Với người bị bắt, bị tạm giữ, Điều 83 Bộ luật TTHS 2003 quy định “Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, CQĐT phải kịp thời lấy lời khai ngay”. Có ý kiến cho rằng, nếu cho nghi can hưởng “quyền im lặng”, làm sao “kịp thời lấy lời khai ngay” với họ?!
Tuy nhiên, những phân tích dưới đây cho thấy việc công bố “quyền im lặng” không trái các quy định vừa trích dẫn, không gây khó khăn cho hoạt động điều tra; ngược lại, nó giúp cho việc lấy lời khai nghi can của điều tra viên thuận lợi hơn.
Trừ bắt nghi can ra đầu thú, việc bắt nghi can trong trường hợp khẩn cấp (Điều 81 Bộ luật TTHS) hoặc phạm tội quả tang (Điều 82 Bộ luật TTHS) đều phải dựa trên những căn cứ khách quan; chúng phải được thu thập, đánh giá đầy đủ, vững chắc trước chứ không phải sau khi lấy lời khai nghi can. Việc quá chú ý khai thác lời khai nghi can thường là do căn cứ để bắt nghi can còn yếu.
Lời khai của nghi can ngay khi bị bắt rất dễ sai sự thật, do trạng thái tâm lý không tốt. Sự có mặt người bào chữa giúp họ bình tĩnh khai báo đầy đủ, chính xác những gì họ biết. Người bào chữa có mặt còn giúp ngăn chặn mớm cung, bức cung, nhục hình - những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TTHS.
Liệu luật sư có mặt có giúp nghi can… “vững tâm hơn” để khai báo quanh co, chối tội? Hầu hết điều tra viên khi được hỏi câu này đều khẳng định, nếu không sử dụng bức cung, nhục hình, điều tra viên chẳng có gì phải ngại luật sư, bởi trong giai đoạn tố tụng này luật sư chỉ chứng kiến, hoàn toàn không thể tác động vào việc hỏi - đáp và ghi biên bản của điều tra viên.
“Quyền im lặng” thực chất là quyền có mặt người bào chữa của nghi can, khi họ tham gia các hoạt động tố tụng do điều tra viên tiến hành. Về lý thuyết thì quyền này đã được quy định khá đầy đủ trong Bộ luật TTHS hiện hành.
Điều 48 Bộ luật TTHS 2003 quy định “Người bị tạm giữ có quyền: (…) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”. Điều 58 Bộ luật TTHS 2003 quy định “Người bào chữa có quyền: (…) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ”. Các quyền vừa nêu phải được công bố ngay trong khi tiến hành bắt nghi can, theo quy định tại Điều 80 và Điều 81 Bộ luật TTHS 2003: “Người thi hành phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt”.
Những trích dẫn trên cho phép nhận định khi bắt nghi can, nếu điều tra viên có nói “Ông/bà có quyền im lặng cho đến khi có mặt người bào chữa…”, việc tuyên bố như vậy thực chất cũng chỉ là rút gọn lại các quyền của nghi can đã được quy định tại Điều 48 và Điều 58 Bộ luật TTHS. Vì vậy, và lần sửa đổi này, cần quy định cụ thể vào trong luật.
Quy định về “quyền im lặng” không chỉ nhằm bảo đảm quyền của nghi can, mà còn nhằm bảo đảm quyền của người bào chữa, của luật sư, khi họ tham gia các hoạt động tố tụng hình sự.
Đưa “quyền im lặng” vào Bộ luật TTHS chính là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền của người bào chữa, của luật sư. Còn việc luật sư tham gia hoạt động tố tụng có cần thiết không, khỏi cần bình luận, bởi vấn đề này đã được quy định trong các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam, trong đó có Hiến pháp 2013 đang có hiệu lực thi hành.