Trống đồng cùng kiếm lệnh Hội Cổ vật xứ Thanh dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Xuân Ba |
Tại bảo tàng cổ vật Hoàng Long (Hội cổ vật Thanh Hóa) được ngồi mà quan chiêm đoàn nghệ thuật xứ Thanh biểu diễn vũ khúc trống đồng để mở màn cho một hội thảo lớn Đúc thành công trống đồng bằng phương pháp truyền thống thấy dậy lên bao thứ cảm khái.
Chợt thấy kế bên mình sắc tóc đã bạc của nhà sử học Dương Trung Quốc dường như phơ phơ hơn. Tất nhiên là ông đang xúc động, với lại tóc ông vốn đã trắng sẵn chớ chả phải như vị sứ thần Trần Tung người phương Bắc năm xưa nghe âm thanh trống đồng Đại Việt đồng cổ thanh trung bạch phát sinh (nghe rộn trống đồng tóc đốm hoa).
Đủ đầy cùng tột bậc sự phát hoảng của viên sứ thần Nguyên Mông năm Kỷ Tỵ (1329) ấy là Kinh qua ảnh lý đan tâm khổ/ Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh (Ngó thấy sắc trắng rợn của đường gươm đao mà lòng tan nát cay đắng/Nghe thấy tiếng trống đồng mà tóc tai dựng ngược và phát bạc cả lên).
Qua nhiều cuộc thử nghiệm thành có, bại có, những đận đúc nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt, đúc dâng tặng Di tích Đền Hùng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long, dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu Di tích Kim Liên, vv... Rồi sản phẩm của thợ trẻ Đông Sơn được giới thiệu trong Lễ hội Lam Kinh, trong hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn và, gần đây nhất là, Lễ hội Làng Sen, trực tiếp đúc và biểu diễn thử nghiệm lần đầu tại phố cổ Hội An trong tuần giao lưu văn hóa Nhật Việt. Trống được đúc đủ mọi kích cỡ, hình dáng cân đối, đường nét hoa văn tinh xảo sắc nét, màu sắc đồng sáng bóng âm thanh rõ có tiếng ngân vang... |
Chưa rõ các vua tôi nhà Trần có dùng trống đồng làm trống trận không nhưng hình như Trần Tung (có bản chép là Trần Phu) nhắc đến xa hơn, âm thanh trống đồng - trống trận của những Hai Bà Trưng, Triệu Trinh Nương, Khúc Thừa Dụ, Mai Thúc Loan?
Trần Tung vô tình trở thành nhà chép sử nước ngoài duy nhất mô tả thứ binh khí lợi hại ấy của Đại Việt mình.
Trọn nửa ngày hội thảo, được nghe các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa vén cho quang thêm sự mù mờ u tối này khác về trống đồng lại cũng chả sướng sao? Người Việt thời vương quốc Văn Lang thờ thần mặt trời, vì vậy mặt trời được thể hiện lớn trên mặt trống đồng.
Giá trị của trống đồng trở thành biểu tượng của nền văn hóa, văn minh cổ xưa cách đây ba nghìn năm.
Thời nhà Hạ có trống một chân (Túc cổ). Thời nhà Thương có doanh cổ (trống có lỗ thông ở giữa). Các hoàng đế Trung Hoa có trống giao long (da quỳ). Nhưng, cứ như nhà sử học Dương Trung Quốc, chúng đều không thể vượt qua sự trường tồn và giá trị văn hóa cổ của trống đồng Việt cổ. Trống đồng còn là biểu tượng cao quý, linh thiêng của người Việt. Trống Đông Sơn là vật thiêng, làm trung gian giữa con người và trời đất, giữa cõi sống và cõi chết.
Trên mặt trống hình tia mặt trời tỏa rộng, ban sự sống cho muôn loài, bao quanh các vành trang trí muông thú, chim bay, hươu chạy, cá bơi là cõi đất, với biết bao hình ảnh nhảy múa, thuyền bơi, sóng nước là đặc trưng của vùng Đông Nam Á.
Đoàn nghệ thuật Thanh Hóa biểu diễn Vũ khúc trống đồng |
Chính vì sự cao quý linh thiêng và tượng trưng quyền lực của thủ lĩnh người Việt, khi cần tập hợp chống ngoại xâm, đoàn kết, đều đánh trống đồng của nhà nước Âu Lạc.
Thời Mã Viện bình định Giao Chỉ đã khởi đầu cho cái việc phá hoại binh khí - văn hóa của người Việt mà cụ thể là tổ chức thu vét trống đồng đem đi thủ tiêu.
Sử ta sử ngoại còn chép rành rành việc Mã Viện vơ vét trống đồng đúc thành hình con ngựa cao ba thước - năm tấc, dài bốn thước - bốn tấc (cao khoảng 1m40, thân dài khoảng 1m80) để dâng vua Hán Quang Vũ, đặt tại kinh đô Trường An.
Có lẽ, đến thời điểm đó, trống đồng được người Việt bảo vệ bằng cách đem chôn giấu trong lòng đất mà đến bây giờ thi thoảng lại được phát lộ?
Có phải dằng dặc đêm trường xuyên qua 10 thế kỷ đô hộ, thời gian đã làm quên lãng, đứt gẫy văn hóa, mỹ thuật của người Việt cổ? Trong gần một thế kỷ qua, các nhà khảo cứu tốn biết bao giấy mực để tìm ra những lời giải về trống đồng.
Chính vì sự đứt gãy và phủ mờ dằng dặc ấy, thứ binh khí của người Việt được chôn cất kỹ càng dưới lòng đất trở nên một vật linh thiêng. Linh thiêng đến mức, trong dân gian không biết vào cái thời nào, trống đồng đã cứu sống tổ tiên người Mông trong một trận đại hồng thủy hiện còn lưu giữ trong bài dân ca Hồng thủy hoành lưu. Trồng đồng còn được lưu giữ trong các mộ táng thời Đông Sơn.
Linh thiêng bởi trống đồng là linh khí của nuớc Việt. Trong Lĩnh Nam chích quái, vua Hùng đi bình giặc phương Nam có thần Đồng Cổ (trống đồng) hiện lên giúp sức đã lập đền thờ thần Đồng Cổ ở núi Đan Nê, Yên Định, Thanh Hóa ngày nay.
Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đi chinh chiến dừng chân nghỉ tại đây cũng được thần trống đồng báo mộng lành. Rồi sau này đến lượt vua Lý Phật Mã vâng mệnh vua cha Lý Thái Tổ đi bình giặc Chiêm cũng được thần trống đồng ứng mộng giúp sức.
Ngoài việc giúp bình giặc nước, thần trống đồng còn giúp việc nội trị cho vị thái tử này tránh được một âm mưu phản loạn trong triều. Sau đó Lý Phật Mã cáo tế trời đất cho rước bài vị của thần trống đồng tại núi Đan Nê rinh linh khí của nước Nam về Thăng Long để thờ phụng.
Đền Đồng Cổ ở quận Ba Đình ngày nay là dằng dặc các vua tôi nhà Lý, Trần, Lê, Trịnh... lần lượt hàng năm cứ đến mùa xuân lại sắp hàng kính cẩn tổ chức Hội Thề Đồng Cổ với lời khấn xuyên qua nhiều thế kỷ làm tôi phải trung/làm con phải hiếu/làm quan phải thanh liêm/Nếu sai xin thần minh tru diệt.
Một chốc trong hội thảo lại rộ lên sự luận bàn thế thì thời nào trống đồng trở thành nhạc khí vậy? Các vị đều gật gù rằng có lẽ bắt đầu từ triều Hậu Lê, trống đồng được diễn tấu cùng với dàn nhạc của vương triều.
Thời ấy, nghi lễ vương triều đều có sử dụng trống đồng. Sau khi dàn đại cổ đánh ba tiếng trống lớn, trống đồng đánh ứng lên ba tiếng (Kim cổ ứng chi). Có lẽ dùi trống được bọc bằng da, khi đánh vào vòng vành trong mặt trống như thúc giục quân sĩ, lúc quyết liệt, lúc ung dung.
Tiếp đến dùi đánh chuyển động ra vòng ngoài, vào trung tâm, âm thanh vang động hào hùng như vạn hùng binh, lúc réo rắt, lúc trầm hùng như giao hòa cõi trời đất núi sông Đại Việt.
... Ai đó đang nói đến công trình nghiên cứu hình như của nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo và Trịnh Quang Vũ? Theo kết quả nghiên cứu về thuật đánh trống đồng của họ, đại để đánh các vùng trong mặt trống tạo ra các nốt nhạc khác nhau, ví dụ như đánh vào khoảng 1-3 ta được nốt si giáng; vành 4-5 được nốt mi, nốt pha, ở vành 7 lại si giáng, v.v...
Những nghiên cứu khảo sát sơ bộ là thế nhưng có lẽ chả mấy ai nghĩ đến chức năng nhạc khí của trồng đồng? Thế mà bất ngờ lẫn độc đáo, Hội cổ vật Thanh Hóa đã làm được cái việc biến thứ binh khí, linh khí ấy của tiên tổ thành thứ nhạc khí.
Vùng đất cổ cả về địa lý, lịch sử như Thanh Hóa đã lưu giữ 1.535 di tích, trong đó có 657 di tích được xếp hạng và 146 di tích quốc gia. Dường như trời đất chọn xứ Thanh để làm nơi phát lộ trống đồng.
Nếu không có ông nông dân tên là Nguyễn Văn Lắm, ở làng cổ Đông Sơn bên dòng sông Mã, một chiều thu năm 1924 trong một buổi đi câu phát hiện ra chiếc trống đồng bên rệ đê lở lói chỗ gần cầu Hàm Rồng bây giờ thì mai hậu liệu có một nền văn hóa Đông Sơn như bây giờ ta vẫn quen gọi quen dùng?
Văn minh Đông Sơn đã trở thành một nền văn minh tiêu biểu của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước. Trống đồng Đông Sơn trở thành biểu tượng tài năng trí sáng tạo của người Việt cổ buổi đầu tạo dựng văn minh. Đâu như đến bây giờ ở đất Thanh, hơn 150 chiếc trồng đồng với các kích cỡ khác nhau theo nhau phát lộ từ thời điểm năm 1924 ấy.
Nhưng thứ binh khí, linh khí hàng ngàn năm im ỉm náu mình dưới lòng đất, thứ đã gỉ xanh, thứ đã vỡ thủng, có dùng loại dùi cỡ nào chất liệu gì thì cũng chẳng bật lên được thứ âm thanh khả dĩ đáng nghe. Có lẽ trống chỉ trở thành thứ nhạc khí với các cung bậc khi còn mới hoặc chưa gỉ?
Hội Cổ vật Thanh Hóa mà tiêu biểu là hai ông Hoàng Văn Thông (GĐ Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long) và ông Hồ Quang Sơn (Chủ tịch Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh), từ năm 2006, dày công phối hợp với lớp thợ trẻ quê hương Đông Sơn mày mò việc thử nghiệm đúc trống đồng theo phương pháp của người xưa.
Trong hội thảo, tôi ngồi lâu hơn với ông Thiều Quang Tùng, nghệ nhân đúc trống đồng, người đứng đầu hiệp thợ trẻ Đông Sơn, càng thấy bừng ra lắm cái lạ. Nguyên liệu là phải bằng đồng nát! Đồng nát? Chứ sao. Bởi dùng đồng nguyên chất lại không được! Thế mới lạ. Đồng nát còn gọi là đồng xác, những thứ đã dùng đến cũ mèm như nồi, xanh, mâm, niếng, chậu thau, chuông vv...
Loại đồng này không lẫn những thiếc chì kẽm nên có độ bền càng lau càng chùi thì càng sáng bóng không hề bị gỉ xanh. Thứ đồng xác này được nung chảy rồi lọc hết tạp chất để đúc trống đồng.
Vật liệu thì đơn giản nhưng nghe ù cả tai và chắc là phải có bí quyết chi đó những tỷ lệ nhỏ thôi, những chì lẫn thiếc (để trống vang và thanh) những ba loại đất sét (thứ già, vừa, non) những than củi rơm rạ, những khuôn đúc, những khuôn trong khuôn ngoài.
Khuôn gì thì khuôn nhưng khi đúc xong trống đồng là phải đập bỏ tất để lấy trống ra. Rồi còn kỹ thuật tạo hoa văn trên khuôn nữa mới rắc rối. Những là tạo hoa văn bằng sáp, tạo hoa văn khi đã nung khô, vv...
Tôi rụt rè hỏi ông Tùng là có một tỷ lệ vàng trong trống? Ông lắc đầu rằng, trong cái ngu tối của bọn buôn đồ cổ chúng tìm cách cuỗm những trống đồng cổ bởi đinh ninh trong đó có vàng! Nghĩ thế là tối mắt đem về nung chảy lên, vàng đâu mà vàng, có mà vàng mắt.
Chắc lũ ấy suy ra rằng, thời nay, mỗi dịp có lễ trọng những đúc chuông khánh lớn nhiều cụ bà cụ ông hoặc thiện nam tín nữ hằng tâm hằng sản tự nguyện tháo một hai chỉ vàng, cá biệt có người đến chẵn cây vàng ném vào cái khuôn đang rừng rực kia cho việc chung lẫn việc tâm linh của mình được may mắn?
Chứng kiến câu chuyện, TS Trịnh Sinh ở Viện Khảo cổ cho biết thêm, việc đúc thành công một loạt trống đồng bằng phương pháp thủ công là một thành tựu lớn của nghệ nhân xứ Thanh. Đó là những chiếc trống hoàn chỉnh, không hàn gắn chắp vá, hoa văn sắc nét, âm thanh khi đánh trên mặt trống có tiếng ngân vang, không bị rè.
Tôi cũng được gặp ông Phạm Quốc Quân, GĐ Bảo tàng Lịch sử. Không phải một chuyên gia về trống đồng nhưng lại là người quản lý tất thảy các loại trống đồng lớn và quý nhất nước Việt. Ông thổ lộ từng chứng kiến nhiều lần nghệ nhân xứ Thanh đúc trống bằng phương pháp thủ công nhưng chưa phải chứng kiến lần thất bại nào!
Chuyện với ông, tôi chợt nhớ đến cái trống đồng mười mấy năm trước mà hiệp thợ làng Ngũ Xã đúc theo mẫu Ngọc Lũ phải ba lần mới thành. Thành rồi lại phải chỉnh sửa quá nhiều do bị khuyết bởi đồng cháy không đều để Chủ tịch nước Lê Đức Anh mang đi làm quà tặng Liên Hiệp Quốc.
Tiết mục vũ khúc trống đồng từng biểu diễn tại Hội An mà bữa nay các đại biểu dự hội thảo thưởng thức lại, thật bất ngờ, đoàn nghệ thuật Thanh Hóa chỉ mới làm quen với những chiếc trống đồng này tháng 5 vừa rồi.
Bây giờ thì đã xôm trò bắt mắt lẫn thuận tai mấy tiết mục tỷ như vũ khúc trống đồng vừa được thưởng thức. Mới có mấy tháng mà tưởng như hồn cốt nước Việt mình được thăng hoa qua thứ nhạc khí đặc biệt này.
Dám nghĩ còn đặc biệt và độc đáo hơn, trong Lễ 1000 năm Thăng Long tới đây, dàn trống đồng 100 chiếc của Thanh Hóa với mọi kích cỡ sẽ được chỉnh sửa, được hoàn thiện thêm với những kỹ thuật đúc cùng kinh nghiệm của những chuyên gia về âm nhạc về nhạc công. Trăm trống ấy sẽ âm vang trầm hùng lẫn réo rắt bao nhiêu khúc thức trong lễ thiêng.
Mạo muội biên tập hai từ của viên sứ thần phương Bắc Trần Tung để làm mới và cũng là hiểu mới câu thơ cũ rằng đồng cổ thanh trung tâm phát sinh (tiếng trống đồng của xứ Thanh phát sinh ra nhiều tâm sự).
Sơ thu năm Sửu