Ngày 8/12, tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương thừa nhận việc thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm đã diễn ra lâu nay.
Theo ông Chương, đặc thù của công tác đấu thầu mua sắm thuốc là phải được thực hiện tập trung. Ngành y tế không có nhà tư vấn đấu thầu, không có thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Từ tháng 4/2022, tỉnh Bình Dương đấu thầu thành công gói thuốc 1.000 tỷ đồng. Bình Dương là một trong các tỉnh được đấu thầu thuốc sớm nhất theo quy định mới. Từ đó, Bình Dương cơ bản không còn tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng như một số nơi. Tuy nhiên, việc thiếu một vài loại thuốc nhất định vẫn xảy ra cục bộ.
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết, nguyên nhân do các đơn vị đã mua hết số lượng trúng thầu theo kế hoạch, hoặc do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu nên nhà thầu không cung cấp đủ thuốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh |
Tại kỳ họp, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xin nhận khuyết điểm và xin lỗi cử tri Bình Dương về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài. Theo ông Minh, việc này tỉnh đã nỗ lực khắc phục, có nhiều tiến bộ song vẫn không như kỳ vọng.
“Thời gian qua, tỉnh đã phân cấp, phân quyền để thực hiện công tác đấu thầu hiệu quả. Theo đó, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh, giám đốc các bệnh viện huyện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế được tự quyết gói thầu từ 3 đến 5 tỷ đồng. Riêng vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh thì giao cho Giám đốc Sở Y tế quyết định. Cử tri có thắc mắc, thuốc đã mua rồi sao vẫn thiếu, là do trong danh mục có nhiều thứ đấu thầu song chưa có nhà cung cấp dù liên tục mời thầu” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết.
Liên quan đến công trình Bệnh viện 1.500 giường chậm tiến độ, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đặt kỳ vọng trong quý 3/2024 có thể cơ bản đưa vào vận hành, không được toàn bộ thì cũng phải vận hành một phần. Đồng thời trong khoảng thời gian này phải di dời cơ sở bệnh viện đa khoa cũ.