Không vì oan sai mà quy định “quyền im lặng”
Theo ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, Dự thảo Bộ luật TTHS lần này đã đưa ra nhiều quy định mới, tưởng rằng tiến bộ, nhưng rất nguy hiểm, có thể làm “bó tay” các cơ quan tố tụng, dung túng tội phạm. “Nếu chỉ vì số ít trường hợp bị oan mà chiều chuộng tội phạm là không phù hợp. Chúng ta quy định như là “quyền im lặng” của người phạm tội là không đúng, giết người cướp của cũng không khai báo là không đúng”.
“Chúng ta đừng nghĩ với trình độ thế này thì chúng ta không nên cải cách. Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là chúng ta có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không. Thay đổi này rất khó. Nhưng chúng ta phải thay đổi, phải nâng cao năng lực để làm việc đó”.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM)
Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, quy định “quyền im lặng” là rất vô nghĩa, hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, khiến cho tính nghiêm minh của pháp luật không cao. “Chúng ta không nên quy định một cách “bắt chước” là bị can, bị cáo không cần phải khai báo gì hết. Không nên nhìn vào một số vụ oan sai mà đảo lộn tất cả”, Phó Giám đốc Công an TPHCM Lê Đông Phong nêu ý kiến.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng cho rằng, nếu quy định quyền im lặng thì sẽ không phù hợp với thực tiễn hiện nay. “Luật cần đảm bảo quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta “bó tay” trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an nói. Ông Hiếu cũng cho rằng, việc quy định quy định bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc tự nhận mình có tội là không chuẩn, làm khó khăn cho hoạt động điều tra.
Trái với các quan điểm trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) khẳng định: Quyền không khai báo các nước làm hết, còn mình lại không làm là hạ thấp quyền của người dân Việt Nam xuống. “Khi anh áp dụng cái mới, tất nhiên là khó, nhưng nó đòi hỏi anh phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn, bảo đảm làm sao để trọng chứng, chứ không phải trọng cung rồi dẫn đến oan sai”, ông Nghĩa nói.
ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thì đề quy định quyền của bị can, bị cáo rõ hơn theo hướng, khi bị bắt họ có “quyền im lặng”, không khai ra những gì bất lợi cho mình để chờ đến khi có luật sư. “Tất cả cơ quan điều tra khi tiếp cận người bị bắt cần thông báo cho người bị bắt biết “quyền được im lặng” của họ. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam có quyền được từ chối trình bày ý kiến, hoặc đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình”, ông Thảo nói.
Có ai ghi âm, ghi hình lúc bức cung đâu?
Đề cập đến quy định trong Dự thảo Bộ luật TTHS quy định bắt buộc khi hỏi cung phải ghi âm, ghi hình, ĐB Đỗ Văn Đương thẳng thắn cho rằng “đó là sự lạc quan tếu”. “Nếu là điều tra viên thì chẳng dại gì người ta ghi âm, ghi hình lúc bức cung, nhục hình cả. Đưa quy định này vào rất nguy hiểm, tốn kém, tạo ra thủ tục rườm rà không cần thiết”, ông Đương nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thì cho rằng, chỉ nên áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình khi hỏi cung đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, có mức án chung thân hoặc tử hình. Bởi theo ông Quyền, ghi âm, ghi hình cũng chỉ là một biện pháp trong hàng chục biện pháp chống bức cung nhục hình. Hơn nữa, ghi âm, ghi hình không phải chỉ là đặt camera cả ngày ở đó, mà phải lập biên bản, rồi nhiều thủ tục ký tá, nghe lại rất rắc rối.
“Tôi nghĩ chúng ta chỉ nên áp dụng quy định này trong những trường hợp cần thiết thì mới phù hợp thực tiễn. Còn nếu cố quy định thì khi áp dụng có khi lại vướng như Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)”, ông Quyền cảnh báo.
Tuy nhiên, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lại cho rằng, ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là hình thức hết sức đơn giản, không quá khó. Đưa quy định này vào cũng rất văn minh, đảm bảo hạn chế rất lớn việc làm sai lệch hồ sơ, mớm cung, bức cung, nhục hình. “Chỉ có quy định như thế thì quyền của người dân mới được đảm bảo. Ta làm gì mà khó khăn đến mức không làm được việc này”, ông Hùng nói.
ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cũng khẳng định, đầu tư cho ghi âm, ghi hình không có gì khó. Một cơ sở giam giữ sẽ bố trí một phòng có ghi âm, ghi hình để lấy lời khai, để bảo đảm sự khách quan, chống bức cung nhục hình là phù hợp.