Chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan điều tra
Ngày 30/12, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025. Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến 15/12, toàn ngành đã phát hành 152 báo cáo kiểm toán; kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi 125 văn bản.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ, gồm: Một vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Cao Nguyên BP; và một vụ việc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép của Công ty TNHH MTV Hoàng Thanh Thúy.
Quang cảnh hội nghị Kiểm toán Nhà nước. |
“Công tác kiểm toán phải chú ý phương châm 'An toàn - Uy tín', muốn có an toàn, uy tín thì phải có chất lượng. Phải tập trung đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương thông qua kiểm toán quyết toán ngân sách, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề; tập trung đánh giá xem có thất thoát, lãng phí ở đâu, dư luận, nhân dân, cử tri thấy lãng phí ở đâu thì kiểm toán phải chú trọng tập trung vào đó để kiểm toán, xác nhận”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh tại hội nghị.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 308 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát...
Năm 2025, ngành Kiểm toán Nhà nước khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả, chất lượng chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030; nâng cao hiệu lực các kết luận và kiến nghị kiểm toán…
Theo đó, giải pháp cụ thể được ngành đề ra là, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt làm rõ, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng; tiếp tục công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18 của Trung ương, Kiểm toán Nhà nước sẽ đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội nghị. |
Tập trung kiểm toán việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, năm 2024, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đổi mới để đáp ứng với tình hình mới. Kết quả công tác năm 2024 của kiểm toán góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong đó, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán tính đúng đắn phù hợp, đầy đủ, kịp thời của việc ban hành các văn bản hướng dẫn các luật; việc tổ chức thực hiện pháp luật đặc biệt là các nội dung liên quan đến các cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền trong phân bổ, sử dụng nguồn lực và thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; việc thực hiện phòng chống lãng phí; việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy…
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm toán đánh giá cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chính sách có ảnh hưởng rộng, lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; tập trung kiểm toán để đánh giá đúng thực trạng bội chi, nợ công, rủi ro về cân đối ngân sách và kiến nghị các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính, ngân sách quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa, ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên Nhà nước; rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc tinh gọn, chuyên nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Đồng thời, chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho việc chuyển đổi Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Đảng bộ Quốc hội, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.