Lướt ca nô “làm luật”
Từ đầu tháng 10/2020, trong vai một “cần thủ” (người câu cá), phóng viên xin được lên các tàu chở hàng (neo dọc hai bên sông Đuống, sông Đáy) ghi nhận “luật ngầm” đằng sau mỗi chuyến hàng. Tại khu vực Bến Hồ (thị trấn Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), mỗi ngày hai buổi, không quản nắng mưa, ngày nghỉ, Tổ Cảng vụ khu vực Bến Hồ (thuộc đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Bắc Ninh) lướt ca nô dọc sông Đuống. Suốt chiều dài khoảng chục cây số dọc sông có hàng trăm cảng, bến thủy nội địa, tiếp nhận hàng trăm lượt tàu hàng (chủ yếu chở cát, đá) mỗi ngày. Ai cũng nghĩ rằng, tổ nhân viên cảng vụ đang kiểm tra việc chấp hành pháp luật của thuyền viên, người lái hoặc cấp phép cho phương tiện ra, vào cảng, bến. Tận mắt chứng kiến, phóng viên ngỡ ngàng trước cảnh “làm luật” ngang nhiên.
Phóng viên xin lên một tàu chở cát khoảng 700 tấn đang cập bến bốc hàng. Chủ tàu cho biết, vừa xuôi dòng, cập bến lúc 5 giờ, tranh thủ bốc hàng để đi chuyến mới vì đang mùa cao điểm xây dựng. Khoảng 8 giờ, tổ nhân viên cảng vụ (2-3 cán bộ) xuống chiếc ca nô ghi dòng chữ “Dự trữ quốc gia DT1.05.16” lướt dọc hai bên sông, ghé thăm tất cả các tàu chở đá, cát đang bốc hàng.
Sau 30 phút xuất phát, chiếc ca nô của tổ cảng vụ ghé mạn thuyền hàng mà phóng viên "đang câu cá". Một người đàn ông đeo kính, không mặc đồng phục nhảy lên mạn, vẫy tay chào chủ tàu. Như đã hiểu, chủ tàu cười, rồi rút trong ví tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng đưa tới tay nhân viên cảng vụ. Người này trả lại 100 nghìn đồng rồi nhanh chóng lên xuồng lướt đi, không thấy ghi chép gì… Quy trình kiểm tra, "thu phí" chưa đầy 1 phút.
Nhân viên cảng vụ (trái) nhận tiền "chung chi" từ chủ tàu ảnh: Đức Anh |
Ngày hôm sau, phóng viên xin lên một tàu hàng khác đang ghé cảng bốc hàng gần khu vực chân cầu Hồ. Khoảng 8 giờ 40 phút, như thường lệ, tổ công tác của cảng vụ áp sát mạn tàu. Vẫn nhân viên đeo kính hôm trước nhảy lên tàu kiểm tra. Chủ tàu nhanh tay rút trong túi tờ tiền mệnh giá 100 nghìn đồng đưa ra. Nhân viên cảng vụ đón lấy, vo tròn rồi đút túi, miệng cười tươi dặn dò: “Thỉnh thoảng cứ nói, anh em bớt cho một chuyến”. Nhiều ngày sau đó, phóng viên chứng kiến cảnh nhân viên này “làm luật” ngang nhiên, lặp đi lặp lại trên nhiều chuyến tàu cập cảng, bến thủy tại đây.
Các chủ tàu ở đây cho hay, Bắc Ninh, Bắc Giang với các khu công nghiệp đang mọc lên như nấm kéo theo lưu lượng vận tải (nhất là vận tải thủy) ngày một nhộn nhịp. Mỗi ngày, khúc sông ngắn này có hàng trăm chuyến tàu chở cát, đá ùn ùn cập cảng chờ bốc hàng. Nếu tàu nào cũng bị “thu phí”, mỗi ngày các nhân viên đường sông “mẫn cán” này bỏ túi hàng chục triệu đồng.
Theo Thông tư 50/2014/TT-BGTVT (quy định về cảng, bến thủy nội địa), trước khi phương tiện vào cảng, bến thủy, chủ tàu hoặc người lái xuất trình các giấy tờ tại Văn phòng Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa. Ngoài kiểm tra các giấy tờ theo quy định, cảng vụ viên kiểm tra thực tế để cấp phép vào cảng, bến cho phương tiện. Thông tư 177/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính (về hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ Đường thủy nội địa) cũng quy định, việc nộp phí đối với phương tiện bao gồm phí trọng tải (lượt vào, ra kể cả có tải hoặc không) là 165 đồng/tấn. Mức thu lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa (thu cả cho lượt vào và lượt ra) được tính tùy vào trọng tải thấp nhất 5.000 đồng/chuyến, cao nhất 30.000 đồng/chuyến. Như vậy, nếu một phương tiện cỡ 700 tấn thì phí nộp tải trọng, lệ phí ra/vào tính ra khoảng 300 nghìn đồng/chuyến.
Lượn lờ xe máy trên bờ, chỉ trỏ rồi thu tiền
Trên sông Đáy địa phận huyện Thanh Liêm (Hà Nam) hơn chục năm qua là nơi tập trung nhiều cảng bến đầu mối phân phối, cung cấp vật liệu xây dựng đi khắp các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu. Mỗi ngày, có hàng trăm tàu lớn, nhỏ nối đuôi nhau chờ “ăn hàng” tại các bến bãi dọc sông Đáy. Ở đây, cảnh “làm luật” sau mỗi chuyến hàng diễn ra công khai ngay ở cầu tàu (nơi xe tải đổ hàng xuống tàu).
Theo quy định, mỗi chuyến hàng ra vào cảng đều phải nộp phí, lệ phí. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tiền Phong, ở đây có luật bất thành văn, mỗi chuyến tàu (không phải hàng xuất khẩu như clinker, đá…), chủ tàu phải “lót tay” từ 100 - 200 nghìn đồng/chuyến cho nhân viên cảng vụ ngay tại cầu cảng. Quy trình được thực hiện như sau: Mỗi ngày hai buổi, theo giờ hành chính, từ cơ quan cảng vụ sẽ xuất hiện một người đàn ông lượn lờ trên chiếc xe máy đến từng cầu cảng đang có tàu xuống hàng để thu tiền của chủ tàu.
Để xác minh, đầu tháng Tư, phóng viên ghi nhận tại khu vực cảng Thành Thắng, Xuân Thành (là những nơi có cầu cảng để xe tải đổ đá xuống tàu tại huyện Thanh Liêm). Hoạt động tại cảng vẫn tấp nập, dường như không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đúng như tin báo, sau 8 giờ, một người đàn ông xuất phát từ văn phòng Tổ cảng vụ Đường thủy nội địa Thanh Liêm tới các đầu cầu cảng. Người đàn ông ăn vận kín đáo với áo khoác ngoài, đầu đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang, đứng từ cầu tàu không nói mà chỉ giơ tay (1 ngón trỏ lên) ra hiệu. Chủ tàu biết ý, rút tiền (100 nghìn đồng) rồi đưa với lên. Người này nhận, cho vào túi rồi di chuyển sang cầu tàu khác. Ngày hôm sau, như thường lệ, người đàn ông vẫn trong trang phục cũ đến cầu tàu gọi chủ tàu (chở bột đá). Chủ tàu biết ý cầm 2 tờ tiền màu xanh (mệnh giá 100 nghìn đồng) dúi vào tay người đàn ông. Sau một hồi trình bày của chủ tàu, người đàn ông mới đồng ý và di chuyển sang nơi khác.
Sau nhiều ngày quan sát, việc đưa tiền “làm luật” diễn ra như một quy luật được định sẵn. Các chủ tàu chỉ cần nhìn thấy người đàn ông đến là răm rắp đưa tiền. Theo ghi nhận, các chủ tàu chung chi 100 nghìn đồng mỗi chuyến, cá biệt có những chuyến tàu chở đá dăm, bột đá phải chi 200 - 300 nghìn đồng/chuyến. Theo những người làm nghề vận tải đường sông lâu năm, những chuyến tàu như thế chở đi tiêu thụ nội địa thường không cần giấy tờ. Đây là kẽ hở để các doanh nghiệp không đưa vào doanh thu, hạch toán, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.