Chủ tịch Hà Nội: Mọi người bí bách vì giãn cách xã hội nhưng cần khắc phục vì COVID-19

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
TPO - “Người dân cần làm tốt công tác phòng ngừa. Chúng tôi cũng hiểu thực hiện giãn cách xã hội mọi người ở trong nhà cũng bí bách, nhưng cần cố gắng khắc phục vì chính sức khoẻ của mình, của gia đình, cộng đồng xã hội, thành phố, đất nước thì công cuộc phòng chống dịch mới đạt kết quả”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 20/4, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ ra nhiều bài học trên thế giới. Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ trường hợp của Singapore. Cách đây 2 – 3 tháng, Singapore được coi là hình mẫu về chống dịch, được ca ngợi nhiều nhưng lơi lỏng một chút, đến nay lượng ca nhiễm rất lớn ở Đông Nam Á, có những ngày cao nhất phát hiện gần 1.000 trường hợp lây nhiễm.

Ở Hokaido của Nhật Bản, trước đây cũng làm rất kiên quyết, sau đó tiến hành thôi giãn cách xã hội, cho sinh hoạt dần dần trở lại bình thường, nhưng cách đây 1 tuần đã phải phong tỏa chặt trở lại. Tại một số nơi của Nhật Bản, Đài Loan đến nay, số ca nhiễm mới tăng rất nhanh.

Ông Chung cũng nhắc lại ca bệnh người Anh, khi ra viện ở Đà Nẵng thì xét nghiệm âm tính, lúc bay vào TP HCM thì dương tính, rồi trở về Anh lại cho kết quả âm tính. Ca bệnh 91 cũng có lúc âm tính, lúc dương tính. Hay ca 188 ở Hà Nam về Chương Mỹ (Hà Nội) cũng đã âm tính, sau đó lại dương tính, cho vào viện thì lại âm tính. “Điều này không có gì lạ, diễn ra giống với thế giới. Tại Vũ Hán (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapores cũng đều có tình trạng này”, ông Chung nói thêm.

Ông Chung cũng lưu ý, đến giờ phút này trên thế giới vẫn chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc trị chưa khỏi hoàn toàn. Nhiều nhà khoa học cho rằng, virus này có biến thể, việc dùng các phác đồ điều trị khác nhau có thể có hiệu nghiệm, giúp giảm bệnh đi, cộng với miễn dịch cơ thể tốt, có kháng thể thì khỏi bệnh, nếu cơ thể yếu thì nó lại phát ra…

Từ những phân tích ở trên, ông Chung yêu cầu tất cả các trường hợp đã có xét nghiệm âm tính cho ra viện về nhà phải dùng xe 115 chuyên dụng, tiếp tục cách ly 14 ngày. Khuyến khích các trường hợp mắc COVID-19 phải cách ly đến 30 ngày. “Bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế là 14 ngày. Riêng với thành phố Hà Nội, khuyến khích, động viên mọi người nên cách ly 30 ngày cho an toàn”, ông Chung nói.

Ông Chung cũng lưu ý, phải đảm bảo kiểm tra, giám sát những người đi từ nước ngoài về đã qua cách ly tập trung thì tiếp tục thực hiện cách ly thêm 14 ngày tại nhà. Có những người rời khỏi khu cách ly tập trung từ 11, 12/4, phải đến 24, 25/4 mới hết hạn.

“Số này vẫn tiềm tàng. Nếu rơi vào trường hợp như bệnh nhân 243 hoặc rơi vào các trường hợp trên thế giới đang lo ngại như nhiễm bệnh không có triệu chứng, lây nhiễm cho người khác mà không biết”, ông Chung nói thêm.

Ông Chung cho rằng, đã 5 – 6 ngày Hà Nội chưa phát hiện các ca mắc mới. Tuy nhiên, dịch này vẫn đang tiềm ẩn nguy hiểm với Hà Nội.

Ông Chung nhắc lại, thành phố đã thực hiện quyết liệt phòng chống dịch bệnh được gần 3 tháng, đã làm chủ được tình hình. Có những ổ dịch tưởng như không vượt qua được, tiềm tàng lây nhiễm lớn, nhưng ngăn chặn và vượt qua được.

Theo ông Chung, thành phố không được chủ quan, bởi dịch bệnh này trên thế giới đã có tình trạng tái lây nhiễm, hoặc nhiễm bệnh mà không có biểu hiện, triệu chứng, có thể kéo dài trong 30 ngày. “Chúng ta có bài học là Hàn Quốc thời gian qua đã xây dựng bộ tiêu chí cho từng nhà hàng, quán cà phê, tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách bắt buộc. Ví dụ, tới đây việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách là bắt buộc. Hay thể dục thể thao, sinh hoạt tôn giáo liên quan tụ tập đông người chắc chắn vẫn phải hạn chế một thời gian nữa chứ chưa thể quay lại hoạt động bình thường”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Ông Chung cho rằng, theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học trên thế giới và Việt Nam, việc tập thể dục, thể thao như chạy bộ nếu người chạy trước mắc bệnh, ho, có giọt bắn ra thì nguy cơ lây nhiễm cho người chạy phía sau rất cao. “Người dân cần làm tốt công tác phòng ngừa. Tất nhiên chúng tôi cũng hiểu việc thực hiện giãn cách xã hội, mọi người trong nhà cũng bí bách, nhưng cố gắng khắc phục vì chính sức khoẻ của mình, của gia đình, cộng đồng xã hội, thành phố và đất nước thì công cuộc phòng  chống dịch mới đạt kết quả”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất xét nghiệm nhanh cho các tiểu thương ở chợ Phùng Khoang và chợ Minh Khai. Theo ông Chung, vừa qua, việc xét nghiệm nhanh ở 5 chợ đầu mối cho kết quả tốt, đánh giá được nguy cơ ở những nơi có lượng giao dịch lớn.

“Tất cả xét nghiệm đều âm tính không có nghĩa là chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng. Đây mới là con số 0 về miễn dịch cộng đồng, chỉ là thể hiện việc chưa lây nhiễm ra cộng đồng thôi. Chỉ khi nào xét nghiệm mà 60 – 70% dân số có kháng thể trong người thì lúc đó miễn dịch cộng đồng mới tốt được, mới phòng ngừa được”, ông Chung nói.

Ông Chung cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm tra các cửa hàng, karaoke, mát xa, các loại hình cấm, không thuộc nhóm thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội. Các đơn vị quận huyện và Sở Y tế phải kiểm tra lại toàn bộ công tác mua sắm trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì thành lập đoàn liên ngành rà soát, kiểm tra lại các đơn vị, nhất là các bệnh viện có mua sắm thời gian qua, những đơn vị doanh nghiệp y tế cung cấp các trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao cho các hoạt động này, kiểm tra xem các doanh nghiệp này có đủ năng lực không, trang thiết bị y tế có đảm bảo chất lượng hay không, giá như thế nào.

MỚI - NÓNG