Những câu hỏi đặt ra quanh vụ việc một học sinh lớp 10 của Trường THPT chuyên, Trường Đại học Vinh tự tử cùng hàng loạt video bạo lực học đường cho thấy thành lũy giáo dục đang bị phá vỡ.
Nhân đây, Tiền Phong gửi đến bạn đọc quan điểm mới về bạo lực học đường của PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT: Bạo lực trắng.
Có lẽ tôi sẽ không ngủ được, nếu để lòng mình nằng nặng, nên đành viết ra. Câu chuyện bạo lực học đường từ sự ghẻ lạnh, tẩy chay vốn chẳng gây ra máu chảy hay bất cứ cái gì mà chúng ta nhìn thấy, để chúng ta gọi nó là bạo lực. Nhưng giờ đây, hầu hết chúng ta đã nhận ra, không phải chỉ là đánh nhau mới là bắt nạt. Cuộc sống này có những kiểu bắt nạt đáng sợ, mà người ta tạm gọi là "bạo lực trắng", "bạo hành lạnh", để ám chỉ sự bạo hành ép người ta vào sự bị cô lập, cảm thấy bị bỏ rơi trong chính cuộc đời này.
Từ trải nghiệm của chính tôi, trong cuộc sống của tôi, trong giáo dục con của tôi và cả các học trò nữa, tôi biết rằng sự cố ý bỏ rơi, sự ghẻ lạnh, ... sẽ đẩy con người đến cô đơn, đến tuyệt vọng. Khi đi tìm nguyên nhân của vấn đề, rất dễ nhận thấy "chẳng ai có lỗi, hay dám nhận lỗi" nếu chỉ đối chiếu "những việc phải làm". Cho nên tôi thường nhắc nhở bản thân, và thường trực trong bất kì tình huống sư phạm nào khi chia sẻ với giáo viên, khi họ cứ hỏi tôi: gặp chuyện này thì làm thế nào; gặp bài này thì dạy ra sao... tôi luôn nói "thấu hiểu" mới có thể xử lí tốt tình huống sư phạm, mới tìm ra phương pháp phù hợp.
Tôi cũng tha thiết rằng, Giáo dục không phải là Dạy học. Nên đừng chỉ đưa ra cái cớ của chương trình, nội dung, những gì phải dạy để nói về tất cả những việc người lớn phải làm, phải đầu tư cho đứa trẻ. Những người lớn thành công trên mảnh đất giáo dục, sẽ do cơ may nếu họ gặp những mầm mống khoẻ và tốt - nhưng tất cả những giáo viên hay cha mẹ an tâm khi về già, thì đều nói rằng: họ đã giúp học trò/con của họ bằng sự thấu hiểu, để đứa trẻ đó được học và được lớn, được trưởng thành.
Những đứa trẻ, dù giỏi hay kém, ngoan hay hư, ... trong một thang đo nào đó, vẫn là những đứa trẻ. Trong con người chúng, có sự hỗn độn thiện, ngỗ ngược. Chúng dễ dàng thay đổi cách cư xử, từ "không thể chấp nhận được" sang "dễ thương" nếu như có người Hiểu để rồi CHẤP NHẬN và dẫn dắt chúng, chạm vào trái tim chúng, khiến chúng tự mình hướng THIỆN.
Tôi nhớ khi Thùy Dương học lớp 7. Tôi đã giật mình thế nào khi có phụ huynh nhắn tin cho tôi rằng Thùy Dương đang đầu têu bắt nạt một bạn, kêu gọi các bạn khác không chơi với bạn đó, vì bạn đó hư và hay bắt nạt các bạn khác. Lúc đó, tôi chủ động tan làm sớm, tôi muốn về nhà, để nhanh chóng "xử lí Thùy Dương".
Nhưng trên đường đi gần 10 km, tôi tự hỏi mình, nếu tôi mắng Thùy Dương, nếu tôi nói với con "mẹ có dạy con thế đâu, con làm mẹ xấu hổ quá, con phải xin lỗi bạn, ...!", khi đó Thùy Dương sẽ phản ứng thế nào. Nên về đến nhà rồi, tôi lại tiếp tục đi mấy vòng quanh sân chung cư. Rồi nén tất cả lại.
Để đến khi ăn cơm tối xong, tôi rủ Thùy Dương đi ăn kem. Khi tôi khoác tay con, tôi còn không dám nhìn mặt con, để nói thẳng. Tôi đành vừa ăn kem, vừa đàm thoại, bằng cách hỏi - đáp: rằng, khi một người nghe thấy mình bị cấm chơi, thì họ sẽ ra sao? Thế nào là một người bạn xấu đến mức không thể chơi? ...
Hai mẹ con tôi đã nói chuyện khá lâu, và Thùy Dương tự dừng lại, con nói: thực ra chẳng bạn nào xấu đến mức không chơi, ở lớp con cũng có bạn xấu, con cũng thấy ghét. Nhưng con thấy đúng là, nếu không có ai chơi, thì càng ngày càng xấu hơn. Và trước khi đi ngủ hôm ấy, Thùy Dương kể chuyện cho tôi về bạn của mình. Thùy Dương nhận ra "khẩu lệnh cấm chơi" của con sẽ gây hậu quả thế nào, và con không bao giờ muốn điều đó xảy ra. Con nói, mai con sẽ xin lỗi những bạn bị con ra "khẩu lệnh", con thử chơi bình thường với bạn xem sao, chắc nó sẽ vui lắm.
Khi viết đề xuất Dự án Trường học Hạnh phúc (vào những ngày cuối năm 2018), tôi chỉ nhấn mạnh rằng "sự thờ ơ" với bất kì chuyện gì chính là mầm mống của bất hạnh, của bạo lực. Tôi mong muốn các nhà trường thay đổi, bằng sự Thấu Hiểu giữa đồng nghiệp, giữa Thầy - Trò để tạo môi trường giáo dục, chứ không phải thành tích trong dạy học.
Giáo dục là quá trình phát hiện ra, những điều rất thú vị, những điều rất đau lòng, những cơ hội và cả những hy vọng về mỗi đứa trẻ, mỗi gia đình, về mỗi chúng ta. Mỗi ngày, hãy để ý nhiều hơn, phát hiện được nhiều hơn, để thay đổi hành xử, để tránh đi những sự hờ hững ràng buộc bởi kiến thức, điểm số, "bởi không sai, nhưng sẽ day dứt suốt cuộc đời!".
Trước đó mạng xã hội lan truyền thông tin học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên ĐH Vinh tự tử. Đại diện gia đình cho biết, gia đình đã 2 lần lên gặp Ban giám hiệu nhà trường để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập, tẩy chay và xin chuyển lớp cho con. Thế nhưng ý kiến của gia đình học sinh không được nhà trường chấp thuận.