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, có hai yếu tố cốt lõi để đảm bảo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đó là đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất (trường, lớp, sách vở, bàn ghế…). Trong khi lần đổi mới chương trình 2018 này, ngành Giáo dục chỉ chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa theo từng năm và vội vàng triển khai khi chưa đào tạo đội ngũ. Người thầy không được đào tạo sẽ bị động, chuyên môn một đằng đi dạy một nẻo sẽ thiếu tự tin. Công cuộc đổi mới như vậy khó có thể thành công.

“Giáo dục là ngành đặc thù, đào tạo ra sản phẩm chính là con người, không thể làm qua loa, vừa làm vừa sửa”, ông Nhĩ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.