Bảo đảm tính khách quan
Mục đích của “quyền im lặng” là để thực hiện một cách trọn vẹn và đầy đủ nguyên tắc giả định vô tội được pháp luật các quốc gia và các công ước quốc tế về quyền con người qui định.
Con người ta, trừ những tội phạm chuyên nghiệp, máu lạnh, khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam (gọi tắt là NBB) có thể ở trong trạng thái hoảng loạn và họ có thể phát biểu những điều có hại cho bản thân. Nếu CQĐT coi đó là bằng chứng về việc thú tội thì điều đó thực sự không khách quan, không hợp lý, có thể dẫn đến việc làm oan.
Sự có mặt của luật sư giúp NBB (thậm chí bị bắt quả tang) tĩnh tâm, giúp họ nói những điều phản ánh đúng ý chí của họ trong thời điểm ấy, tránh tình trạng mớm cung, ép cung, giúp quá trình điều tra được minh bạch.
“Quyền im lặng” phải được thực hiện trong những điều kiện nhất định mới có kết quả. Ở các nước, người ta giao cho cán bộ điều tra (hoặc những chủ thể khác có quyền bắt người) trách nhiệm thông báo cho NBB cái quyền đó.
Cơ quan bắt người phải tạo điều kiện cho NBB liên lạc với luật sư của mình, và phải tạo điều kiện cho luật sư tiếp cận NBB mà không có bất kỳ cản trở nào. Đấy được coi là trách nhiệm pháp lý của các cơ quan này.
Giá trị pháp lý của biên bản hỏi cung
Nếu đưa quy định “quyền im lặng” vào Bộ luật Tố tụng hình sự, vấn đề sẽ liên quan tới giá trị pháp lý của biên bản hỏi cung. Phải quy định dứt khoát biên bản hỏi cung sẽ không có giá trị pháp lý nếu không có chữ ký của luật sư mà NBB yêu cầu có mặt.
Việc này liên quan đến cả ba phía: công dân - CQĐT - luật sư. Mỗi công dân bình thường phải xác lập sẵn mối liên hệ với một hoặc một số luật sư tin cậy (giống như xác lập mối liên hệ với bác sỹ chăm sóc sức khỏe). Nếu NBB mãi không tìm được luật sư phù hợp thì CQTT cũng bất lực với “quyền im lặng”. Về phía CQĐT, phải đưa “quyền im lặng” vào Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức CQĐT, thành một nguyên tắc xuyên suốt hoạt động của cơ quan này.
Về phía luật sư, thiết nghĩ phải đưa vào quy tắc đạo đức nghề nghiệp về trách nhiệm của luật sư phải kịp thời bảo vệ thân chủ của mình ngay từ khi họ bị bắt. Trong hoạt động điều tra, việc giám sát của công chúng rất khó thực hiện và vì thế cần một thiết chế trực tiếp hơn, đó là luật sư. Ở các nước, người ta coi luật sư là đối trọng của điều tra, của việc buộc tội và là lực lượng có thể giúp bảo vệ quyền con người.
Tòa án phải thực sự độc lập
Bàn đến “quyền im lặng”, bàn đến cải cách tư pháp, không thể bỏ qua vai trò Tòa án. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã định hướng Tòa án là trung tâm, tranh tụng là trọng tâm trong hoạt động tư pháp. Không có lĩnh vực nào mà quyền con người dễ bị xâm hại như trong Tố tụng Hình sự. Nếu lĩnh vực này chưa bảo đảm dân chủ, minh bạch, thì những tuyên bố về “bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ” chỉ mới là những tuyên bố suông!
Theo tôi, cũng chẳng cần tăng quyền lực cho Tòa án. Tòa án hiện có quyền lực rất lớn. Tòa án hiện nay được trao quyền quyết định nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến tài sản, danh dự thậm chí tính mạng con người.
Điều quan trọng với nước ta hiện nay, là làm sao để Tòa án phải độc lập thật sự. Vì thế, Tòa án phải có sự độc lập, độc lập giữa các cấp xét xử, độc lập với các thiết chế nhà nước khác.
Điều này tạo ra một loạt các yếu tố đối trọng trong việc tìm ra công lý. Nếu cái sai là của cả hệ thống thì người dân đâu có điều kiện để có công lý. Có nhiều đối trọng khác nhau tham gia phiên tòa, có nhiều cấp giải quyết cùng một vấn đề nhưng hoàn toàn độc lập với nhau thì rất dễ tìm được cái sai ở khâu này hoặc khâu kia.
Tòa án không thể theo mô hình quản lý ngành, đã sai là sai “thống nhất” từ trên xuống dưới, thậm chí sai “thống nhất” theo kiểu “định án theo cơ chế liên ngành”.
Trách nhiệm của Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi người dân, đặc biệt là quyền con người. Để bảo vệ được quyền con người đã được Hiến định, trách nhiệm của Đảng và của Nhà nước là phải đẩy mạnh cải cách tư pháp, đảm bảo để đất nước có nền tư pháp độc lập. Đấy chính là vấn đề hiện nay của Việt Nam và việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu vấn đề này chính là đang đi theo hướng đó.