Trên đất cố đô Huế, võ sư Nguyễn Văn Anh đươc biết đến là người đã kinh qua nhiều môn phái, thông thạo nhiều thế võ từ hiện đại đến cổ truyền, đặc biệt là rất giỏi hầu quyền-võ của loài khỉ.
Từ đam mê võ thuật, võ sư Anh chuyển qua sưu tầm binh khí cổ. Suốt 3 năm qua, hễ nghe ở đâu có bán cây kiếm, cây đao thời nhà Tây Sơn hay triều Nguyễn, võ sư Nguyễn Văn Anh (64 tuổi, trú số 50 đường Bến Nghé, TP Huế, Thừa Thiên - Huế) lại cất công tìm kiếm, bỏ tiền ra mua.
Ông tâm niệm rằng, sưu tập được những binh khí cổ của cha ông ngày trước là cách tốt nhất để lưu giữ truyền thống, lịch sử võ học của dân tộc cho thế hệ mai sau.
Năm 2013, võ sư Anh dành công sức, tiền bạc để bắt tay vào việc tìm kiếm và sưu tập các loại binh khí cổ của triều Tây Sơn, triều Nguyễn từ các phủ đệ, các cá nhân chơi đồ cổ ở Huế mang. Đến nay, ông đã sưu tập hơn 150 hiện vật là các loại binh khí cổ.
Bộ kiếm thời cuối nhà Nguyễn. Ảnh: Võ Thạnh
Trong ngôi nhà số 50 đường Bến Nghé, TP Huế, ông xây dựng một ngôi nhà gỗ ở tầng 2, dành riêng cho việc trưng bày các loại binh khí mà sưu tập được. Võ sư Anh gọi nơi trưng bày là bảo tàng binh khí thu nhỏ, với lưu giữ các loại binh khí như kiếm, đao, được bố trí gọn gàng, phân theo từng giai đoạn lịch sử, có ghi chú niên đại cụ thể.
Cặp chùy thời nhà Nguyễn được đúc băng đồng, có họa tiết đầu rồng độc đáo. Ảnh:Võ Thạnh
Cùng với đao, kiếm súng trường, võ sư Anh còn sưu tập các loại binh khí độc đáo trong võ cổ truyền Việt Nam như hắc hổ chuỳ, câu liêm thương, thiết quyển, trường phủ, thanh long đao, trường kích, đinh xà, bát xà mâu…
Đa số các loại binh khí ông sưu tầm được làm từ chất liệu đồng, chế tác hoạ tiết rất công phu, như cây đoản kiếm triều Nguyễn, cây bát xà mâu, thanh long đao.
Nhiều người quan tâm đến binh khí cổ cũng thường hay lui tới tịnh thất võ sư Anh chiêm ngưỡng các loại binh khí. Ảnh: Võ Thạnh
Có những loại binh khí mà ông phải bỏ ra trên chục triệu đồng để mua về "cho bằng được" từ các phủ đệ và những người chuyên buôn đồ cổ. Võ sư Anh thích nhất cặp chùy triều Nguyễn có khắc họa tiết rồng ở cán, được ông mua với giá 44 triệu đồng từ một người dân. Theo ông Anh, với cặp chùy nặng như vậy, ngày xưa chỉ có bậc danh tướng sức khỏe phi phàm mới sử dụng tinh thông.
Bộ kiếm thời nhà Nguyễn. Ảnh: Võ Thạnh
Ngoài binh khí, võ sư Anh còn cất công sưu tầm hơn 3.000 cuốn sách nói về võ thuật. Ông ước nguyện một ngày nào đó Võ Thánh Miếu, nơi thờ phụng các danh tướng thời khai quốc nhà Nguyễn sẽ được khôi phục, trở thành nơi trưng bày các loại binh khí cổ của ông cha ngày trước.