“Bộ trưởng nói trong thời gian qua việc vận hành các nhà máy thủy điện đúng quy trình, đúng pháp luật là chưa thỏa đáng. Đề nghị vấn đề này Bộ trưởng trao đổi rõ hơn”.
“Bộ trưởng khẳng định rằng, đời sống người dân vùng tái định cư các dự án thủy điện được đảm bảo, tôi cho rằng cũng chưa thỏa đáng”, ĐB Nguyễn Thái Học khi đứng lên tranh luận đã hai lần phải thốt lên câu “chưa thỏa đáng” sau khi nghe Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình những vấn đề liên quan hoạt động của thủy điện.
Tương tự, đối với 5 dự án gây lãng phí nghìn tỷ như: Giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ và các dự án về ethanol, sau khi nghe Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình rằng, không chỉ có 5 dự án trên mà còn một số dự án khác có nguy cơ mất vốn nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; đồng thời đang làm rõ trách nhiệm, giải pháp xử lý đối với 5 dự án trên, nhiều đại biểu đã lập tức xin tranh luận.
“Bộ trưởng Bộ Công Thương nói còn nhiều dự án nữa và tôi đề nghị sớm lập danh mục những dự án này. Nếu chúng ta không công bố rộng rãi đi nữa thì chúng ta phải nắm cho chắc… Bởi chúng ta cộng lại thì con số lỗ rất lớn và những vùng sâu, vùng xa hàng chục triệu đồng bào ở diện nghèo đang rất cần những khoản kinh phí đang bị tiêu tốn vào những dự án ấy”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị.
ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cũng cho rằng, cả xã hội cũng như tất cả đại biểu Quốc hội rất quan tâm các dự án bị “đắp chiếu”. Bởi một nguồn lực rất lớn của xã hội, đất nước đang bị lãng phí…Bộ trưởng đã tính toán phương án để xử lý những dự án bị “đắp chiếu” này chưa? Mong Bộ trưởng cho Quốc hội biết và cho công luận biết”…
Dù những tranh luận trên chưa được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình vì thời gian có hạn. Nhưng với những gì đã diễn ra cho thấy, dấu ấn đổi mới trong việc chuyển từ tham luận sang tranh luận đã và đang ngày càng càng thể hiện rõ nét trong hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là điều mà cử tri mong đợi, bởi chỉ có tranh luận mới làm vấn đề “vỡ” ra, từ đó có những giải pháp đúng đắn để xử lý những vấn đề bức xúc.