Chữa bệnh… đúng quy trình

Ông Vũ Đình Duy
Ông Vũ Đình Duy
TP - Một lần nữa, cụm từ “đúng quy trình” lại được chứng minh. Lần này không liên quan đến việc bổ nhiệm người thân thích làm lãnh đạo, như đã xảy ra ở nhiều địa phương, bộ, ngành thời gian qua, mà là đúng quy trình trong việc cáo bệnh, bỏ trốn khi đối mặt với việc bị truy trách nhiệm về những thua lỗ nghìn tỷ dưới thời “người trong cuộc” còn làm lãnh đạo.

Kịch bản xin nghỉ ốm, đi chữa bệnh ở nước ngoài rồi “mất tích” lần thứ hai được áp dụng khi Thành viên Hội đồng Thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vũ Đình Duy tái lặp kịch bản của Trịnh Xuân Thanh trước đây: Được bổ nhiệm làm lãnh đạo doanh nghiệp - Doanh nghiệp thua lỗ - Được bổ nhiệm chức vụ cao hơn - Cáo bệnh - Bỏ trốn ra nước ngoài.

Không ít người trong cuộc đặt câu hỏi về sự bất thường trong việc xin nghỉ đi chữa bệnh tại nước ngoài của ông Duy khi nhiều ngày không có mặt ở cơ quan và nghỉ cũng không có được sự cho phép của lãnh đạo tập đoàn cũng như của Bộ Công Thương. Câu hỏi: Phải chăng ông Duy vắng mặt nhiều ngày do lo bị xử lý khi cuối tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy polyester Đình Vũ trong thời gian mà ông Duy  giữ vị trí Tổng giám đốc. Với hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình” tại Bộ Công Thương, như với trường hợp Trịnh Xuân Thanh- gây thua lỗ nghìn tỷ tại PVC- và Vũ Đình Duy- tại PVTex, đã để lại những hậu quả nặng nề. Người gây hậu quả chưa xử được nhưng những công trình nghìn tỷ đắp chiếu đang là gánh nặng cho những người lãnh đạo tiếp quản doanh nghiệp về sau.

TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương khi trả lời báo chí đã khẳng định: Quy trình không có mục đích tự thân. Cuối cùng là ra sản phẩm như thế nào. Không thể nào nói rằng, quy trình đúng mà sản phẩm sai. Khi sản phẩm đã không chuẩn thì quy trình ấy có vấn đề. Công tác cán bộ cần phải đổi mới mạnh mẽ, theo hướng cán bộ lãnh đạo phải qua tranh cử. Qua tranh cử đó mà so sánh, lựa chọn phương án tốt hơn.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có những quy định rõ ràng về việc không chỉ quy trách nhiệm với người gây ra thua lỗ tại doanh nghiệp, mà còn phải xử lý cả những người đã ký quyết định bổ nhiệm cán bộ đó. Biện pháp mạnh tay này, thậm chí sẽ gây nhiều phản ứng nhưng ở góc độ nào đó sẽ góp phần hạn chế, thậm chí chữa được bệnh “bổ nhiệm đúng quy trình” hoặc “bổ nhiệm bừa” theo kiểu: Liên tiếp gây thua lỗ nhưng vẫn được thăng chức.

Chỉ chừng nào những lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo địa phương biết “run tay” khi nghĩ tới việc phải đối mặt với pháp luật khi biết sai nhưng vẫn ký bổ nhiệm, chừng đó những cụm từ “bổ nhiệm đúng quy trình” hay được sử dụng khéo léo hơn là “bổ nhiệm phù hợp với quy định hiện hành” mới có thể giảm bớt. Đất nước vì thế cũng sẽ bớt phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ những công trình nghìn tỷ đồng đắp chiếu.

MỚI - NÓNG