Chiều 7/12, tại Kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM khóa X, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trực tiếp trả lời đại biểu các vấn đề kinh tế - xã hội.
Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết bày tỏ, việc lấn chiếm lòng lề đường vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đây là bệnh mãn tính chưa có phương án chữa trị.
“Mong Chủ tịch TP nói thêm kế hoạch quản lý, thu phí lòng lề đường để cử tri được rõ”, bà Tuyết nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời đại biểu về các vấn đề kinh tế - xã hội. Ảnh: Ngô Tùng |
Trả lời chất vấn của bà Diễm Tuyết, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết muốn xây dựng thành phố văn minh, hiện đại phải xử lý được việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thành phố mong muốn tổ chức được những tuyến đường có khu vực bán hàng để đảm bảo sinh kế cho người dân, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.
“UBND đang chỉ đạo các quận, huyện rà soát lại quy hoạch vỉa hè. Hiện TPHCM có khoảng 700km đường nội thị, có vỉa hè rộng từ 3m trở lên. TP chọn một số đoạn cần thiết để áp dụng thu phí, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh”, ông Mãi nói.
Ông Mãi nói thêm, thời gian vừa qua, TPHCM có thực hiện thu phí vỉa hè nhưng chưa hiệu quả. Đầu năm 2024, các địa phương sẽ tổng hợp danh sách các tuyến đường để tiếp tục triển khai. Tinh thần chung là tổ chức sắp xếp hài hòa giữa đảm bảo nhu cầu sinh kế của người dân với công năng của vỉa hè lòng đường, đảm bảo trật tự, mỹ quan
Cũng tại kỳ họp, đại biểu Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM đặt vấn đề về công tác phát triển nhà ở. Theo đó, công bố khảo sát nhu cầu nhà ở đối với 96.000 người dân TPHCM thì 51.000 người có nhu cầu thuê nhà, 29.000 người mua nhà.
"Điều đó có nghĩa phần lớn người dân có nhu cầu thuê nhà, vậy thành phố có giải pháp gì để người lao động có thu nhập thấp thuê được nhà ở?", bà Thuý bày tỏ.
Trả lời ý kiến của đại biểu, ông Phan Văn Mãi nhận định nhu cầu nhà ở của người dân TPHCM hiện nay rất lớn. Những người có thu nhập thấp muốn thuê nhà vài triệu đồng mỗi tháng để cân đối thu nhập.
TPHCM đã xác định nhu cầu này, và phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê. Nhưng thực tế, TPHCM gặp khó ở nhiều điểm như điều kiện ràng buộc để mua nhà ở xã hội, cơ chế chính sách chưa đủ thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi không thể dùng hoàn toàn ngân sách để phát triển.
"TPHCM mỗi tuần đều họp, lắng nghe, tháo gỡ từng dự án. Trong năm 2024, nếu tập trung tháo gỡ nhanh thì sẽ có 10 dự án được triển khai", ông Mãi nói.