Cũng lĩnh vực đường thủy, năm 2017, nhóm phóng viên báo Tiền Phong có tuyến bài điều tra, ghi lại CSGT Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên áp ca nô tuần tra cập mạn tàu hàng “chộp” tiền, hay vào khoang thu “phế” (tuyến bài "Cận cảnh mãi lộ trên sông"). Nay, tại nhiều bến cảng, bãi sông, các nhân viên cảng vụ hằng ngày “mẫn cán” lướt ca nô công vụ kiểm tra các tàu hàng với một thủ tục duy nhất là… thu tiền mặt.
Nhếch nhác nhưng không kém phần ngạo mạn, một nhân viên cảng vụ không cần mặc đồng phục, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, lượn lờ trên bến cảng, chỉ tay lên trời là có người đưa tiền đến “cúng”. Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi không khỏi xót thương cho những người đổ mồ hôi, sôi nước mắt hàng ngày kiếm từng đồng, từng cắc chăm vợ, nuôi con.
Trên bờ mãi lộ, dưới sông “ăn tiền”, cùng với nhiều chi phí khác khiến cho chi phí vận tải tăng cao (đã có so sánh của chính cơ quan chức năng rằng chi phí vận tải Bắc - Nam đắt gấp đôi từ Việt Nam sang Mỹ). Rộng ra, mãi lộ ảnh hưởng đến cả sự luân chuyển của “mạch máu” kinh tế. Những đồng tiền tham nhũng vặt, không hóa đơn chứng từ như vậy là “cướp” luôn phần đáng lẽ phải nộp vào ngân sách. Đó là những khoản đáng ra phải dành để tu bổ đường sá, nạo vét luồng lạch, chi cho người nghèo…
Tham nhũng vặt len lỏi ở hầu hết các lĩnh vực thực thi công vụ. Từ đi lại, đến hải quan, thuế vụ, thủ tục đất đai, khám bệnh kê đơn, xếp trường, xếp lớp... đều đã phát hiện trường hợp người dân phải móc ví “chung chi”. Mới đây nhất, khi cả hệ thống chính quyền và người dân đang dồn sức ngày đêm để làm thẻ căn cước gắn chíp để kịp tiến độ, một số cán bộ thoái hoá lại đang tâm “vặt” vài chục nghìn của người dân.
Tham nhũng vặt - bệnh ghẻ ruồi (nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) được vạch ra nhiều lần và nhiều cán bộ bị xử lý sao vẫn chưa hết? Rồi đây, sau vụ việc như báo Tiền Phong mới nêu trên, một số cán bộ sẽ bị kỷ luật, mất chức. Một số “con ghẻ ruồi” sẽ được gột đi. Nhưng, những mảng ghẻ ruồi khác vẫn có khả năng “tái đàn” không nhỏ.
Nói thẳng ra, ghẻ ruồi vẫn còn đất sống, có nghĩa là cơ thể vẫn còn mất vệ sinh; bộ máy công quyền còn chưa sạch sẽ, nhiều nơi còn mập mờ, vẩn đục. Có lẽ, đã đến lúc, bên cạnh việc kêu gọi cán bộ nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, đề cao đạo đức công vụ, hay những tuyên bố xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, cần tập trung nhiều hơn đến những giải pháp “làm sạch” dài hơi. Đó là tạo ra những chính sách minh bạch, thủ tục đơn giản, công khai, việc thực hiện và giám sát cần thông qua các công cụ số. Và tất nhiên, việc chi trả cho cán bộ, công chức cũng cần tính đúng, tính đủ, không mập mờ “lộc lá”. Điều đó sẽ tạo ra môi trường công vụ mới, sạch sẽ, minh bạch; bệnh ghẻ ruồi sẽ dần mất đi.